Hà Nội

Từ 1/6, giảm 0,5% mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

22-04-2017 07:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN). Theo đó, tại Nghị định này đã quy định tỉ lệ đóng 0,5% của người sử dụng lao động vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động với mức như sau: 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động (NLĐ) được quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và h Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; 0,5% trên mức lương cơ sở đối với NLĐ được quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ được quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và h Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng/lần.Theo nghị định mới, từ 1/6, giảm 0,5% mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN. Ảnh: TM

Theo nghị định mới, từ 1/6, giảm 0,5% mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN. Ảnh: TM

Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN nêu trên từ ngày 01/01/2020.

Các quy định tại Điều 4 và Khoản 1 Điều 34 của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Riêng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 3 tháng, việc đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 của Nghị định này được áp dụng từ ngày 01/01/2018.

Theo Nghị định 44/2017/NĐ-CP, đối tượng tham gia điều chỉnh mức đóng như trên bao gồm: Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có Tờ trình Chính phủ về việc giảm 0,5% tỉ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn BNN của người sử dụng lao động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và tạo thêm việc làm. Mức đóng hiện tại đang là 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ.

Căn cứ của đề xuất này là tỉ lệ số chi/thu đều chiếm khoảng gần 10% trong những năm gần đây. Số kết dư đang khá lớn với 26.000 tỉ đồng. Riêng năm 2015, ước tính thu đạt 5.600 tỉ đồng, trong khi đó, mức chi chỉ 460 tỉ đồng (chiếm khoảng 8%).

Đánh giá về phương án giảm 0,5% tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, Bộ LĐ-TB&XH ước tính số thu quỹ sẽ giảm khoảng gần 3.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, điều này sẽ là một “cú hích” hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, hạn chế cắt giảm nhân lực, qua đó ổn định nguồn việc làm cho NLĐ. Việc giảm số thu trong khi số chi không giảm sẽ làm cho tỉ lệ chi/thu của quỹ này tăng lên khoảng 20% (trước khi giảm tỉ lệ đóng tỉ lệ này khoảng 10%). Với phương án giảm như trên, các chuyên gia của Bộ LĐ-TB&XH khẳng định không gây xáo trộn trong cân đối quỹ.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn