Từ 2 vụ tát học sinh liên tiếp: Trẻ dễ sang chấn tâm lý dẫn đến tự ‘hành xác’ bản thân

 TS. Dương Minh Tâm

TS. Dương Minh Tâm

Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai

06-12-2018 11:01 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, sau chấn thương tâm lý quá mạnh tác động trực tiếp đến trẻ thì trẻ dễ xuất hiện rối loạn stress sau sang chấn. Những chấn động về mặt tâm lý như vậy nếu không được giải tỏa kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho trẻ, thậm chí đã có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mắc các chứng rối loạn hành vi tự ngược đãi bản thân như dùng dao lam, mảnh sành cắt tay, tự tát vào má, giật tóc…. vô cùng nguy hiểm.

Đối với bệnh nhân có dấu hiệu tâm lý bất thường, thông thường khi phải trải qua, chứng kiến hay đối mặt với sự kiện gây sang chấn, phản ứng của bệnh nhân là khiếp sợ, bất lực và ám ảnh. Ở trẻ em có thể là rối loạn kích động, sự sợ hãi và sự lo âu mà các nhà tâm lý gọi là rối loạn stress sau sang chấn, nghĩa là rối loạn sau một sự kiện gây tác động mạnh mẽ.

TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, căng thẳng tâm lý không loại trừ bất kể ai, khi xã hội ngày càng phát triển thì con người càng phải đối mặt với nhiều stress hơn. Ở lứa tuổi vị thành niên do các cháu còn quá non nớt, lại đang trong giai đoạn hình thành nhân cách nên bệnh nhân nhiều khi không nhận ra mình bị bệnh và không để ai biết tình trạng bệnh của mình.

Đáng ra người bệnh khi gặp vấn đề căng thẳng thì phải chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp của người khác, nhưng thay vì làm như vậy người bệnh lại quay 180 độ tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết. Hoặc ngược lại, họ làm vậy để gây sự chú ý của người khác.

Khi phải trải qua, chứng kiến hay đối mặt với sự kiện gây tác động mạnh, trẻ dễ bị rối loạn stress sau sang chấn. Ảnh minh họa.

 

Các hành vi tự làm đau bản thân hay gặp là cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng, bệnh nhân có thể cắt ở nhiều vị trí khác. Hoặc lao đầu vào tường, tự đánh, tát. Nhổ tóc, cấu rách da, nhịn ăn….

Một số trẻ tự gây tổn hại về tinh thần bằng cách tự ngược đãi về tinh thần đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán, để chịu khổ sở… Điều đáng nói là ở những trẻ như vậy, sau mỗi lần làm tổn hại bản thân bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn, nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế.

“Hiện nay, trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng/bệnh tự ngược đãi bản thân ở tuổi teen”- TS. Tâm cho biết.

Áp lực nặng nề đè nén lứa tuổi "ô mai"

Tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc các chứng bệnh về tâm lý. Các bác sĩ cho biết, hiện nay, lứa tuổi học sinh sinh viên chịu áp lực nặng nề từ học hành, thi cử đến những thay đổi về nhận thức trong cuộc sống, trong đó có những thay đổi về tâm sinh lý nhưng nhiều phụ huynh không nắm bắt được.

Theo BS. Lê Công Thiện – Trưởng phòng Điều trị tâm thần Trẻ em và Vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, từ thực tế điều trị cho thấy, các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp nhất ở lứa tuổi trẻ em, vị thành niên là vấn đề về cảm xúc, ví dụ như căng thẳng, lo âu, đặc biệt là về trầm cảm.

Ngoài ra có một số trường hợp có rối loạn về hành vi, đặc biệt chú ý là có một số cháu có vấn đề sử dụng các chất tác động tâm thần rất nguy hiểm.

Điều trị cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai.

 

Rối loạn stress sau sang chấn có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc điểm nổi bật là biểu hiện sau một chấn thương tâm lý quá mạnh, tác động trực tiếp đến người bệnh. Những cơn ác mộng, lo âu, kém tập trung, trầm uất, dễ bị kích động, nổi nóng và né tránh người xung quanh… là một vài biểu hiện trong số các triệu chứng khi mô tả rối loạn stress sau sang chấn. Rối loạn stress sau sang chấn không chỉ thể hiện sự đi xuống về mặt sức khỏe tinh thần mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất.

Theo BS. Thiện, khi bệnh nhân vừa trải qua một sang chấn thì biện pháp chủ yếu là trợ giúp, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc để giảm bớt rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ. Rối loạn stress sau sang chấn tuy không nguy hiểm nhưng để lại di chứng hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là tuổi thanh thiếu niên sẽ ảnh hưởng đến việc học tập. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách, tính cách con trẻ sau này nên khi có vấn đề rồi thì việc hình thành phát triển nhân cách không được đều đặn….

Các chuyên gia nhấn mạnh đến sự trợ giúp của cộng đồng và gia đình với bệnh nhân là đặc biệt cần thiết. Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng, cần khuyến khích bệnh nhân trò chuyện trao đổi về sang chấn, hướng dẫn cách đối phó với sang chấn như tập thể dục lành mạnh, tăng cường giao lưu…

Trong khi vụ việc tát học sinh 231 cái ở Quảng Bình vẫn chưa kịp lắng xuống, thì mới đây nhất lại có thông tin một trường tiểu học ở Hà Nội cũng áp dụng hình phạt này. Cụ thể là một học sinh lớp 2 tại Trường Tiểu học Quang Trung được cho là bị cô giáo phạt tát 50 cái, nhưng sau khi bị tát 20 cái thì em khóc lớn nên cô giáo cho dừng lại.

Vụ việc lại gây thêm bức xúc cho dư luận về tình trạng giáo viên bạo hành học sinh. Trong sáng nay 6/12, Trường Tiểu học Quang Trung đã tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ việc. Ngành giáo dục đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc gây nhiều bức xúc này.

 


Dương Hải
Ý kiến của bạn