Bài học sau những thất bại
Trước khi có hiện tượng Ánh Viên làm dậy sóng đường đua xanh cúp thế giới như hiện nay, bơi Việt Nam từng nhận không ít bài học từ thất bại. Rõ nhất và đáng tiếc nhất chính là trường hợp của “rái cá sông Hàn” Hoàng Quý Phước.
Lẽ ra Hoàng Quý Phước còn phát triển trước Ánh Viên và có thể đạt đến tầm thế giới nhanh hơn cả Ánh Viên, nếu như Quý Phước được đầu tư đầu hướng và đừng có những tranh cãi hết sức đáng tiếc giữa địa phương với ngành TDTT, trong chuyện “quân anh, quân tôi”.
Và khi đầu tư cho Ánh Viên, những người quyết tâm đưa nàng “tiểu tiên cá” lên đẳng cấp cao đã tránh tối đa việc đi vào vết xe đổ như của trường hợp Hoàng Quý Phước.
Người lớn dành cho Ánh Viên sự đầu tư mang tính khoa học hơn, trọng điểm hơn. Và khi được đầu tư đúng hướng, chúng ta có kết quả là các VĐV Việt Nam hoàn toàn đủ sức vươn lên tầm cao ở các môn thể thao cơ bản, vốn đòi hỏi sức mạnh và sự chính xác như môn bơi – môn mà lâu nay chúng ta ngỡ như ngoài tầm với của người Việt.
Với Nguyễn Ngọc Trường Sơn trong môn cờ vua, đây là môn phù hợp hơn với thể trạng của người Việt Nam, vì cờ không đòi hỏi sức mạnh. Tuy nhiên, trường hợp của Trường Sơn cũng giống như Ánh Viên ở chỗ chúng ta từng thấy thất bại và rút ra bài học từ chính thất bại đấy, trước khi sửa sai cho chính mình.
Nguyễn Ngọc Trường Sơn cách nay 15 năm từng đoạt HCV U10 thế giới. Nhưng sau đó, Trường Sơn không phát triển đúng như tiềm năng của mình, vì cậu bé Trường Sơn năm đó không được đầu tư đúng cách và đúng hướng.
Và tấm HCV châu Á mới đây của Trường Sơn chính là sự thay đổi lớn không những từ bản thân của VĐV này, mà còn từ định hướng của người có trách nhiệm dành cho tài năng của thể thao Việt Nam.
Bài học Trường Sơn trong quá khứ cũng là bài học dành cho Anh Khôi trong tương lai gần, rằng trong thể thao, tố chất mới chỉ là điều kiện cần, có tiềm năng thôi vẫn chưa đủ, mà điều kiện đủ vẫn khâu định hướng và kế hoạch để các VĐV ấy phát triển lên đỉnh cao.
Cơ hội để vươn tầm thế giới
2 tấm huy chương một bạc và một đồng mới nhất do Ánh Viên giành được vẫn chưa phải đến từ các giải đấu danh giá nhất trên đường đua xanh thế giới như Olympic hay giải vô địch thế giới. Nhưng giành huy chương tại World Cup cũng chẳng phải là điều đơn giản, vượt qua hàng loạt VĐV mạnh đến từ khắp 5 châu để đứng nhì và đứng ba ở các nội dung cụ thể thì đúng là kỳ tích.
Bước đầu, có thể nói Ánh Viên đang dần gia nhập đẳng cấp thế giới, chí ít là nằm trong nhóm có thể tham gia các đợt thi chung kết ở một số nội dung sở trường (thi chung kết vốn chỉ dành cho 8 VĐV mạnh nhất trên toàn thế giới của từng nội dung), thậm chí có thể gia nhập nhóm cạnh tranh huy chương.
Giấc mơ dự VCK World Cup của futsal không phải là giấc mơ viển vông
Điều đó chứng tỏ, thể thao Việt Nam sau thời gian dài quanh quẩn ở đấu trường khu vực, ở các kỳ SEA Games, đã bắt đầu có định hướng xa hơn, đang tính chuyện tấn công vào những đấu trường lớn hơn, tầm châu Á và thế giới.
Đấy cũng là trường hợp mà người ta đang thấy trong môn futsal. Tấm HCĐ châu Á ở giải các CLB châu lục là tiền đề để những người quản lý môn bóng đá trong nhà nghĩ đến chiếc vé dự VCK World Cup.
Giấc mơ World Cup với futsal xin được nhấn mạnh rằng không phải giấc mơ viển vông, mà đấy là giấc mơ có cơ sở hẳn hoi, dựa trên đánh giá tổng quan thực lực của các nền futsal các tầm châu lục và tốc độ phát triển của chính chúng ta.
Và dĩ nhiên, chẳng có con đường nào khi vươn lên tầm cao là bằng phẳng cả. Nó đòi hỏi sự kiên trì và tính khoa học trong quá trình đầu tư, đòi hỏi tâm huyết và tầm nhìn của những nhà quản lý.
Rốt cuộc, thành công của Ánh Viên, của Trường Sơn, Anh Khôi, của Lý Hoàng Nam trong môn quần vợt, hay giấc mơ VCK World Cup của futsal cho người ta thấy một điều rằng thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể thoát khỏi ao làng, nếu được đầu tư đúng.
Theo Kim Điền (Dân Trí)