Hà Nội

Từ bệnh viện “kính chuyển” đến bệnh viện tham gia chỉ đạo tuyến

18-10-2019 07:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Y tế vừa có Công văn số 1679/BYT-KCB ngày 15/10/2019 giao Bệnh viện quận Thủ Đức tham gia Đề án 1816, theo đó, Bộ Y tế đồng ý cho Bệnh viện quận Thủ Đức làm công tác chỉ đạo tuyến cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Văn bản nêu rõ, sau khi xem xét năng lực của Bệnh viện quận Thủ Đức, Bộ Y tế đồng ý giao cho Bệnh viện quận Thủ Đức được tham gia thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 và thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành phố khu vực: Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Miền Trung Tây Nguyên...

Gần đây, Sở Y tế một số tỉnh, thành khu vực phía Nam mong được Bệnh viện quận Thủ Đức hỗ trợ công tác chỉ đạo tuyến cho một số bệnh viện tuyến huyện trong địa bàn tỉnh/thành. Xét thấy đây là một hoạt động có ý nghĩa vì giúp nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến huyện của các tỉnh, thành cũng là giúp giảm tải cho các bệnh viện thành phố, căn cứ vào đánh giá năng lực chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện quận Thủ Đức, Sở Y tế đã có Công văn số 5018/SYT-NVY ngày 13/9/2019 gửi Bộ Y tế về đề nghị Bộ Y tế xem xét và giao nhiệm vụ làm công tác chỉ đạo tuyến cho Bệnh viện quận Thủ Đức.

Bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện hạng 1, trong thời gian qua bệnh viện đã có nhiều nỗ lực triển khai các kỹ thuật chuyên sâu và tham gia hỗ trợ toàn diện cho một số bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn thành phố vốn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực chuyên khoa và nhân lực quản lý.

chỉ đạo tuyếnBệnh viện quận Thủ Đức đã làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại.

BV quận Thủ Đức từng bị xem là “bệnh viện kính chuyển” (gần như có bệnh nhân là ký giấy chuyển viện - PV) đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành BV tuyến quận/huyện có lượng bệnh nhân thuộc top đông nhất TP.HCM và trở thành “hiện tượng” của ngành

Nói về “bí quyết” lột xác này, BS. Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức cho biết, là bệnh viện nằm ở khu vực dân cư đông đúc, có nhiều công ty, xí nghiệp. Chúng tôi luôn suy nghĩ, để tận dụng được lợi thế này thì điều tiên quyết là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với thái độ phục vụ thân thiện.

Chất lượng điều trị của BV là tiêu chí quan trọng, quyết định sự chọn lựa của bệnh nhân. Một khi bệnh nhân có nhu cầu đến BV mà nơi đó không được đáp ứng thì lập tức họ sẽ chọn nơi khác tốt hơn. Vì vậy, bệnh viện phải chứng minh, khẳng định uy tín bằng hiệu quả điều trị cụ thể. Tuy nhiên, để tạo dựng được thương hiệu, uy tín với người bệnh là quá trình dài, phải được chăm chút từng vấn đề nhỏ nhặt, đáp ứng mong muốn từ bệnh nhân. Do đó, BV rất chú trọng đến việc xây dựng thái độ tiếp xúc thân thiện và sự ân cần phục vụ bệnh nhân của bác sĩ, điều dưỡng, hoặc đơn giản là sửa sang nhà vệ sinh sạch đẹp, thoải mái cho bệnh nhân và thân nhân. Đối với mỗi bệnh nhân nằm viện tại đây, ngay sau khi họ xuất viện, BV sẽ nhắn tin, gọi điện thăm hỏi. BV dặn dò bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, tái khám (nếu có) và đặc biệt lấy ý kiến của họ đối với sự phục vụ của BV.

Chúng tôi rất muốn hoàn thiện, nâng chất lượng phục vụ nên rất cần sự nhận xét chính xác từ bệnh nhân. Trong quá trình nằm điều trị tại BV, cho dù bệnh nhân, người nhà của họ không hài lòng thì hầu như họ cũng không phản ánh, góp ý. Việc lấy ý kiến trong thời điểm này sẽ không có kết quả chính xác. Vì vậy, BV lấy ý kiến của của bệnh nhân sau khi họ xuất viện. Ban đầu, chúng tôi nhận được rất nhiều phàn nàn, góp ý. Đối với từng phiền hà cụ thể, BV yêu cầu lãnh đạo khoa cùng với bộ phận chăm sóc khách hàng của BV trực tiếp đến nhà bệnh nhân xin lỗi, cam kết khắc phục; đồng thời BV cũng có các hình thức chấn chỉnh. Chúng tôi thực hiện gắt gao việc này và sau đó, các than phiền của bệnh nhân đã giảm hẳn.

Năm 2007, BV Quận Thủ Đức có 99 nhân viên, với 17 bác sĩ; chỉ đủ năng lực khám chữa bệnh cho 200 bệnh nhân/ngày và 12 bệnh nhân nằm nội trú/ngày. BV lúc đó rộng khoảng 5.000m2 nhưng gần như chỉ là cái “vỏ rỗng ruột”. Đến nay, BV có 46 khoa, phòng với 1.800 cán bộ, công nhân viên, trên diện tích 14.000m2. Mỗi ngày, BV tiếp nhận 6.000 lượt bệnh nhân, có 1.000 giường bệnh nội trú.

BV quận Thủ Đức là bệnh viện tiên phong đưa kỹ thuật cao đến gần người dân bằng sáng kiến đặt phòng khám tại trạm y tế, nơi đông dân cư (nhưng xa BV), trong đó có máy chạy thận nhân tạo. Hàng ngày, BV quận Thủ Đức cử bác sĩ đến 12 trạm y tế của 12 phường thuộc quận Thủ Đức để khám những bệnh thông thường và phát thuốc tại đây. Mô hình khác là Phòng khám Đa khoa vệ tinh tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu và phường Hiệp Bình Chánh; Phòng khám Đa khoa tại các phường Linh Xuân, Linh Tây và trong Khu chế xuất Linh Trung 1. Các mô hình này thu hút lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải đáng kể cho BV quận Thủ Đức và hệ thống khám, chữa bệnh nói chung.

Được biết, tới đây Sở Y tế TP.HCM sẽ làm việc với Bệnh viện quận Thủ Đức và các bệnh viện thành phố được Bộ Y tế giao nhiệm vụ làm công tác chỉ đạo tuyến và phối hợp với các bệnh viện trực thuộc Bộ trên địa bàn phía Nam để triển khai công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 đảm bảo không bị trùng chéo trên các địa bàn đã được phân công tại Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 20/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế, về việc phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.


Mai Anh
Ý kiến của bạn