Từ bài khai bút độc đáo nửa thế kỷ trước đến khai bút năm gà của BS. Nguyễn Khắc Viện

01-02-2017 17:29 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - BS. Nguyễn Khắc Viện (BSNKV) sống ở “Tây” hơn một phần tư thế kỷ; về nước lại luôn phải làm việc với “Tây” nhưng vẫn giữ cốt cách một ông “Đồ Nghệ”...

BS. Nguyễn Khắc Viện (BSNKV) sống ở “Tây” hơn một phần tư thế kỷ; về nước lại luôn phải làm việc với “Tây” nhưng vẫn giữ cốt cách một ông “Đồ Nghệ”, hầu như năm nào cũng khai bút. Ngay cả khi đang ở Paris, trước khi về nước, mùa xuân năm 1963, BSNKV đã khai bút với bài thơ Đường, cảm hứng khi mấy bạn Pháp đến tặng một cành đào và hỏi “Bao giờ Việt Nam thắng lợi?”; BSNKV đáp: “Đêm còn dài, nhưng rồi bình minh sẽ tới”. Vì thế, bài khai bút nguyên văn chữ Hán như sau: “Song hàm bạch tuyết tha hương cảnh/Các mãn đào hoa hữu nghị tình/ Tuyết thượng đào hoa tăng diễm sắc/Khán hoa trường dạ đãi bình minh” (BSNKV tự dịch như sau: Ngoài cửa tuyết ngậm cảnh tha hương/Cành đào ngát phòng tình anh em/ Trên tuyết hoa đào càng tươi sắc/Ngắm hoa đêm dài đợi bình minh). Bài khai bút này cũng khá là độc đáo vì được thể hiện bằng bốn hình thức: chữ Hán, chữ Pháp, phiên âm và dịch thơ! (xem ảnh chữ Hán)

Tuy vậy, độc đáo và thú vị nhất là bài khai bút đầu xuân 1967, tròn nửa thế kỷ trước. Các bạn xem bút tích Khai bút đầu năm 1967 của BSNKV sẽ thấy:

Hẳn là nhiều bạn không thể đọc được ngay bài khai bút có nhiều “họa tiết” đánh đố này. Xin được “giải mã” như sau:

Bài khai bút này chúng tôi mới tìm thấy cách đây vài năm, khi soạn Di cảo của BSNKV để trao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia bảo quản lâu dài. Hôm đó, chúng tôi bất ngờ tìm thấy bài khai bút trong tập gần 20 lá thư tình rất lãng mạn gửi cho “người yêu” là bà Nguyễn Thị Nhất. Những lá thư được viết từ tháng 4/1966 đến tháng 4/1967, khi đó BSNKV 52 tuổi và bà Nhất 42 tuổi, nhưng đến lễ Nô-en 1967 họ mới có điều kiện tổ chức lễ cưới. Chuyện tình hai người có quan hệ đến một nhân vật nổi tiếng khác là triết gia Trần Đức Thảo đã được tôi viết rõ trong cuốn “Nguyễn Khắc Viện yêu & mơ” (NXB Trẻ, 2015), nay chỉ xin tóm lược như sau: BSNKV và bà Nguyễn Thị Nhất cùng hoạt động Việt kiều yêu nước tại Pháp và rất quý mến nhau, nhưng rồi ông Trần Đức Thảo và bà Nhất về nước trước, trong khi ông Viện bị lao phổi phải lên bàn mổ nhiều lần, sức khỏe chưa hồi phục đã đảm trách lãnh đạo phong trào Việt kiều ở Pháp. Ông Thảo và bà Nhất xây dựng gia đình với nhau nhưng do ông Thảo quá say mê nghiên cứu triết học, bà Nhất sau một lần phải mổ dạ con, không sinh nở được, nên hai người đành phải chia tay. Năm 1963, ông Viện về nước, thương tình bà Nhất cô đơn, nhưng mãi đến năm 1966, mới ngỏ lời yêu!...

Bài khai bút được cất giữ bí mật gần nửa thế kỷ cũng có thể xem như là một trong số thư tình mà vợ chồng BSNKV đã gửi bí mật nửa thế kỷ.

Bài Khai bút viết trong 1 trang; phần trên có 3 dòng, nhìn qua như chữ Hán, nhưng xem kỹ thấy mỗi dòng có 7 chữ V và N lồng vào nhau theo kiểu “thư pháp”; phần dưới là 4 câu thơ gần như điệp ý (Chỉ một lời chúc/Chỉ một lời mong/Chỉ một lời ước/Chỉ một lời nguyền); bạn để ý cuối mỗi câu thơ cũng có “họa tiết” hai chữ N - V  lồng vào nhau; cuối câu viết “bổ sung” (Không quên Bình) cũng có hai chữ N - V lồng vào nhau bên cạnh có thêm chữ “b” nữa! (Bình là tên em bé bà Nhất nhận nuôi, trước khi đến với BSNKV).

