Truyền thuyết và sự thật

21-03-2011 08:06 | Xã hội
google news

Hai ngàn năm về trước cha ông ta đã sở hữu một thứ vũ khí có sức sát thương ghê gớm khiến cho kẻ thù phải khiếp đảm. Ðó chính là nỏ liên châu. Nó đã đi vào truyền thuyết, song thực tế cho đến bây giờ người dân vùng đất Cổ Loa - Kinh đô của vương triều An Dương Vương huyền thoại, vẫn tin thứ vũ khí đó thực sự tồn tại.

Hai ngàn năm về trước cha ông ta đã sở hữu một thứ vũ khí có sức sát thương ghê gớm khiến cho kẻ thù phải khiếp đảm. Ðó chính là nỏ liên châu. Nó đã đi vào truyền thuyết, song thực tế cho đến bây giờ người dân vùng đất Cổ Loa - Kinh đô của vương triều An Dương Vương huyền thoại, vẫn tin thứ vũ khí đó thực sự tồn tại.

Lời giải  từ lò nung…

Truyền thuyết “Mỵ Châu - Trọng Thủy” hay hệ thống truyện truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa đều có nói về một thứ vũ khí mà quân đội vua Thục Phán sử dụng để đánh đuổi quân xâm lược Triệu Đà. Theo đó, khi quân Triệu Đà áp sát chân thành Cổ Loa, An Dương Vương lệnh cho quân lính mang ra một chiếc nỏ. Chỉ cần bắn một phát lập tức có hàng triệu mũi tên cùng bay ra găm vào đội hình địch. “Trong nháy mắt quân Triệu Đà tan rã. Vua Thục mở lễ khao quân ăn mừng chiến thắng…”.

Đặt giả thiết thực sự An Dương Vương sở hữu loại vũ khí bắn tên này thì ắt hẳn ông ta phải nắm trong tay hệ thống lò đúc mũi tên đồng dày đặc mới có thể trong một thời gian ngắn cung cấp kịp thời cho đội Cung xạ của ông chiến đấu. Thực sự đã tồn tại hệ thống lò đúc này. Trong một lần khai quật xung quanh đền thờ vua An Dương Vương trong quần thể di tích Cổ Loa, Viện Khảo cổ và Ban Quản lý di tích và Danh thắng Hà Nội đã phát hiện ra một khối đất nung màu đỏ tựa như chiếc lò nhỏ hình cầu có đáy, tường bao quanh có xu hướng khum vào bên trong và có lỗ thông ra hai bên. Phía trong lòng có nhiều đất nung đỏ cháy và một số mảnh gạch, ngói. Đào sâu hơn, dưới là lớp đất sét vàng có lẫn các mảnh ngói Cổ Loa.

Mũi tên và lẫy nỏ cổ (Tại Phòng trưng bày Khu di tích Cổ Loa).

PGS. Phạm Minh Huyền, trưởng nhóm cho biết: “Đây là lần đầu chúng tôi tiến hành khai quật tại khu vực này, trên diện tích 136m2. Kết quả ban đầu đã xác định được 3 lớp đất thuộc 3 giai đoạn khác nhau, với rất nhiều di vật cổ có giá trị. Phía trên là lớp đất thuộc giai đoạn từ thời Lê đến thời hiện đại (thế kỷ 15-20), kế đến là lớp đất thuộc thời Trần (thế kỷ 13-14) và lớp đất sâu phía dưới có màu vàng xám thuộc giai đoạn Cổ Loa. Tại đây, vết tích của lò đúc đồng với những mảnh khuôn đúc bằng đá, mảnh nồi nấu đồng, có nhiều khả năng là lò đúc mũi tên đồng 3 cạnh, mũi tên đặc trưng của Cổ Loa đã được tìm thấy...”. Ở hố đào đoạn thành Nội tìm thấy dấu vết của một lò nung khá hoàn chỉnh, được khoét vào thành, có buồng đốt và buồng nung còn khá nguyên vẹn. Buồng nung của lò có 6 cầu, 7 rãnh, với nhiều vết thoát khói.

