Hà Nội

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Mong Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về y tế trong khu vực ASEAN

25-01-2025 06:34 | Y tế
google news

SKĐS - Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đi đầu về y tế trong khu vực ASEAN - đây là mong muốn của TS. Angela Pratt khi nói về kế hoạch phối hợp cùng Chính phủ để giúp Việt Nam giải quyết những thách thức và xa hơn nữa là trở thành một trung tâm y tế đầy hứa hẹn trong khu vực ASEAN.

Thời gian qua, ngành Y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, song hành với sự phát triển của y học thế giới. Tuy nhiên, ngành Y tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển bền vững. Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trò chuyện với TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam về vấn đề này.

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Mong Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về y tế trong khu vực ASEAN- Ảnh 1.

“Để thích ứng với những thách thức hiện tại, chúng ta cần tập trung bảo vệ sức khỏe của tất cả mọi người”, TS. Angela Pratt cho biết. Nguồn ảnh: Bộ Y tế

PV: Bà đánh giá như thế nào về những tiến bộ gần đây của ngành Y tế Việt Nam?

TS. Angela Pratt: Trong những thập kỷ qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đưa đất nước chuyển mình mạnh mẽ, trong đó có khía cạnh chất lượng cuộc sống của người dân. Năm 1955, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ ngành Y tế, tuổi thọ của người dân Việt Nam mới chỉ 55 tuổi. Giờ đây, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là gần 75 tuổi.

Việt Nam đã có những bước tiến rất ấn tượng trong việc chấm dứt các dịch bệnh HIV/AIDS, sốt rét, bệnh lao và một số bệnh truyền nhiễm khác. Số ca mắc và tử vong do các bệnh tật khác ở Việt Nam cũng giảm rất nhiều. Năm 2024, WHO xác nhận Việt Nam đã loại trừ thành công bệnh đau mắt hột, bảo vệ hàng triệu người khỏi nguy cơ bị mù lòa. Việt Nam đã ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19.

Việt Nam cũng tăng nhanh và mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế đầy ấn tượng, hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Hiện tại, 95 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế, tương đương 94% dân số. Nhờ đó việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.

Việt Nam cũng đạt được nhiều tiến bộ trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích. Chỉ vài tháng trước (tháng 11/2024), Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, nhờ đó bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu thanh thiếu niên và tương lai của họ.

Về lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình như tiêm chủng mở rộng và phòng bệnh đều được triển khai rộng khắp với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước và được cung cấp gần dân tại tuyến xã phường nhờ có hệ thống các trạm y tế xã bao phủ toàn quốc.

PV: Theo bà, ngoài những tiến bộ trên, ngành Y tế Việt Nam đang gặp phải những khó khăn gì so với các nước khác trong khu vực?

TS. Angela Pratt: Một số quốc gia trong khu vực đang trải qua nhiều sự chuyển đổi cùng lúc, điều này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế và cách thức mà dịch vụ y tế được cung cấp. Sự chuyển đổi đó là già hóa dân số, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, xuất hiện nguy cơ lây truyền bệnh dịch có nguồn gốc từ động vật sang người. Ngoài ra, những thành tựu trong khoa học và công nghệ mang lại tiềm năng to lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Mong Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về y tế trong khu vực ASEAN- Ảnh 2.

TS. Angela Pratt trò chuyện cùng người dân trong chiến dịch tiêm chủng bù cho trẻ em tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Nguồn ảnh: Phạm Minh: WHO

Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức này, thậm chí còn cấp bách hơn. Ví dụ, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Tới năm 2050, hơn 1/4 dân số của Việt Nam sẽ trên 60 tuổi. Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương trước sự biến đổi khí hậu.

Do đó, cần phải thích ứng với những yếu tố đang tạo ra thách thức cho sức khỏe của chúng ta. Ví dụ, chúng ta cần chuyển đổi dịch vụ y tế từ hệ thống khám chữa bệnh sang hệ thống sức khỏe tổng thể. Tức là, cần chuyển đổi từ một hệ thống vốn được thiết kế để đáp ứng nhu cầu khám, chữa các bệnh lý cấp tính, sức khỏe kém sang hệ thống bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân. Chúng ta cần đảm bảo các dịch vụ y tế thích ứng phù hợp với điều kiện khí hậu và bền vững môi trường, đồng thời tăng cường khả năng sẵn sàng chủ động và ứng phó với đại dịch. Chúng ta cũng cần nắm bắt cơ hội và đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ số nhưng vẫn phải chú trọng tới quản lý rủi ro. Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng vào việc củng cố cả hệ thống y tế hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhằm đảm bảo hệ thống y tế đó có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trong tương lai.

PV: Việt Nam đã khánh thành Trung tâm hợp tác với WHO về chuẩn bị, ứng phó với đại dịch và quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bà đánh giá sự hợp tác này giữa Việt Nam và WHO quan trọng như thế nào?

TS. Angela Pratt: Việc khánh thành Trung tâm hợp tác với WHO về chuẩn bị, ứng phó với đại dịch và quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (NHTD) là một dấu mốc rất ý nghĩa trong sự hợp tác giữa Việt Nam và WHO. Sự kiện này làm nổi bật khả năng ứng phó của Việt Nam với đại dịch, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và ghi nhận năng lực quản lý lâm sàng cao, kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Với vị thế mới như một trung tâm hợp tác của WHO sẽ nâng cao khả năng trao đổi thông tin và phát triển hợp tác kỹ thuật toàn cầu, từ đó giúp Việt Nam được biết đến nhiều hơn và ghi nhận rõ nét hơn. Mục tiêu của việc thành lập trung tâm là tăng cường hệ thống y tế công cộng của Việt Nam, đảm bảo khả năng sẵn sàng ứng phó trước các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai, đồng thời nâng cao hệ thống giám sát sự kiện ở cấp độ bệnh viện và quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm.

