Truyện tranh Việt Nam nhạt nhòa

10-02-2009 14:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême lần thứ 36 vừa bế mạc tại Pháp với một kỷ lục mới được lập về số lượng khách tham quan so với các lần trước: hơn 210.000 lượt.

Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême lần thứ 36 vừa bế mạc tại Pháp với một kỷ lục mới được lập về số lượng khách tham quan so với các lần trước: hơn 210.000 lượt. Giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng và chưa có lối thoát, con số này đã chứng tỏ sự chiếm lĩnh quan trọng của truyện tranh trong thị hiếu độc giả, đồng thời cho thấy ngành kinh doanh loại xuất bản phẩm này đang tăng trưởng mạnh mẽ!

Cuộc hội tụ đa sắc màu

Từ lâu, thị trấn Angoulême yên bình và tĩnh lặng nằm ở phía Nam nước Pháp đã trở thành thủ đô của thế giới truyện tranh. Đây là điểm hẹn bất di bất dịch của những người ham mê truyện tranh đến từ khắp mọi nơi trên thế giới vào mỗi dịp đầu năm mới. Trong cuộc hội tụ lớn nhất địa cầu của làng truyện tranh năm nay, 210.000 fan hâm mộ truyện tranh đã được diện kiến gần 1.000 tác giả và nhà sản xuất truyện tranh nổi tiếng thế giới đến tham gia liên hoan. Từ Marjane Satrapi – tác giả cuốn truyện tranh đình đám những năm 80 thế kỷ trước của Iran vừa được chuyển thể thành bộ phim tranh giải Oscar 2008 mang tên Persepolis đến họa sĩ biếm họa lừng danh Milo Manara của Italia, hay họa sĩ truyện tranh kỳ cựu Posy Simmonds của Anh, rồi các tác giả của những bộ manga, manhwa nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc...

Liên hoan lần này hội tụ tới hơn 4.700 đầu sách ăn khách của năm 2008 trong đó có một phần ba là truyện tranh Nhật Bản (Manga). Con số này tăng hơn ba lần so với năm 2000 – mới chỉ thu hút được khoảng 1.500 đầu sách. Chủ yếu vẫn là những thể loại truyện tranh được yêu thích nhất trên thế giới như khoa học viễn tưởng, siêu anh hùng, truyện thần tiên hay các câu chuyện xoay quanh những vấn đề nóng của xã hội như chính trị, chiến tranh, sự chiếm hữu nô lệ hay truyện hài, châm biếm... Liên hoan cũng chứng kiến sự trở lại và “kết hôn” với điện ảnh của một số truyện tranh nổi tiếng đã có hàng chục năm tuổi đời và từng hấp dẫn nhiều thế hệ độc giả như Boule và Bill, Những cuộc phiêu lưu của Tintin, Lucky Luke, Peter Pan...

Mặc cho cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan tràn khắp thế giới và việc mọi người dân ở châu Âu đều phải thắt chặt chi tiêu, nhiều bộ truyện tranh ra đời vẫn “bán chạy như tôm tươi”. Năm 2008, ngành công nghiệp truyện tranh vẫn vững vàng tiến lên và tăng trưởng đều đặn với doanh thu lên đến 350 triệu euro (tương đương 450 triệu USD) chỉ riêng từ châu lục này. Hiện lĩnh vực xuất bản truyện tranh chiếm xấp xỉ 8% thị phần sách ở Pháp cũng như các nước lân cận. Nó cũng chiếm tới 7,2% tổng doanh thu xuất bản toàn thế giới. Cho đến nay, truyện tranh của các nước Anh, Pháp, Bỉ vẫn có chỗ đứng tương đối vững chắc trên thị trường. Tiếp đó là các nước châu Á có nền truyện tranh mới trỗi dậy và đang ra sức phát triển để cạnh tranh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Với các quốc gia này, Liên hoan truyện tranh Angoulême tổ chức đều đặn hằng năm được coi như là một bàn đạp để tiến vào thị trường truyện tranh châu Âu, vì vậy mà họ không thể không tham gia với một đội quân hùng hậu. Chính điều này đã mang đến sự đa dạng và tính hấp dẫn cho liên hoan!

 Liên hoan truyện tranh Angoulême. Ảnh: AFP
Trông người mà ngẫm đến ta

Ở Việt Nam, cho dù truyện tranh không có được mấy cái nhìn thiện cảm nhưng kể từ khi bộ truyện tranh thiếu nhi ăn khách nhất của Nhật Bản là Đoremon có mặt trên thị trường sách Việt đến nay, thể loại này vẫn luôn chiếm một thị phần đáng kể. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là phần lớn các truyện tranh có mặt trên thị trường đều là truyện tranh nhập của nước ngoài. Nhiều độc giả nhỏ tuổi từ hàng chục năm nay đã mê mẩn với những bộ truyện tranh nước ngoài như Đoremon, Pokemon, Bảy viên ngọc rồng, Thám tử Conan... nhưng lại chưa từng biết đến một tập truyện tranh nào mang cái mác Made in Vietnam.

Trong khi truyện tranh thế giới đã ghi nhận những thành công rực rỡ, ngày càng khẳng định vị thế và tỏ ra không hề thua kém các hình thức xuất bản khác trong việc chinh phục độc giả ở mọi lứa tuổi thì ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có mấy người sáng tác truyện tranh một cách chuyên nghiệp. Theo đánh giá của giới chuyên môn quốc tế, chúng ta chưa có một truyện tranh nào đích thực là truyện tranh cả. Đối với thế giới, cái mà các tác giả Việt Nam làm ra chỉ là truyện minh họa, nghĩa là tranh có lời dẫn truyện hoặc câu chuyện có hình ảnh minh họa bên cạnh. Có chăng, chỉ có thể coi đó là truyện tranh theo cách hiểu của người Việt Nam mà thôi. Phần lớn tác giả của truyện tranh Việt Nam là các họa sĩ tay trái. Họ được nhà xuất bản giao cho kịch bản hoặc cốt truyện, họa sĩ dựa vào đó mà vẽ tranh theo cốt truyện, thể hiện các ý tưởng của kịch bản bằng tranh chứ không thể tự mình vừa sáng tác cốt truyện vừa thể hiện cốt truyện qua tranh. Điều này dẫn đến rất nhiều hạn chế trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Tác phẩm vì thế mà thường sơ sài về nội dung, kết cấu thiếu chặt chẽ, tình tiết không hấp dẫn, thậm chí nhiều khi phần truyện và phần tranh không ăn khớp, không hòa hợp được với nhau!

Có không ít họa sĩ nhìn thấy một lượng lớn độc giả đang bị truyện tranh nước ngoài chiếm lĩnh toàn bộ thị hiếu đã tự đặt câu hỏi là làm thế nào để mình có thể tự sáng tác được truyện tranh cho trẻ em nước mình mà không phải nhập truyện của người ta về xuất bản? Trăn trở là vậy nhưng nhưng lực bất tòng tâm. Trong các trường mỹ thuật, sinh viên của ta chỉ được học về truyện tranh với tính chất tham khảo chứ chưa có môn truyện tranh hay khoa truyện tranh như ở nhiều nước trên thế giới. Bởi không được đào tạo một cách chuyên nghiệp và bài bản nên các tác giả truyện tranh của ta vẫn cứ loay hoay chưa bước qua khỏi cái ranh giới giữa “truyện minh họa bằng hình ảnh” và “truyện tranh”. Vì thế mà mong muốn “giành giật” lại lượng độc giả không nhỏ từ tay truyện tranh nước ngoài vẫn cứ xa vời!

Hoàng Linh


Ý kiến của bạn