Tiếp đó, trong cuộc khai quật lần thứ 7 tại Đình Tràng (Cổ Loa, Đông Anh), các nhà khảo cổ học đã phát lộ một hệ thống bếp lò dùng để đúc mũi tên đồng. Theo TS. Lại Văn Tới (Viện Khảo cổ học) cho biết: “Đây là cuộc khai quật Đình Tràng lần thứ 7 và may mắn là đã phát lộ một hệ thống bếp lò dày đặc tập trung thành hai dãy lớn, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, khoảng cách đều”. Cấu trúc của các bếp lò cũng giống nhau, từ thành lò đến cửa đun và nền lò. Hướng Tây Bắc - Đông Nam của lò được các nhà khoa học phỏng đoán là để tận dụng hướng gió. Nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ học với số lượng quá lớn bếp trong một diện tích nhỏ như vậy đặt ra vấn đề đây không phải là bếp gia đình. Nó có thể là bếp nấu đồng, nhiều bếp nấu với số lượng nhỏ để đủ lượng đồng đúc một vật lớn. 
 
 … Hay từ kho mũi tên đồng

Theo truyền thuyết, tướng Cao Lỗ đã nỗ lực giúp An Dương Vương chế tạo thành công nỏ. Nỏ có sức mạnh kỳ diệu, “chỉ núi thì núi tan, chỉ ngàn thì ngàn cháy”, vì vậy dân gian gọi là nỏ thần và người chế tạo ra nỏ thần đó được gọi là Ông Nỏ hay Ðô Nỏ. Việc phát hiện được kho mũi tên đồng ở Cầu Vực cho thấy truyền thuyết về nỏ thần của An Dương Vương ở Cổ Loa có cốt lõi lịch sử chân thật. Tư liệu của khảo cổ học ở Cầu Vực đã “vén bức màn huyền thoại” và trả lại cho An Dương Vương sự thật việc luyện và đúc mũi tên đồng ở Cổ Loa.

 Tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thủy 87 tuổi, xóm Nhồi (Cổ Loa, Hà Nội), ông kể lại cho tôi biết: Vào khoảng tháng 6/1959 trong khi đang cùng các công nhân đắp con đường từ Quốc lộ 3 đi qua khu di tích Cổ Loa đến xưởng phim, tại khu vực có tên là Cầu Vực, mọi người phát hiện một hố gần vuông mỗi cạnh 1m, sâu khoảng 1,2m, trong chứa 93kg mũi tên đồng, ước khoảng gần một vạn chiếc, với rất nhiều kích cỡ khác nhau. Theo trí nhớ không đầy đủ của ông Thủy thì phân theo kích thước, có bảy loại: Loại dài nhất 11cm, loại ngắn nhất 6cm và đều cùng một loại, cấu tạo gồm 3 bộ phận: đầu nhọn, trụ và chuôi cùng có mặt cắt ngang hình tam giác. Ðầu mũi tên có mặt cắt hình tam giác với rìa cạnh thẳng hoặc hơi cong vồng ra; mặt cắt ngang đầu mũi hình tam giác đều cạnh thẳng hoặc cong lõm vào.

Sau đó chúng tôi đã báo lại cho cơ quan chức năng. Kết quả thám sát nơi phát hiện hố mũi tên cho biết, từ lớp mặt đến lớp sinh thổ, đất thuần nhất, không có dấu vết tầng văn hóa, không phát hiện được di vật khảo cổ. Do đó, các nhà khảo cổ học cho rằng, đây là kho cất giữ mũi tên vừa đúc xong, đang trong quá trình gia công để sử dụng. Do biến cố của xã hội, toàn bộ số mũi tên này được chôn giấu trong lòng đất tại Cầu Vực.

Lò đúc mũi tên đồng Cổ Loa (Ảnh lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa).

Từ trước đến nay, ở các di chỉ khảo cổ: Bãi Mèn, Ðồng Vông, Ðường Thụt, Ðường Mây, Ðình Tràng và các xóm làng của Cổ Loa (xóm Nhồi, xóm Hương, xóm Gà, xóm Mít, xóm Vang,...) đều phát hiện được mũi tên đồng cùng loại với Cầu Vực, nên các nhà khảo cổ học đặt tên cho loại mũi tên này là “Mũi tên đồng Cổ Loa”. Ðây là loại mũi tên đặc trưng của vùng Cổ Loa vào cuối thời đại đồng thau - sơ kỳ thời đại đồ sắt.