Năng lực chuyên môn của Việt Nam sẽ góp phần vào an ninh y tế khu vực và toàn cầu, trong đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ đóng vai trò nâng cao năng lực cho các bệnh viện khác. Sự hợp tác lâu dài giữa WHO và Việt Nam được thể hiện rất rõ nét qua nỗ lực cùng phòng chống đại dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết và xây dựng các hướng dẫn quản lý bệnh truyền nhiễm.

Tóm lại, việc khánh thành trung tâm hợp tác này củng cố thêm vai trò ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trong an ninh y tế toàn cầu và tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác trong tương lai sâu rộng hơn, hiệu quả hơn với WHO.

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Mong Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về y tế trong khu vực ASEAN- Ảnh 3.

BVĐK huyện Yên Thành, Nghệ An hợp tác cùng WHO để cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường. Nguồn: Nguyễn Thùy Trang / WHO

PV: Trong những năm gần đây, ngành Y tế Việt Nam đã vươn lên và ghi danh trên bản đồ y tế thế giới nhờ làm chủ các kỹ thuật khó, tham dự và tổ chức, chủ trì các hội nghị quốc tế,... Ý kiến của bà về những nỗ lực và tiềm năng ngành Y tế Việt Nam?

TS. Angela Pratt: Việt Nam ngày càng được ghi nhận như một thành viên tích cực của cộng đồng y tế toàn cầu và khu vực nhờ vào những thành tựu quan trọng. Việt Nam cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác tại các sự kiện y tế quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống đại dịch COVID-19.

WHO rất tự hào khi thấy Việt Nam tham gia Liên minh Hành động chuyển đổi về Biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH) để giúp hệ thống y tế góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050. WHO đã thành lập ATACH nhằm giúp các quốc gia cụ thể hóa các hành động đã cam kết tại Hội nghị của Liên hợp quốc (COP26) về Biến đổi khí hậu và sức khỏe. ATACH giúp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của mình với hơn 90 quốc gia trong liên minh.

Việt Nam cũng là nước chủ nhà tổ chức những cuộc họp quan trọng của toàn cầu. Tháng 11/2024, Chính phủ Việt Nam và WHO đã chủ trì và quy tụ hơn 120 lãnh đạo và chuyên gia đến từ 12 nước tham dự Hội nghị quốc tế về An toàn giao thông xe máy tại Hà Nội để đẩy mạnh an toàn cho người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy trên toàn thế giới.

Ở cấp khu vực, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch Hội nghị Ủy ban khu vực của WHO tại Manila (Philippine).

PV: Trong thời gian tới, WHO có kế hoạch gì giúp Việt Nam giải quyết những thách thức và xa hơn nữa là trở thành một trung tâm y tế đầy hứa hẹn trong khu vực ASEAN?

TS. Angela Pratt: WHO và Chính phủ Việt Nam đã cùng thống nhất một số lĩnh vực ưu tiên mà chúng tôi hỗ trợ ngành Y tế Việt Nam. Các lĩnh vực này bao gồm: Tổ chức thể chế và hoạch định chính sách y tế hướng tới một hệ thống y tế hiệu quả, bền vững, công bằng và hiệu năng; Xây dựng hệ thống y tế cơ sở vững mạnh, là nền tảng vững chắc hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với đại dịch; Kiểm soát các yếu tố nguy cơ với sức khỏe và tăng cường khả năng chống chọi và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiến bộ trong các lĩnh vực này sẽ góp phần nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam như một quốc gia đi đầu về y tế trong khu vực ASEAN.

PV: Bà muốn nhắn nhủ điều gì tới ngành Y tế Việt Nam nói chung và đội ngũ cán bộ y tế, những người đang cống hiến cho dải đất hình chữ S này?

TS. Angela Pratt: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “sức khỏe là vốn quý nhất của con người” và đó là chân lý. Sức khỏe là phương tiện nhưng cũng là mục đích phát triển của mỗi quốc gia. Nhân lực y tế ở mọi tuyến trong hệ thống y tế là then chốt để đạt mục đích này. Họ là những người hùng của chúng ta.

Tôi xin được tri ân sự cống hiến to lớn của họ và sự khác biệt mà họ tạo ra, đặc biệt là những người đang ngày đêm phục vụ cộng đồng vùng sâu, vùng xa. Họ cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu cho người dân bất kể nơi nào.

Chúng tôi đánh giá cao sự cống hiến và ghi nhận sự vất vả mà họ đang thực hiện. Xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các bạn, bởi các bạn không chỉ là nhân viên y tế mà còn là những người cứu mạng, những nhà vận động và những nhà giáo dục.

Sứ mệnh của WHO tại Việt Nam là hỗ trợ những cán bộ y tế tận tụy này cũng như các mục tiêu ưu tiên của quốc gia, mong muốn trở thành đối tác chiến lược đáng tin cậy, quan tâm và đầy trách nhiệm. Tôi rất vinh dự khi được mời đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trên hành trình hướng tới mục tiêu sức khỏe tốt hơn và cuộc sống tươi đẹp hơn cho người dân của đất nước xinh đẹp này.

PV: Trân trọng cảm ơn TS. Angela Pratt.


Kim Dung
Ý kiến của bạn