Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, trong việc thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy chúng ta phải hình dung ra mục tiêu làm như thế để phù hợp với mô hình phát triển. "Tổ chức bộ máy phải đổi mới từ nhận thức, bộ máy không phải cứng mà phải được xây dựng để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn".

TS. Nguyễn Đức Kiên: Tinh gọn bộ máy phải thay đổi từ nhận thức- Ảnh 1.

Phóng viên: Chủ trương và quyết tâm tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả của Tổng Bí thư Tô Lâm là chủ đề được dư luận rất quan tâm những ngày gần đây. Với tinh thần "nói đi đôi với làm", các cơ quan phải hoàn thành phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý I/2025. Điều này cho thấy người đứng đầu Đảng ta đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ cho đợt cải cách bộ máy lần này, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Như chúng đã thấy, ngày 25/10/2017, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, do tình hình thực tiễn, đặc biệt do đại dịch COVID-19 xảy ra nên chúng ta chưa thực hiện ngay. Phải đến ngày 1/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình KT-XH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KT-XH năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

TS. Nguyễn Đức Kiên: Tinh gọn bộ máy phải thay đổi từ nhận thức- Ảnh 2.

Ngay tại hội nghị này, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thể hiện quyết tâm rất lớn khi ông đặt câu hỏi và tự trả lời quyết liệt: "Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là không thể chậm trễ hơn được nữa. Đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước. Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u".

Thực tế, những ngày qua, sự khẩn trương, quyết liệt, mạnh mẽ trong việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là dòng chảy xuyên suốt, là sự tập trung, thống nhất cao độ trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương. Đây rõ ràng không chỉ là một cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy mà có thể coi là công cuộc Đổi mới lần 2 của Đảng.

Phóng viên: Ông có thể phân tích cụ thể hơn về nhận định "Đây là công cuộc Đổi mới lần 2 của Đảng"?

TS.Nguyễn Đức Kiên: Thực tế, chúng ta nói là "Kỷ nguyên mới", lúc đầu mọi người thường nói đến 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì chúng ta mới bước sang 100 năm thứ 2 của Đảng – một kỷ nguyên mới. Thế nhưng, cuộc sống không đợi đến đúng năm chẵn, mà sự việc xảy ra liên tục, rất nhanh, nếu không bắt kịp thời cơ sẽ bỏ lỡ cơ hội đổi mới để phát triển.

Cuộc Đổi mới lần này về bản chất diễn ra khi thế và lực của đất nước sau 40 đổi mới đã có thay đổi lớn về lượng dẫn đến thay đổi về chất, thể hiện ở thay đổi nhận thức về tổ chức bộ máy, cách thức vận hành.

Nếu như từ 1991 đến 2000 chúng ta trăn trở về nền Kinh tế thị trường, cứ nói mãi chuyện tại sao chúng ta học nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản. Phải mãi đến năm 2000 chúng ta mới thông tư tưởng rằng kinh tế thị trường là sản phẩm sáng tạo của loài người.

Vì thế mãi 10 năm sau chúng ta mới hình thành được nền kinh tế thị trường. Thực tế chúng ta luôn làm một cách rất tuần tự, chậm rãi. Chỉ từ năm 2012 khi thế giới đưa ra khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì thế giới có những đổi thay cực kỳ lớn. Đặc biệt, trong 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, rồi từ tháng 2/2022 cuộc xung đột Nga – Ukaraina, tình hình thế giới biến động quá nhanh… 

Nếu chúng ta không tận dụng được tình thế xảy ra rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn thì lịch sử sẽ bỏ lại. Bây giờ chúng ta làm một cuộc cách mạng đổi mới lần thứ 2 này nhằm thay đổi phù hợp cả về nhận thức, tư duy, hành động trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh mới nếu nhìn từ độ kinh tế để nhìn sang góc độ tổ chức bộ máy thì chúng ta thấy đất nước đã có rất nhiều thay đổi, ví dụ như lúc đầu những năm 2000 chúng ta hào hứng xây dựng các tập đoàn, Tổng công ty lớn. Đến Đại hội 12, chúng ta làm đề cương xây dựng những tập đoàn mạnh của Việt Nam. Về bản chất, chúng ta cứ nhìn vào là doanh nghiệp nhà nước.

Thực tế trong quá trình phát triển những doanh nghiệp lớn – là những doanh nghiệp Việt không phân biệt sở hữu Nhà nước (như Viettel) hay sở hữu tư nhân (như Vingroup, Hòa Phát…) buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức; buộc thay đổi bộ máy để phù hợp. Trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thì doanh nghiệp nào nắm được cơ hội, đổi mới được thì tồn tại. Lần này, Đảng đã nắm bắt thời cơ, không câu nệ năm chẵn hay lẻ, không đợi 2030 nữa mà làm ngay từ 2026.

TS. Nguyễn Đức Kiên: Tinh gọn bộ máy phải thay đổi từ nhận thức- Ảnh 3.

Phóng viên: Chúng ta cũng đã trải qua nhiều lần thực hiện tinh gọn bộ máy. Theo ông lần này có điều gì khác biệt hơn so với những lần trước?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta phải đặt việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy trong tổng thể bối cảnh phát triển của đất nước. Đây không phải là vấn đề mới bởi việc này Ban chấp hành Trung ương khóa 12 đã có Nghị quyết 18 từ 2017; sau đó Hội nghị Trung ương khóa 13 năm 2022 đã có Nghị quyết về tiếp tục đổi mới. Như vậy, vấn đề tinh gọn bộ máy được đặt ra từ rất lâu nhưng đến bây giờ chúng ta đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhất.

Việc thực hiện Nghị quyết 18 lần này cũng là cách tổ chức mới. Từ trước đến nay chúng ta đang làm theo mô hình tháp ngược, tức là khi có Nghị quyết, thì quán triệt từ Trung ương xuống dần các cấp cơ sở. Cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết, rồi báo cáo lên Trung ương. Lần này thì khác, Trung ương làm trước, các cấp bên dưới nhìn lên trên để học tập, làm. Rõ ràng, đây là sự đổi mới việc học và triển khai nghị quyết, có thể rút ngắn được quá trình học tập và triển khai sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Phóng viên: Việc sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy phải trên tinh thần giảm về số lượng (đầu mối) nhưng tăng về chất lượng, tức là tăng hiệu lực hiệu quả hoạt động. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta phải hình dung ra mục tiêu mô hình tổ chức vận hành như thế nào để phù hợp với mô hình phát triển. Đó là mô hình quản lý nhà nước để có thể huy động tất cả nguồn lực đất nước để phát triển nhanh, tận dụng thời cơ phát triển thực hiện được mục tiêu đề ra.

Tổ chức bộ máy phải đổi mới từ nhận thức, bộ máy không phải cứng mà bộ máy để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cương lĩnh 1991 là công nghiệp hóa, nhưng đến năm 2011 mở ra hướng mới, vừa công nghiệp hóa, vừa hiện đại hóa vừa hội nhập với kinh tế quốc tế theo dòng chảy thời đại. Một loạt yếu tố bên ngoài thay đổi nên tổ chức bộ máy được hình thành trên cơ sở Cương lĩnh năm 1991 cũng cần thay đổi. Đây không chỉ là một cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy mà là thời điểm cơ cấu của nền kinh tế đã phát triển đến một giai đoạn buộc chúng ta phải thay đổi. Đứng về mặt lý luận thì đây là một bước định hướng xã hội chủ nghĩa.

TS. Nguyễn Đức Kiên: Tinh gọn bộ máy phải thay đổi từ nhận thức- Ảnh 4.

Tôi lấy ví dụ: Đường dây 500 Kv mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được làm "thần tốc", chỉ trong 7 tháng đã "đóng mạch". Nếu để 1 dự án "tiêu" khoảng 1 tỷ USD thì cả nước vất vả thế nào? Mạch 3 là một ví dụ sinh động cho việc: Đổi mới cơ chế. Chính mạch 3 cho thấy "không có gì chúng ta không làm được".

Thực tế đang đặt ra câu hỏi liệu có cần thiết tồn tại nhiều bộ máy như thế không hay phải sáp nhập một số bộ, ngành với nhau để phục vụ phương thức quản lý mới, phương thức quản trị quốc gia mới.

Như Bộ GTVT và Bộ Xây dựng hiện có rất nhiều điểm tương đồng thì phải hợp nhất lại. Bộ GTVT có Cục Giám định chất lượng công trình giao thông; Bộ Xây dựng có Cục giám định chất lượng và cả 2 cùng đi giám sát việc cải tạo đường quốc lộ 1. Bộ GTVT nghiệm thu; Bộ Xây dựng làm Ban nghiệm thu nhà nước. Nhưng cả 2 Bộ nghiệm thu xong tình trạng hằn lún vệt bánh xe vẫn xảy ra. Như vậy, không biết lỗi của ai. Vậy giờ cần phải quy về 1 mối để quy trách nhiệm.

Hay trong lĩnh vực y tế, việc bảo trợ trẻ em, chăm sóc trẻ em trước nằm ở Bộ LĐTB&XH giờ quay trở về Bộ Y tế là phù hợp. Chúng ta thấy phương thức quản trị của nhà nước trong doanh nghiệp đối với lĩnh vực bảo hộ trẻ em đã thay đổi. Trước 1 bên làm, 1 bên đứng ngoài giám sát rồi nhà nước cấp tiền, nhưng bây giờ mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đảng đưa ra, cơ quan đã cụ thể hóa thành con số chỉ tiêu cụ thể, còn làm như thế nào là việc của Bộ Y tế. Như vậy nhập vào với nhau để quy đầu mối chịu trách nhiệm, đó là cần thiết.

TS. Nguyễn Đức Kiên: Tinh gọn bộ máy phải thay đổi từ nhận thức- Ảnh 7.

Phóng viên: Ông nhận định thế nào trước những quan ngại về sự dôi dư cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Theo phương án sắp xếp cán bộ sau tinh gọn thì về cơ bản sẽ không có người bị đưa ra ngoài hệ thống. Tất nhiên họ sẽ không ở vị trí cũ nữa. Theo phương án sắp xếp này, toàn bộ lương, thu nhập trong các cơ quan được giữ nguyên đến 31/3, như vậy trước mắt sẽ không ảnh hưởng đến Tết, thu nhập.

Về lâu dài, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quá lo lắng về vấn đề dôi dư. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của chúng ta được đào tạo bài bản, đa phần qua đại học hết nên khả năng tiếp cận với công nghệ, cái mới là có. Sau sắp xếp, tinh giản, công chức, viên chức dôi dư cũng phải hòa nhập với cuộc sống. Tỷ lệ công chức không hòa nhập được là rất ít bởi gánh nặng áo cơm cho bản thân, cho gia đình... là thử thách lớn đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi cá nhân để vượt lên chính mình.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Thủ tướng: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống "chạy chọt", chống lợi ích cá nhânThủ tướng: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống 'chạy chọt', chống lợi ích cá nhân

SKĐS - Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã chủ trì phiên họp thứ 2 của BCĐ.

Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp, tinh gọn bộ máyLàm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

SKĐS - Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 nêu rõ, Chính phủ yêu cầu làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Ý kiến của bạn