TTND.BS. Trần Văn Bản: Sự kỳ diệu của đông y đã cuốn hút tôi!

27-02-2009 10:12 | Tin nóng y tế
google news

Trò chuyện với tôi là vị bác sĩ có gương mặt thuần phác, dáng người nhỏ mảnh. Cách nói của ông cũng giản dị như chính con người.

Trò chuyện với tôi là vị bác sĩ có gương mặt thuần phác, dáng người nhỏ mảnh. Cách nói của ông cũng giản dị như chính con người. Nhưng dần dần, từ những điều giản dị hé lộ những câu chuyện kỳ diệu của Đông y, sự miệt mài, tài hoa của bàn tay người thầy thuốc. Ông là TTND.BS. Trần Văn Bản, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam.

Giải mã tính kháng khuẩn của Đông y

 TTND.BS. Trần Văn Bản.
Năm 1996, ông sang Bắc Kinh (Trung Quốc) tham dự hội nghị khoa học quốc tế với đề tài: "Bài thuốc góp phần điều trị vết thương phần mềm lâu lành". Đây là đề tài nhánh cấp Nhà nước do ông làm chủ nhiệm. Mọi chi tiết trong đề tài đều đã được thực hiện tỉ mỉ. Tuy nhiên, ông vẫn cứ trăn trở về cơ chế làm lành vết thương của bài thuốc. Hàm lượng kháng sinh có trong các vị thuốc Đông y không thể nào bằng thuốc Tây y được nhưng khi điều trị lâm sàng thì có tác dụng rất tốt. Cơ chế nào đây? Ông cùng GS. Trần Thúy, TS. Trần Vân Hiền đã làm kháng sinh đồ nhiều lần nhưng lần nào vòng vô khuẩn cũng không có. Hai tiến sĩ người Mỹ đã kết hợp nghiên cứu kháng sinh đồ cho bài thuốc của ông, tuy nhiên vẫn không thành công... Nhưng cũng chính trong buổi hội thảo ấy, ông đã tìm ra cơ chế kháng khuẩn của bài thuốc nhờ báo cáo của tiến sĩ sinh học người Canada về dùng dòi sinh học vô khuẩn điều trị viêm xương. Trong hình ảnh được trình chiếu, người ta thả con dòi vào cho ăn hết tổ chức viêm trong xương, sau đó dùng ôxy già rửa sạch, rồi bôi thuốc sinh cơ và khâu trám cơ. Xem xong, BS. Trần Văn Bản nói ngay với GS. Trần Thúy và GS. Lê Thế Trung - hai người cùng tham dự hội nghị: "Khả năng tìm được cơ chế rồi thầy ạ". Hai vị giáo sư sửng sốt: "Ai nói với cậu thế? Mình đã mất 2 năm làm mà vẫn không tìm ra được cơ chế kia mà". "Về nước em sẽ báo cáo lại".

Về nước, BS. Trần Văn Bản làm xét nghiệm xem tổ chức viêm có những gì? Ông thấy rằng ở đó chủ yếu có xác bạch cầu và tổ chức hoại tử (còn gọi là mủ). Nhiệm vụ của bạch cầu là thực bào (đến để ăn vi khuẩn) và câu hỏi lại được đặt ra là điều kiện nào bạch cầu đảm nhiệm tốt chức năng thực bào? Như vậy là gần tìm ra cơ chế rồi.

Từ đó, ông tiếp tục làm thực nghiệm. Khi bệnh nhân vào viện, ông cùng các đồng nghiệp lấy mẫu máu và nghiên cứu hoạt động của bạch cầu trong từng môi trường. Ông phát hiện, trong môi trường axit bạch cầu bị chết, ở môi trường trung tính (pH=7), khả năng thực bào của bạch cầu là tốt nhất. Kiểm tra ổ viêm thấy môi trường ở đó có tính axít. Trong bài thuốc của ông, các vị thuốc có khả năng đưa môi trường tại ổ viêm trở về trung tính không? Ông đã tìm được nhiều vị thuốc có tác dụng đó, đặc biệt như nghệ vàng, hoàng liên, núc nác... giúp môi trường trở về trung tính khi có mặt thuốc ở đó; Tiếp tục thử nghiệm bôi thuốc trên vết thương và đã cho kết quả rất tốt.

Ứng dụng linh hoạt

Từ câu chuyện của ông, thế giới y học cổ truyền trước đây vốn phức tạp, khó hiểu với tôi nay đã trở nên đơn giản hơn, dễ tiếp cận hơn. Tôi thắc mắc tại sao phải sử dụng nhiều vị thuốc cho một bài thuốc? Tây y thường chỉ lấy hoạt chất từ một loại cây để tinh chế thành một loại thuốc. Rồi đến chuyện sao có hai bệnh nhân cùng bị ung thư, hai người cùng uống thuốc Đông y thì người khỏi, người thì tử vong sau một thời gian? Sự khác nhau giữa chẩn đoán bằng Đông y - Tây y và cả chuyện nhớ tên các vị thuốc, bài thuốc?

BS. Trần Văn Bản cười hiền giải thích: Sở dĩ Đông y kết hợp nhiều vị thuốc vì các vị thuốc tương tác với nhau làm tăng tác dụng của nhau hoặc giúp làm giảm tính độc của bài thuốc. Chẳng hạn, bài ma hoàng thang gồm: ma hoàng, quế chi, hạnh nhân, cam thảo. Trong bài thuốc này, ma hoàng là vị thuốc chính; Tây y chiết xuất ma hoàng lấy ephedrin dùng để chữa hen suyễn, khó thở, nhưng chất này có độc tính (độc bảng B) gây nhịp tim nhanh; trong bài thuốc trên, bốn vị hỗ trợ nhau nên đã khắc phục được tình trạng này, cụ thể là cam thảo đã giảm độc tính của ma hoàng, giúp cho ma hoàng tăng tác dụng giãn phế quản, làm giảm triệu chứng khó thở do co thắt phế quản càng nhanh.

