Hà Nội

Từ 1-7, 6 luật bắt đầu có hiệu lực thi hành

01-07-2019 07:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Từ ngày 1-7, có 6 Luật có hiệu lực thi hành bao gồm Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018; Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018; Luật Đặc xá 2018; Luật Cạnh tranh 2018.

Trong số 6 Luật bắt đầu có hiệu lực có một số điểm đáng chú ý .

Các cán bộ công chức phải kê khai tài sản hàng năm

Luật Phòng chống tham nhũng 2018 có một số điều chỉnh về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Sự thay đổi đáng chú ý nhất đó chính là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập.

Cụ thể, Điều 44 Luật phòng, chống tham nhũng cũ quy định đối tượng phải kê khai tài sản là cán bộ từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số cán bộ, công chức cấp xã; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Nếu có hành vi kê khai không trung thực, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Tài sản phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá và động sản khác có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài.

Ngoài ra, người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên hoặc người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công… thì phải thực hiện kê khai tài sản hằng năm và phải kê khai trước ngày 31-12.

Luật quy định cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập. Nếu có hành vi kê khai không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức như cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...

Các đối tượng cũng phải kê khai tài sản, thu nhập gồm có: Sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân...

Giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân xuống còn 24 tháng

Theo Luật Công an nhân dân 2018, từ 1/7/2019, công an nhân dân  hằng năm được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong công an nhân dân  với thời hạn là 24 tháng (trước đây là 36 tháng).

Bộ trưởng Bộ công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh,...

Luật Công an nhân dân 2018 cũng quy định tiêu chí, nguyên tắc xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh).

Một số điểm mới quan trọng khác trong Luật sửa đổi là Luật không quy định về cơ cấu của công an nhân dân  mà giao Chính phủ quy định; Chức vụ cơ bản của sĩ quan công an nhân dân  không còn chức “Tổng cục trưởng”; Công an xã sẽ được Chính phủ quy định xây dựng thành lực lượng chính quy…

Một số loại tội phạm sẽ không được đặc xá

So với Luật Đặc xá 2007, Luật Đặc xá 2018 quy định cụ thể người bị kết án phạt tù về 16 tội sau không được đề nghị đặc xá dù có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Luật này: Tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh; tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê; tội làm lính đánh thuê.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu trường hợp giám đốc thẩm, tái thẩm mà theo hướng giảm nhẹ hoặc giữ nguyên trách nhiệm hình sự vẫn được quyền đề nghị đặc xá.

Không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo

Luật Giáo dục Đại học 2018 sửa đổi  nêu rõ, từ 1/7/2019, không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo. Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

Luật còn nêu rõ, giảng viên đại học có trình độ tối thiểu là thạc sĩ. Các trường đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên. Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải có trình độ tiến sĩ. Luật còn bỏ quy định hiệu trưởng trường đại học có nhiệm kỳ 5 năm.

Các trường đại học được tự chủ quyết định chính sách học phí, tuyển sinh. Điểm khác biệt lớn nhất của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Trong đó, Luật quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản… Cụ thể, các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật Cạnh tranh 2018 quy định chính sách khoan hồng đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra, xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

Theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, từ 1/7/2019, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp: Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong các trường hợp theo quy định…


PV
Ý kiến của bạn