Từ 1/4, thí sinh bắt đầu được đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học cao đẳng

01-04-2019 11:07 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), thời gian đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học - cao đẳng sẽ diễn ra từ ngày 1/4 đến ngày 20/4. Sau đó, các sở GD-ĐT và điểm thu nhận hồ sơ sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, nhập thông tin đăng dự thi và đăng ký xét tuyển đợt 1 của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Theo thông báo từ Bộ GD-ĐT, kỳ thi đại học sẽ diễn ra từ 24-27/6/2019, theo đó, thời gian đăng ký dự thi (ĐKDT) từ ngày 1-20/4/2019. Sau ngày 20/4, thí sinh không được thay đổi điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi THPT Quốc gia 2019 đã đăng ký.

Các thí sinh đang là học sinh lớp 12 sẽ mua và nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường THPT mình đang theo học. Các thí sinh tự do mua hồ sơ tại phòng Giáo dục và Đào tạo của quận, huyện hoặc các nhà sách lớn trên cả nước. Thí sinh đăng ký tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định, tại địa phương hoặc nơi đăng ký thuận tiện nhất cho thí sinh dự thi.

Thông tin đăng ký dự thi của thí sinh sẽ được giao cho giáo viên chủ nhiệm, hoặc cán bộ được phân công để tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận. Sau khi nộp Phiếu ĐKDT, thí sinh sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống Quản lý thi. Tài khoản này được dùng để đăng nhập vào hệ thống Quản lý thi từ khi ĐKDT đến khi xem kết quả thi; xét công nhận tốt nghiệp THPT; xét tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp. Thí sinh có thể tra cứu thông tin khi đăng nhập vào hệ thống quản lý qua Internet.

Các thi sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia từ ngày 1/4

Theo Bộ GD-ĐT, bài thi Ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để ĐKDT một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức hoặc tiếng Nhật. Thí sinh được đăng ký môn ngoại ngữ khác với môn đang học ở trường phổ thông. Các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT nêu cụ thể trong hướng dẫn.

Các trường phổ thông chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT để đảm bảo độ chính xác các thông tin thí sinh điền vào Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt là thông tin về diện ưu tiên để được cộng điểm ưu tiên (nếu có); xem xét và quyết định điều kiện dự thi của thí sinh. Tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ.

Thí sinh phải thi bao nhiêu môn trong kỳ thi THPT quốc gia

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 tổ chức 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân - với thí sinh học chương trình THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý với thí sinh học chương trình GDPT cấp THPT). Các bài thi đều theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn ngữ văn thi tự luận.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 bài thi thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập  gồm toán, ngữ văn  và 1 bài thi tổ hợp.

Thí sinh được chọn đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp. Điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài tổ hợp thì bắt buôc phải thi cả 2 bài thi này; nếu bỏ một trong hai bài sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể chọn đăng ký dự thi cả bài thi ngoại ngữ để dùng điểm bài thi này xét tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp; không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ, trung cấp.


Hải Yến
Ý kiến của bạn