Về phương diện chẩn đoán, Tây y có các phương pháp cận lâm sàng để hỗ trợ trong chẩn đoán, nhưng Đông y thì không có các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán; tuy nhiên khi xem mạch giỏi có thể tiên lượng được tình trạng người bệnh. Chính vì thế nên mới có câu chuyện, hai bệnh nhân cùng bị ung thư gan, chẩn đoán hình ảnh đều cho kết quả khối u bằng 3mm, nhưng có bệnh nhân chỉ sống được một thời gian ngắn, có bệnh nhân kéo dài sự sống được đến hàng chục năm. Là vì khi bắt mạch, thầy thuốc Đông y biết được chính khí của người bệnh và tiên lượng được. Tất cả những yếu tố trên quyết định số phận của người bệnh. Những người thầy thuốc là người chỉ ra điều đó. Một thầy thuốc Đông y phải "tiên đoán" được tình trạng của bệnh nhân, ca bệnh nào có thể điều trị bằng y học cổ truyền, ca bệnh nào thì phải điều trị bằng y học hiện đại hoặc kết hợp cả hai phương pháp trong điều trị.

 BS. Trần Văn Bản bắt mạch chẩn bệnh cho bệnh nhân.
Sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghề Đông y, đặc biệt có bố làm nghề này nên ngay từ khi 12-13 tuổi, ông đã được học những sách cổ văn Đông y. Vào đại học Y, ông đã được trang bị thêm về kiến thức y học hiện đại như giải phẫu, sinh lý, sinh lý bệnh... là nền tảng vững chắc để ông giải mã những vướng mắc triết lý sâu xa của Đông y.

Nhờ đó, ông đã áp dụng linh hoạt kiến thức để chẩn đoán và điều trị. Còn nhớ cách đây 20 năm, BS. Trần Văn Bản đã giúp một người bạn "tháo" lồng ruột thành công chỉ nhờ uống thuốc Đông y. Bệnh nhân được chẩn đoán lồng ruột, đã làm tất cả thủ tục theo dõi chờ mổ. Gia đình người bệnh vẫn khẩn khoản nhờ BS. Bản bốc thuốc điều trị. BS. Bản bốc thuốc cho bệnh nhân và dặn dò kỹ càng, nếu uống không đỡ thì sáng hôm sau phải vào khoa ngoại ngay. Kết quả người bệnh khỏi. Vì sao lại xử lý được tình huống như thế? BS. Bản cười, tôi đã từng làm việc ở bệnh viện huyện vài năm, đã từng tháo lồng ruột cho trẻ em bằng cách bơm hơi tháo lồng trên màn huỳnh quang nhiều lần nên cứ linh hoạt mà áp dụng dùng thuốc Đông y đúng thời điểm cho phép sẽ có tác dụng. Theo Đông y, người bị lồng ruột là do khí hư hạ hãm do đó ruột lồng vào nhau, mình sẽ dùng các vị thuốc làm ích khí thăng đề, ắt sẽ đẩy được những đoạn lồng rời khỏi nhau.

Để tìm ra câu trả lời cho thắc mắc vì sao Đông y lại bắt mạch ở tay, ông đã vào khoa giải phẫu tìm hiểu sâu thêm về động mạch quay, thấy ở tất cả các bàn tay, động mạch quay nào cũng có vòng nối giữa động mạch gan tay lớn với động mạch gan tay bé. Chính vòng nối này tạo ra dòng đối, dòng lưu do áp lực của tim đưa xuống, tạo ra tính đặc thù khác nhau, là cơ sở để biểu hiện sự khác nhau của mạch đập, từ đó mới có các tên mạch khác nhau trong Đông y; Hơn nữa xương quay bằng phẳng, mạch quay nằm ngay dưới da nên rất dễ bắt mạch.

Nhưng để tồn tại lâu bền với Đông y, vượt lên tất cả những linh cảm, những năng khiếu, theo BS. Trần Văn Bản, đó là sự trong sáng với nghề, sự nỗ lực của bản thân trong học hỏi, nghiên cứu. Dù đã thuộc hàng trăm vị thuốc, đọc nhiều sách kinh điển như: Nhân thân phú, Thái tố thông huyền phú, Tính dược phú, Nội kinh, Nạn kinh... nhưng ông vẫn không ngừng nghiên cứu và đã biên soạn 9 cuốn sách chuyên về Đông y như Chẩn đoán bệnh học, Mạch chẩn y học cổ truyền, Thương hàn luận, Bệnh học nội, ngoại, phụ khoa Đông y... đồng thời là tác giả của 4 đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị cao. Hằng ngày, mỗi lần khám chữa bệnh, ông vẫn đào sâu nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để tiếp tục viết những quyển sách có giá trị.

Tại nơi làm việc và trong ngôi nhà của ông luôn thơm mùi thuốc Bắc, và rộn tiếng bệnh nhân đến thăm bệnh và cảm ơn ông. Còn ông vẫn cần mẫn vừa giảng dạy, vừa xem bệnh, vừa viết sách. Tình yêu nghề của ông đã "truyền lửa" cho hai con trai tiếp bước lĩnh vực Đông y.

Bài và ảnh: Minh Thu - Thu Hiền


Ý kiến của bạn