Nỏ thần “sống lại”

Dựa trên những cứ liệu khảo cổ có thể khẳng định dưới thời An Dương Vương có tồn tại một thứ vũ khí được gọi là Nỏ liên châu với sức sát thương hàng loạt. 2.000 năm sau đó chúng ta bước đầu phục dựng thành công và kiểm chứng được sức mạnh hủy diệt của nỏ liên châu hay còn được dân gian biết đến với tên gọi “Nỏ thần Kim Quy”. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á vừa tiến hành nghiên cứu, phục dựng hình dáng, kích thước, nguyên lý hoạt động của mũi tên đồng Cổ Loa và máy bắn nỏ liên châu cách đây hơn 2.000 năm. Theo TS. Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, việc nghiên cứu thực nghiệm, kiểm chứng sức mạnh của mũi tên đồng Cổ Loa và lẫy nỏ thuộc văn hóa Đông Sơn. Từ những mẫu nỏ thu được ở Hòa Bình, Nghệ An và mẫu máy nỏ trên phù điêu Angkor Wat (Campuchia), nhóm nghiên cứu đã phối hợp với những thợ làm nỏ của người Mường thử phục dựng máy nỏ và nỏ cá nhân thời Văn Lang - Âu Lạc. Điểm được mọi người chú ý nhất là chiếc lẫy nỏ-bộ phận quan trọng nhất của nỏ liên châu. Lẫy nỏ được nhóm phục dựng đúng như mẫu nỏ khai quật được ở chân thành Cổ Loa có niên đại gần 2.000 năm (vẫn còn lưu giữ tại nhà trưng bày Khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội). Lẫy nỏ giai đoạn này được cấu tạo gồm nhiều chi tiết lắp vào nhau nên chiếc nỏ còn được gọi là nỏ “liên cơ”. Trong tiếng Hán, liên là liên hoàn, cơ là cơ quan (hay còn gọi là bộ phận).

Tượng tướng quân Cao Lỗ, người chế tạo nỏ thần.

Lẫy nỏ loại hình thành sớm thường gồm 3 bộ phận, nhưng lẫy nỏ giai đoạn sau này được phát triển lên đến 6 bộ phận là hộp cò, lẫy cò, chốt (thường có 2 chốt), thước ngắm. Sau khi phục dựng xong toàn bộ mũi tên và máy bắn nỏ, nhóm nghiên cứu tiến hành bắn thử và kiểm chứng sức mạnh, uy lực của mũi tên bắn ra tại nơi phục dựng máy bắn nỏ tại Hoà Bình. Ban đầu, những tấm bia được làm bằng thân cây chuối, mảng xốp đặt ở khoảng cách gần 100m, khi bắn bằng máy, mũi tên đều xuyên qua mục tiêu. Khoảng cách tấm bia được co dịch để kiểm chứng hiệu quả gây sát thương của mũi tên. Kết quả bắn kiểm chứng cho thấy mũi tên có thể bay khoảng 100 - 120m, nhưng tầm sát thương, mũi tên có uy lực nhất ở khoảng cách 60 - 80m. Qua nghiên cứu các dấu vết để lại trên bia sau mỗi phát bắn, nhóm nghiên cứu nhận thấy đầu mũi tên ba cạnh trong lúc bay tạo độ xoắn để giảm lực cản của không khí, đường tên đi ổn định, khi chạm mục tiêu trong khoảng cách gần có khả năng “xuyên táo”, gây sát thương hàng loạt.      

Ngoài ra, mũi tên ba cạnh tạo ra vết rách to theo ba hướng, gây thoát máu nhanh, thương vong lớn cho đối phương. Đây là một đặc điểm quan trọng khiến cho đối phương hoang mang, mất bình tĩnh khi đang tấn công và là một yếu tố tạo nên tính thần kỳ của loại nỏ An Dương Vương so với các loại vũ khí đương thời và ngay cả với loại nỏ chỉ được bắn bằng mũi tên hai cạnh thông thường.        

   Bài và ảnh: Văn Hậu


Ý kiến của bạn