BHXH Việt Nam vừa có văn bản gửi BHXH các tỉnh, thành phố; BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an nhân dân về việc áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Trước đó, ngày 9/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2019 là 1.490.000 đồng/tháng- tăng 100.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành.
Mức lương cơ sở này dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Để thống nhất thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định (kể cả trường hợp người tham gia BHYT vào viện trước ngày 1/7/2019 nhưng ra viện từ ngày 1/7/2019), BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh thông báo để các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn từ ngày 1/7/2019 thực hiện xác định mức hưởng BHYT theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh có tổng chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn 223.500 đồng tương đương 15% mức lương cơ sở không phải thực hiện cùng chi trả
Cụ thể: Người bệnh được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (15% mức lương cơ sở tương đương với 223.500 đồng); 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến (6 tháng lương cơ sở tương đương với 8.940.000 đồng).
Đồng thời, xác định mức thanh toán trực tiếp theo quy định tại Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP về mức thanh toán trực tiếp. Trường hợp người bệnh đến khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), thanh toán như sau: Trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú, thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám chữa bệnh (0,15 lần mức lương cơ sở tương đương với 223.500 đồng).
Trường hợp khám chữa bệnh nội trú, thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định, nhưng tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện (0,5 lần mức lương cơ sở tương đương với 745.000 đồng).
Mức thanh toán chi phí vật tư y tế theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/04/2017 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT không vượt quá 45 tháng lương cơ sở tương đương với 67.050.000 đồng.
Người tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác nhau có các mức hưởng BHYT khác nhau: Người nghèo, đối tượng ưu đãi xã hội, trẻ em được hưởng 100%; người cận nghèo, người nghỉ hưu hưởng mức 95%, và người lao động hưởng 80%...
Quyền lợi của người tham gia BHYT (thuốc, vật tư y tế, kỹ thuật y tế…) được xác định trên cơ sở mức đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, sự thay đổi về mô hình bệnh tật, sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, khả năng cân đối quỹ BHYT và khả năng chi trả của người tham gia, nhất là hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế.
Nhìn chung, quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.