Giọng nói rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Giọng nói là một trong những công cụ tốt nhất để giúp chúng ta giao tiếp. Một số ngành nghề dùng giọng nói nhiều như: ca sĩ, giáo viên, bán hàng, luật sư... Nếu không biết tự bảo vệ giọng nói của mình thì khi bị bệnh về giọng nói có khả năng không thể tiếp tục hành nghề được.
Bản chất của giọng nói
Giọng nói được tạo ra nhờ sự phối hợp của nhiều cơ quan như: não, phổi, thanh quản mà đặc biệt là 2 dây thanh âm, khoang miệng bao gồm răng, lưỡi, khẩu cái mềm, cứng và mũi. Cấu trúc của các bộ phận này dài ngắn, to nhỏ khác nhau ở mỗi người, vì vậy chúng ta có giọng nói không giống nhau. Đàn ông có giọng nói trầm hơn phụ nữ. Giọng nói của trẻ con khác với người lớn . Khi chúng ta bị bệnh, các bộ phận này bị tổn thương sẽ làm giọng nói bình thường hàng ngày của chúng ta thay đổi như nói ré, nói khàn, thậm chí có thể tắc tiếng.
Giáo viên là nghề dễ mắc bệnh về giọng. |
Không nên hút thuốc. Hút thuốc làm tổn hại mô của dây thanh, làm cho người ta không thở sâu được làm giọng nói thô, khàn và yếu. Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây ung thư thanh quản hàng đầu. Hút xì gà tổn hại giọng gấp 20 lần hút thuốc lá.
Căng cơ vùng cổ vai, và vùng họng cũng ảnh hưởng giọng nói. Cần tập giãn cơ vùng này từ từ, nhẹ nhàng nhiều lần trong ngày.
Thông thường những triệu chứng như: khàn tiếng, nói đau hoặc thay đổi giọng nói do cảm cúm gây ra sẽ mất đi trong khoảng 1-2 tuần. Nếu những triệu chứng này tồn tại hơn 2 tuần nên đi khám bác sĩ.
Những người làm nghề phải sử dụng giọng nói nhiều không nên dùng các sản phẩm của aspirin, vitamin E cũng sử dụng vừa phải. Những thuốc này làm máu loãng và gây ra xuất huyết vùng dây thanh, đặc biệt hay gặp ở người đang trong thời kỳ luyện giọng. Có thể sử dụng paracetamol thay thế aspirin.
Luôn luôn giữ cho dây thanh ẩm và có chất nhầy loãng bằng cách uống nước, nước trái cây, trà thảo mộc. Không nên dùng caffein vì caffein có tính khử nước thay vì tạo nước. Trong trường hợp bạn đã nghiện cà phê, bạn nên uống ít một và phải uống nhiều nước sau đó. Tốt nhất bạn nên tập bỏ uống cà phê. Nên giữ cho nhà và nơi làm việc của mình không bị khô quá, tốt nhất độ ẩm luôn đạt 30% hoặc hơn.
Có nhiều thuốc cảm cúm chứa chất làm khô niêm mạc, vì vậy khi uống những thuốc đó triệu chứng cảm cúm giảm nhưng niêm mạc dây thanh lại bị mất nước, vì vậy cần bổ sung nước.
Uống rượu cũng làm mất nước cơ thể, vì vậy nếu uống rượu cần uống thêm nước.
Cảm cúm, viêm họng, viêm thanh quản thường do virus, làm cho dây thanh bị sưng phồng, giọng trở nên nhỏ, rè và khàn. Những lúc bị như vậy nên hạn chế tán gẫu, tốt nhất là sử dụng viết hoặc email để giao tiếp. Nếu cần phải nói thì nói thật nhỏ, tránh nói lớn hoặc la hét. Tránh khạc mạnh để làm sạch cổ họng, động tác này dễ gây tổn thương mô của dây thanh. Nên uống từng ngụm nước nhỏ thay vì khạc. Súc họng và rửa mũi bằng nước muối. Các nhà thanh học khuyên khi súc họng cho thêm ít sô-đa vào dung dịch muối. Xông mũi họng cũng rất tốt .
Mệt mỏi dây thanh thường không nói thầm được. Có 2 loại mệt mỏi dây thanh: mệt do mô và mệt do cơ. Cơ dây thanh mệt thường gây đau nhói lan vùng cổ. Các mô dây thanh mệt thường có cảm giác đau hay đau nhói ngay phía sau trái khế.
Dây thanh mệt do cơ thì sẽ luyện tập với nhà thanh học để làm giảm bớt sự căng cơ. Ngược lại, mệt do mô thì phải tăng thêm nước cho cơ thể, tập thở và lấy chất gây kích thích dây thanh.
Nhiều nhà thanh học cho rằng: hội chứng trào ngược dịch vị dạ dày gây nhiều vấn đề cho giọng nói. Thường bệnh nhân có cảm giác nóng vùng ngực và có vị chua ở miệng, đôi khi không có triệu chứng gì rõ rệt. Không nên ăn và uống rượu 2-3 giờ trước ngủ. Hạn chế các thức ăn kích thích như: cà phê, sôcôla, thức ăn cay, nhiều chất béo. Nên ăn nhiều lần hơn ăn 1, 2 lần nhưng ăn nhiều. Không nên mặc quần hay thắt lưng chặt. Ngủ gối cao. Sử dụng các loại thuốc làm giảm acid.
BS. Nguyễn Thị Bích Thủy