Từ 26/5, không còn chồng chéo trong quản lý an toàn thực phẩm

01-05-2014 16:51 | Thời sự

SKĐS - Thông tư liên tịch số 13 /2014/TTLT- BYT-BNNPTNT-BCT của Liên bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày 26/5.

 

Thông tư liên tịch số 13 /2014/TTLT- BYT-BNNPTNT-BCT của Liên bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày 26/5.

Thông tư liên tịch số 13 /2014/TTLT- BYT-BNNPTNT-BCT gồm 5 Chương 15 điều phân công và phối hợp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Theo nhận định của các chuyên gia về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, kể từ ngày có hiệu lực, thông tư này giúp cho hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tránh chồng chéo, thiếu hiệu quả trong công như hiện nay.

Theo đó, từ ngày 26/5 tới, việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này đảm bảo nguyên tắc 1 sản phẩm; 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của 1 cơ quan Nhà nước. Trường hợp cơ sở sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 Bộ trở lên, trong đó có sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý.

 

Từ 26/5, hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ cụ thể hơn (ảnh mang tính chất minh họa)

Từ 26/5, hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ cụ thể hơn (ảnh mang tính chất minh họa)

Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN & PTNT và Bộ Công Thương thì Bộ NN & PTNT chịu trách nhiệm quản lý. Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 Bộ trở lên (bao gồm cả chợ và siêu thị) thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý, trừ chợ đầu mối. Đối với hoạt động đấu giá nông sản do Bộ NN&PTNT quản lý.

Cũng theo Thông tư này, Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trừ những loại dụng cụ, vật liệu bao gói chuyên dụng gắn liền và chỉ được sử dụng cho các sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Đồng thời, chủ động chủ trì tổ chức, thực hiện việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm theo phạm vi quản lý được phân công quy định tại Luật an toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 04 năm 2012. Các Bộ liên quan có trách nhiệm tham gia phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm theo đề nghị của cơ quan chủ trì thực hiện hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm không chồng chéo giữa các ngành, các cấp, bảo đảm hoạt động thanh tra, kiểm tra thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

T.Bình

 

 


Ý kiến của bạn