Truyện tranh made in Vietnam cần một nụ cười lạc quan

23-03-2019 21:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Viết gì cho thiếu nhi?” vẫn là câu hỏi khiến những người làm nghề trăn trở. Trong số các thể loại giải trí cho thiếu nhi hiện nay thì truyện tranh luôn được xếp ở hạng mục tiềm năng, nhưng thể loại này chưa có sự bứt phá nào đáng kể.

Thua trên “sân nhà”

Sau thời kỳ hưng thịnh của Thần đồng đất Việt thì truyện tranh made in Vietnam chưa có thêm tác phẩm nào tạo nên cơn sốt mạnh mẽ. Nói cách khác, truyện tranh Việt dần yếu đi do không cạnh tranh được với truyện tranh của nước ngoài. Từ năm 2007 tới năm 2011, có rất ít tác phẩm được ra mắt. Hầu như các tác giả truyện tranh lui về các diễn đàn online.

Nhắc đến truyện tranh nước ngoài, đây thực sự là “cơn ác mộng” đối với truyện tranh Việt. Năm 1992, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt những tập đầu tiên của bộ truyện tranh Doraemon nổi tiếng của Nhật Bản. Sự kiện gây chấn động không chỉ hoạt động xuất bản sách ở Việt Nam, mà tác động sâu sắc đến thói quen đọc sách của người Việt, trước hết là các độc giả nhỏ tuổi. Kể từ đây, trẻ em Việt Nam bắt đầu biết đến một loại hình sách kết hợp giữa chữ và hình, thường là nhiều tập, có nhiều yếu tố hài hước, gây cười, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố nhân văn. Bên cạnh đó là hàng loạt thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành và những mối quan tâm đặc biệt của công chúng trong việc nhìn nhận, đánh giá về truyện tranh.

Thời kỳ đầu, độc giả cho rằng truyện tranh chỉ để giải trí, thiếu nghiêm túc và không phù hợp với trẻ, có thể làm hỏng tư duy ngôn ngữ. Thực tế thì những hình ảnh trực quan vẫn vô cùng quan trọng và cần thiết. Truyện tranh vẫn phát triển như một quy luật tất yếu. Theo thống kê, nếu như thời gian đầu sau Doraemon, mỗi năm ở Việt Nam trung bình xuất hiện khoảng 10 bộ truyện tranh, thì sau đó là 25 bộ và những năm gần đây lên tới 50 - 70 bộ. Những bước phát triển đó có sự đóng góp lớn của đội ngũ tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X, những người yêu thích truyện tranh, đam mê sáng tạo và khát khao xây dựng nền truyện tranh Việt. Những tác phẩm có tiếng như Long thần tướng (nhóm tác giả Thành Phong, Mỹ Anh, Khánh Dương), Vùng trời hư cấu (Phan Thành Trí), Học sinh chân kinh (HRO)... Thành công của các tác phẩm này mở ra nhiều hướng đi của truyện tranh Việt. Nhưng bấy nhiêu dường như vẫn chưa đủ.

Nhiều ý kiến nhận định, để phát triển truyện tranh Việt đúng nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề, từ thay đổi tư duy đến việc lựa chọn, khai thác đề tài. Chưa kể, nhiều tác giả trẻ đang bị ảnh hưởng bởi phong cách truyện tranh nước ngoài, nhất là Nhật Bản. Điều này sẽ rất khó để truyện tranh Việt Nam xây dựng được chỗ đứng trong lòng bạn đọc cũng như cạnh tranh được rất nhiều dòng sách dịch. Trong khi đó, việc gây quỹ sản xuất và phát hành ra thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi... Những khó khăn này khiến truyện tranh Việt Nam phát triển chậm và bỏ ngỏ nhiều tiềm năng.

Truyện tranh Việt cần mở ra nhiều hướng đi, đề tài rộng hơn nữa cho các họa sĩ thể hiện.

Truyện tranh Việt cần mở ra nhiều hướng đi, đề tài rộng hơn nữa cho các họa sĩ thể hiện.