Thật không ngờ BSNKV lại công phu và chu đáo như thế! Chỉ có một điều khó lý giải là tại sao chỉ viết 3 dòng và mỗi dòng “thư pháp” lại có 7 “họa tiết”? Như thế tổng cộng có 21 “họa tiết”, 21 lần N và V lồng nhau! Xem nhiều thư, thấy BSNKV rất tỉ mỉ (như “đi xem Bảo tàng Mỹ thuật thấy bộ áo Thái”, ông không chỉ khen “đẹp quá” mà nhớ rất chi tiết “váy đen dài đến gót chân, sát người, sơ mi trắng có đường thêu ở giữa”. Như vậy, con số 3X7 = 21 “họa tiết” BSNKV “vẽ” trong Khai bút đầu năm 1967 hẳn có một ý nghĩa? Ai có cách lý giải hay, xin mách dùm.

Sau đây, xin thử nêu một cách “giải mã’:

“7” là số ngày trong một tuần, nên có thể hiểu, BSNKV mong ước suốt 7 ngày, “N” và “V” luôn quấn quýt bên nhau. Và suốt ba tuần như thế! Mà dân gian có câu “Ba keo mèo cắm cổ”; BSNKV thì lại sinh năm con mèo! (BSNKV thực sinh năm 1915, tức năm Ất Mão, nhưng khai sinh 1913 để đủ tuổi vào tiểu học). Và cho dù đã khẳng định “mèo cắm cổ” nhưng ở phần tiếp theo, BSNKV vẫn nhẫn nại nhắc lại 4 lượt về sự gắn bó “N”&”V”- từ chỗ lịch sự và khiêm tốn “chúc - mong - ước” đến “nguyền” - từ ngữ thể hiện mức độ quyết liệt như một lời thề!

Ngày Xuân, “mua vui” với trò “chơi chữ” của BSNKV với bài khai bút trong nửa thế kỷ trước, mới được phát hiện; bài khai bút hoàn toàn riêng tư, chẳng có gửi gắm vấn đề chính trị - xã hội nào như các bài khai bút về sau, trong đó, có bài “Khai bút năm Gà” - Quý Dậu, 1993, qua hai vòng “hoa giáp”, năm Đinh Dậu này, vẫn chưa “lạc hậu”:

“Có những người đã thức dậy/Lúc gà chưa gáy/ Biết bao nhiêu còn ngái ngủ/Gáy lên đi, gà ơi!/Cho đời rộn lên, người người tỉnh thức/Bớt si mê trong cơn lốc thị trường/Bớt chìm đắm trong ao tù quan lại/Cho con người đứng thẳng lên/Không quỳ gối thờ đô-la/ Không cúi đầu trước quyền lực/Gáy vang lên, hỡi gà ơi!”.

BSNKV viết bài khai bút này lúc vào TP. Hồ Chí Minh “tránh rét”. Gần một phần tư thế kỷ đã qua từ ngày đó. 24 mùa Xuân đã qua, đất nước đã có biết bao biến đổi, nhưng ngẫm lại những sự kiện nổi “đình đám” nhất trong năm vừa qua càng thấy cần “tiếng gà thức dậy những người còn ngái ngủ!

***

Từ bài khai bút “tỏ tình” 1967 đến “khai bút năm Gà” 1993, cách nhau 26 năm của BSNKV - một từ Hà Nội đầy hầm hào, thỉnh thoảng lại rú lên tiếng còi báo động, một tại thành phố từng có biệt danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” - với hai phong cách, nội dung khác hẳn nhau. Có thể nói, đó chính là điều rất đáng suy ngẫm, vì chúng cho ta thấy một nét thú vị trong chân dung một trí thức - một kẻ sĩ mà “thiên hạ” thường hình dung ông chỉ chăm chăm mài sắc ngòi bút luận chiến với các kẻ thù của dân tộc. Thì bạn cứ tưởng tượng xem: Giữa Hà Nội thời chiến, BSNKV - sau khi đóng những vai trò long trọng trong các cuộc họp hành, tiếp khách và viết những bài báo quan trọng đối thoại với làng báo quốc tế - lại gò lưng, tỉ mẩn tô vẽ cặp đôi V N hết kiểu này đến kiểu khác như một... học sinh nghịch ngợm; không, đúng hơn là như một “chàng trai” đang yêu say đắm, dù đã trên 50 tuổi! Còn gần 30 năm sau, ông già 80 tuổi lại dóng dả cất tiếng “gáy” thức mọi người “đứng thẳng lên” bước vào cuộc chiến đấu mới không có bom đạn, nhưng biết mấy là cạm bẫy và thử thách cam go!

Nghe qua như là trái nghịch, như nước với lửa, như âm với dương, nhưng có lẽ chính nhờ thế mà BSNKV đã ung dung vượt qua mọi thử thách, sống thọ hơn tám mươi tuổi, dù một căn bệnh hiểm nghèo đã định kết án “tử” cho ông hơn nửa thế kỷ trước từ bên trời Tây xa xôi...


Nguyễn Khắc Phê
Ý kiến của bạn