Chúng ta hãy điểm lại cuộc sống quanh trẻ để xem tại sao trẻ nói dối:
1. Quá nhiệt tình với các thành tích. Khi con đi học về, các cha mẹ luôn quan tâm và hỏi han về điểm số hay thành tích ở lớp so với các bạn. Nhiều trẻ bị đánh đòn vì điểm kém. Vậy thì các lời nói dối được thốt ra là hợp lý thôi.
2. Nhà trường cứ hễ có đoàn khách nào là lại đột ngột sạch sẽ, các cô giáo nói năng ngọt ngào như mía lùi. Cả lớp tự dưng có khăn mặt mới, bàn ghế được sơn lại đẹp, chăn chiếu được giặt giũ lại. Đoàn khách đi thì lại quay lại hiện trạng ban đầu. Cách sống giả dối này chắc chắn trẻ sẽ nhận ra và học hỏi rất nhanh.
3. Bố mẹ ở nhà nói xấu 1 ai đó thật lực, nhưng trước mặt người đó lại cười tươi, khen họ thật nhiều và ca ngợi họ lên mây xanh. Trẻ có tai, không khó khăn gì mà trẻ không học theo.
4. Bản thân cha mẹ cũng tỏ thái độ phân biệt giữa các môn học. Mỗi cha mẹ sẽ có những ưu tiên khác nhau về các môn học. Có cha mẹ thì cương quyết: Toán và văn nhé, tập trung vào đi con. Phụ huynh khác thì lại: Tiếng Anh. Đến khi những môn không được quan tâm bị điểm kém, cha mẹ bực bội. Cách đó là hướng dẫn trẻ quay cóp từ môn phụ rồi sẽ dần dần tiến tới môn chính thôi.
TS. Vũ Thu Hương.
5. Thành phố mà có kì họp gì có nhiều khách nước ngoài thì công an đổ ra đường, quán xá bậy bạ bị dẹp sạch, mội thứ trở nên đẹp vô cùng. Sau khi kì họp kết thúc, đâu lại vào đấy. Đám trẻ học hỏi ngay ấy mà.
6. Bố mẹ nói dối và sống dối quanh trẻ. Quát con là ra đường phải tuân thủ luật giao thông nhưng cha mẹ vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè phóng bạt mạng, lấn đường ầm ầm. Từ lời nói đến hành động không khớp chính là hình ảnh vô cùng xấu xí trước mặt trẻ.
Làm gì để con nói thật?
Giáo dục trẻ gồm 2 phần: giáo dục tiềm và giáo dục hiện. Giáo dục hiện chính là những lời giáo huấn mà bọn trẻ nghe được mỗi ngày. Những lời tốt đẹp này ai cũng nói được. Những mệnh lệnh thường thì rất hay. Nhưng cũng có lời mệnh lệnh rất dở như: Sao mày ngu thế, thấy sao ko bảo cô giáo là .... (1 lời nói dối).
Giáo dục tiềm chính là những hành vi của ta trong cuộc sống. Trẻ theo đó bắt chước. Giáo dục tiềm thì cũng có cái là theo đúng những gì tốt đẹp mà chúng ta mong muốn trẻ đạt được, nhưng phần lớn không khớp thì sẽ là những bài học tồi để trẻ tiệm cận đến cái dối trá.
Vì thế dạy trẻ sống chân thật, các cha mẹ cần phải làm mấy việc như sau:
- Cố gắng sống cho tốt. Cố gắng hết sức không nói dối, không sống 2 mặt.
- Nếu chẳng may chót làm việc không tốt lắm, hãy xin lỗi trẻ. Các cha mẹ nhớ là đừng bao biện. Thành khẩn xin lỗi và hứa sửa sai sẽ giúp trẻ nhận thức đúng sai rõ ràng.
- Đừng phê phán nặng nề những chủ trương tốt vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình. Điều đó chỉ khiến trẻ hiểu: Quan trọng nhất là lợi ích của mình. Mọi thứ khác không quan trọng. Khi nào cần quan tâm đến lợi ích, cần làm gì ta cũng làm.
- Dành sự quan tâm đều các môn học của con. Không quá quan tâm đến điểm, lâu lâu hỏi con về kiến thức như: Con ơi, thái hậu Dương Vân Nga sinh ra vào thời nào? Chữ quốc ngữ có từ bao giờ? VN có mấy cuộc di dân? Trẻ em mấy tuổi thì được đi bầu cử?
Trẻ không trả lời được thì phải xem lại điểm số của con có thực chất không.
- Phê phán rõ ràng với các thói hư tật xấu, sự giả dối. Con sẽ hiểu và tránh dù xung quanh ta có đầy. (Dĩ nhiên, lời nói phải đi đôi với việc làm).
- Đừng quá quan tâm đến thành tích học tập. Thành tích đó không thể giúp được gì cho trẻ nếu tính cách và kĩ năng của trẻ thực sự không có. Hãy quên nó đi và chấp nhận đứa trẻ mình được trời ban cho chứ không phải mong biến nó thành thiên tài. Hạnh phúc của đứa trẻ là điều quan trọng nhất. Thiên tài ảo sẽ không bao giờ tồn tại được lâu.
- Đừng tức khi con nói dối, "bóc mẽ" những lời nói dối đó rồi bỏ qua và tìm hiểu nguyên nhân sao con lại nói dối. Quan tâm và chia sẻ với con để điều chỉnh con nhé.
Dạy con sống chân thật là một việc không khó, nhưng đòi hỏi sự nhất quán và kiên trì. Đồng thời, các cha mẹ cũng phải thực sự chân thật để làm gương. Tôi nghĩ chân thật là đức tính tốt đặc biệt cần có đối với các bạn trẻ. Vì thế, các cha mẹ cố gắng chút nha. Cảm ơn các cha mẹ.