Khi webtoon “soán ngôi” truyện tranh

Không chỉ “tím mặt” vì truyện tranh nước ngoài, thị trường truyện tranh Việt còn “hụt hơi” trước một thể loại mới mang tên webtoon. Thực tế, webtoon là một hình thức truyện tranh mạng đang thịnh hành ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Việc phát hành trên mạng, đọc có trả phí đang là một lối đi mới cho ngành sản xuất truyện tranh do giảm được giá thành in ấn, mở rộng độc giả hơn, cũng như có thể tạo ấn bản màu nhanh chóng. Thế mạnh của webtoon nằm ở sự phong phú về thể loại (kinh dị, phiêu lưu, lãng mạn, kỳ ảo...), đề tài đa dạng (giải trí, giáo dục), phù hợp với nhiều lứa tuổi (từ mẫu giáo đến thanh thiếu niên, trung niên), nội dung không quá dài dòng, nét vẽ thú vị, cách kể chuyện ấn tượng và chứa đựng bài học thực tế ý nghĩa.

Khi những người mê truyện tranh đang cảm thấy nhàm chán dần với những tựa truyện “dài hơi” như Naruto hay Onepiece, những câu chuyện webtoon của Hàn Quốc xuất hiện và mang lại một làn gió mới mẻ, hấp dẫn và kích thích hơn. Với chủ đề chính là kinh dị, những câu truyện ngắn của Hàn Quốc đang gây sốt bởi nội dung có phần hài hước nhưng lại “thấm” đến vài hôm đối với những người thần kinh yếu.

Truyện tranh Việt cần phải làm gì?

Mới đây, nhà thơ Lê Minh Quốc vừa ra mắt bộ truyện tranh độc đáo Hiền tài nước Việt. Bộ sách gồm 10 tập do Nhà sách Đông A và Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành, họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn vẽ minh họa. Xuất hiện trong Hiền tài nước Việt là các danh sĩ tiêu biểu qua các thời kỳ như: thiền sư Vạn Hạnh, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát. Bộ sách mang ý nghĩa giáo dục, giúp độc giả nhí tìm hiểu về những danh sĩ đã có nhiều đóng góp với dân, với nước và để lại dấu ấn sâu đậm của mình trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.

Ra mắt vào giai đoạn “nhạy cảm” của thị trường truyện tranh nhưng rõ ràng, những tác phẩm như Hiền tài nước Việt rất xứng đáng nhận được lời khen từ giới chuyên môn. Tác phẩm này có thể không tạo nên cơn sốt mạnh mẽ như những thể loại ăn khách khác, nhưng vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với một bộ phận thiếu nhi Việt Nam.

Họa sĩ Việt Nam hiện tại rất ít người bắt kịp tư duy hiện đại của thế giới - mà đó lại chính là điều trẻ em cần. Chỉ có một, hai người tương đối khá trong tạo hình có tính hành động khiến trẻ em thích (Tạ Huy Long - người thực hiện bộ Danh nhân đất Việt, Lê Linh - họa sĩ chính bộ Thần đồng đất Việt), nhưng họ cũng chỉ dừng lại ở truyện truyền thống với các hình tượng trạn dân gian mà chưa dám “chạm” đến các nhân vật hiện đại.

Theo nhận định của giới chuyên môn, vấn đề quan trọng trước mắt không phải là hạn chế truyện tranh nước ngoài, mà là mở ra nhiều hướng đi, đề tài rộng hơn nữa cho các họa sĩ thể nghiệm và thể hiện. Trong hệ thống trường mỹ thuật Việt Nam, việc đào tạo họa sĩ vẽ truyện tranh phải được coi là một ngành quan trọng, chú trọng nhiều hơn đến việc sử dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, cần có kế hoạch lâu dài gửi họa sĩ trẻ đi đào tạo về tranh truyện ở các nước có nghệ thuật và công nghiệp truyện tranh phát triển.

Bên cạnh việc đầu tư về nội dung, các bộ truyện tranh hiện nay còn chú trọng đến hình ảnh phù hợp với tiêu chí thuần phong mỹ tục mà giữ được nét sinh động, hiện đại. Các họa sĩ truyện tranh cần vứt bỏ cái tôi để tập trung vẽ những hình ảnh chân thật, sống động phù hợp với nội dung truyện. Bên cạnh đó, họ cần ứng dụng công nghệ mới để phát triển truyện tranh dựa trên nền tảng truyền thống. Ngoài ra, truyện tranh Việt cũng rất cần sự hợp tác, đào tạo, dạy vẽ truyện tranh và xác định hướng đi riêng của mình.


Nam Phương
Ý kiến của bạn