Hà Nội

Từ 1/3/2016, thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT trong các bệnh viện đồng hạng

21-01-2016 21:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế thì khung giá và thẩm quyền quy định mức giá cụ thể thực hiện theo quy định tại Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Theo Thông tư, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm: giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá các dịch vụ kỹ thuật.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư gồm các chi phí: Trực tiếp (thuốc, dịch truyền, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ...); Chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chi phí tiền lương theo lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; trừ các khoản chi theo chế độ quy định tại khoản 3 điều này.

Các dịch vụ được điều chỉnh giá bao gồm: giá khám bệnh được quy định cho từng hạng bệnh viện: hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV (4 dịch vụ); giá ngày giường bệnh được quy định cho từng hạng bệnh viện và từng loại giường như giường hồi sức chống độc, hồi sức cấp cứu, giường  nội khoa, giường ngoại khoa và giường điều trị ban ngày (10 dịch vụ); giá các dịch vụ kỹ thuật còn lại áp dụng chung cho các hạng bệnh viện như siêu âm, Xquang, xét nghiệm, các phẫu thuật, thủ thuật theo từng chuyên khoa (1.887 dịch vụ).

Mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện kể từ ngày 1/3/2016. Mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương được thực hiện kể từ ngày 1/7/2016. Thời điểm thực hiện cụ thể của các đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét, quyết định. Thông tư nêu rõ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3/2016.

Thông tư quy định trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam trong tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư liên tịch này. Bộ Y tế chủ trì, có trách nhiệm quy định danh mục các dịch vụ tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện dịch vụ làm cơ sở áp dụng mức giá; BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Thông tư liên tịch này; phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư liên tịch này. Thông tư cũng quy định rõ, đối với người bệnh có đợt điều trị bắt đầu trước và kết thúc sau ngày thực hiện các mức giá quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch này: áp dụng mức giá thanh toán BHYT theo quy định của cấp có thẩm quyền tại thời điểm liền kề trước thời điểm thực hiện mức giá quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch này cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.

Thiết bị y tế hiện đại nhưng không có người vận hành đang là một nghịch lý ở TTYT Tây Trà. (ảnh minh họa) Ảnh: TM

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Việc điều chỉnh giá sẽ không tác động đến người bệnh có mức hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế 100% như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, diện bảo trợ xã hội. Với người bệnh có mức hưởng quyền lợi 95%, đồng chi trả 5% như cận nghèo, hưu trí, có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ tác động không nhiều.

Với người bệnh có mức hưởng quyền lợi bảo hiểm 80%, đồng chi trả 20%, ông Liên cho biết mức độ ảnh hưởng không nhiều vì khi chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số chi phí ngoài danh mục bảo hiểm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này. Phí dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng sẽ tác động nhiều nhất đến đối tượng không tham gia bảo hiểm y tế vì phải chi trả cho các khoản cấu thành giá trước đây được Nhà nước bao cấp.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn