Tuy nhiên, Viện mới chỉ dự kiến tiếp nhận được 50.000 đơn vị máu (thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu so với nhu cầu). Dự tính cả nước trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán cần khoảng 320.000 đơn vị máu để phục vụ công tác điều trị và dự trữ tại các bệnh viện.
Sẽ có điểm hiến máu cố định, tăng tỉ lệ hiến máu nhắc lại
TS. Bạch Quốc Khánh cho biết, hiện nay, tỉ lệ người hiến máu ở nước ta khoảng 1,6% dân số, trong khi 20 năm trước chỉ ở con số 0%. Tuy nhiên, một vấn đề được dư luận quan tâm nhiều chính là tình trạng khan hiếm máu vẫn diễn ra có tính chu kỳ vào dịp hè, Tết Nguyên đán – khi mà lực lượng hiến máu chính là học sinh sinh viên bước vào đợt nghỉ kéo dài.
Thống kê tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho thấy lực lượng hiến máu chủ yếu là học sinh sinh viên, các đối tượng khác chỉ chiếm 37%. Do đó, theo TS. Khánh, việc dịch chuyển đối tượng hiến máu, vận động các tầng lớp nhân dân khác tham gia hoạt động tình nguyện này sẽ giúp tránh được tình trạng thiếu máu xảy ra trầm trọng tại một số thời điểm như hiện nay.
TS. Bạch Quốc Khánh (người đứng) phát biểu tại buổi họp báo.
Để khắc phục điều này, TS. Khánh cho biết trong thời gian tới hoạt động vận động hiến máu tình nguyện sẽ có bước chuyển mình mới, trong đó tập trung vào các vấn đề chính như là có lịch hiến máu rõ ràng; xây dựng các điểm hiến máu cố định ở Hà Nội, tại đây, vào bất kỳ điểm nào trong ngày, người dân cũng có thể tham gia hiến máu.
“Rất nhiều người có ý thức hiến máu, chia sẻ giọt máu cứu sống người bệnh cần máu, nhưng chúng tôi nhận thấy vấn đề không gian và thời gian cản trở rất nhiều đến việc làm này. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người muốn hiến máu, chúng tôi sẽ bố trí các điểm hiến máu cố định ở Hà Nội, và Viện sẽ cử cán bộ làm việc tại đó như làm việc ở mô hình bệnh viện. Người dân có thể dễ dàng tham gia hiến máu và được chăm sóc như là khi đến hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương”- TS. Khánh nói.
Một vấn đề đáng chú ý được vị lãnh đạo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đề cập đến đó chính là hiến máu nhắc lại. TS. Khánh cho biết: “Trong khi lượng người hiến máu nhắc lại ở các nước khác là 75-85% thì ở nước ta hiện mới dừng lại con số 40-45%. Theo khuyến cáo của thế giới, nguồn máu nhắc lại là những đơn vị máu chất lượng nhất vì người hiến máu lần 1 họ sẽ biết rõ tình trạng nhóm máu của bản thân và cách để bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ thế nào để nguồn máu của mình tốt nhất. Nếu tăng được tỉ lệ hiến máu nhắc lại cùng với các hoạt động hiến máu khác như tổ chức Chủ nhật Đỏ chẳng hạn thì sẽ chủ động được vấn đề đảm bảo nguồn máu bền vững cho người bệnh”.
Bên cạnh đó là chế độ chăm sóc cho người hiến máu tình nguyện sẽ cần được quan tâm nhiều hơn để khuyến khích được người hiến máu và tăng tỉ lệ người hiến máu nhắc lại.
Tăng tỉ lệ hiến máu nhắc lại sẽ giúp ổn định nguồn máu cho người bệnh.
Tại sao người bệnh phải trả tiền truyền máu?
Trả lời các vấn đề liên quan đến việc vì sao là hiến máu tình nguyện nhưng khi sử dụng máu, người bệnh vẫn phải trả tiền, TS. Khánh cho biết, đây là câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc, tuy nhiên để có thể đưa vào truyền 1 đơn vị máu cho người bệnh thì cần trải qua rất nhiều chi phí kèm theo như: chi phí cho công tác tuyên truyền, chi phí xét nghiệm trước khi hiến, chi phí bồi dưỡng cho người hiến máu... Đơn vị máu thu được chỉ là nguyên liệu đầu vào cho cơ sở truyền máu, máu này chưa thể sử dụng để truyền cho người bệnh.
Sau khi tiếp nhận, những đơn vị máu đó sẽ được đưa về các trung tâm truyền máu để tiến hành các bước xét nghiệm, sàng lọc các loại vi rút, vi khuẩn lây truyền qua đường máu, xét nghiệm định nhóm máu. Bên cạnh đó, máu sẽ được bảo quản, lưu trữ với trang thiết bị chuyên dụng, mỗi loại chế phẩm máu sẽ được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ và thiết bị khác nhau. Ngoài ra, còn các chi phí như vận chuyển, hóa chất, sinh phẩm dùng để xét nghiệm hòa hợp trước khi truyền máu... Tất cả các quy trình đó phải được đảm bảo thì máu mới được sử dụng truyền cho người bệnh.
"Một đơn vị máu tươi không thể lấy rồi truyền trực tiếp ngay cho người bệnh mà cần rất nhiều khâu đi kèm và kéo theo đó là chi phí. Không tính chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, vì một đơn vị máu hiến cần một bộ 4 bịch chứa máu/người hiến (với chi phí ít nhất 20 USD); Chi phí xét nghiệm phân tử sàng lọc HIV ít nhất là 1,2 triệu đồng/đơn vị máu để giúp rút ngắn thời gian cửa sổ từ 24-30 ngày xuống còn 7 ngày để tăng an toàn truyền máu; Các chi phí xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, HPV..."- TS. Khánh phân tích.
Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì người bệnh vẫn phải trả một phần chi phí cho truyền máu. Đối với những bệnh có bảo hiểm y tế, bảo hiểm sẽ chi trả theo bảo hiểm, còn đối với những bệnh nhân thuộc diện nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được nhà nước chi trả toàn bộ.
Xuất phát đầu năm 2009, từ 1 điểm hiến máu tại Hà Nội với 96 đơn vị máu, đến năm 2017, ngày hội hiến máu Chủ nhật Đỏ với thông điệp “Sinh mệnh của bạn và tôi” đã thực sự trở thành một phong trào, một chuỗi ngày hội được tổ chức tại 25 tỉnh/thành phố trên cả nước và tiếp nhận được gần 32.000 đơn vị máu. Năm 2017, lần đầu tiên, các bệnh viện nước ta cơ bản đủ máu điều trị trong dịp Tết.
Trong 9 năm qua, Chủ nhật Đỏ đã vận động người tình nguyện hiến được hơn 70.000 đơn vị máu.
Năm nay, ngày hội chính của Chủ nhật Đỏ 2018 sẽ diễn ra vào ngày 21/1 tới. Hiện đã có 31 tỉnh, thành đăng ký tham gia với hơn 60 điểm tổ chức hội hiến máu tình nguyện, kế hoạch thu được khoảng 35.000 đơn vị máu.
Với lực lượng hùng hậu, Chủ nhật Đỏ lần thứ 10 - 2018 được tổ chức trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2017 đến hết tháng 1/2018. Tính đến ngày 15/1/2018, đã có có 19 tỉnh thành trên 31 tỉnh thành tham dự đã tổ chức Chủ nhật Đỏ. Có 30 trên 60 điểm đăng ký đã tổ chức hiến máu. Tổng số lượng máu tiếp nhận được là 23.392 đơn vị, đạt 67% so với kế hoạch đề ra của Chủ nhật Đỏ năm 2018 là 35.000 đơn vị máu.