Sự lan tỏa thông tin y tế chính xác góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng
Tiếp nối thành công của chuỗi hội thảo "Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông dành cho các chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội" tại TP HCM, nhằm mở rộng phạm vi và lan tỏa những giá trị tích cực, hôm nay - 28/11, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tiếp tục phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức chương trình này tại Hà Nội.
Hội thảo đã thu hút hơn 300 đại biểu là chuyên gia truyền thông, chuyên gia y tế và đội ngũ nhân lực làm công tác truyền thông y tế từ hơn 100 cơ sở y tế phía Bắc tham dự.
Chương trình này với sáng kiến KMOLs (Key Medical Opinion Leaders), được khởi xướng bởi Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, với ý tưởng và mục tiêu trang bị, phát triển kỹ năng truyền thông cho các bác sĩ, điều dưỡng, các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực y tế có kỹ năng chuyên môn tốt, khích lệ họ tham gia truyền thông, trở thành những chuyên gia có ảnh hưởng xã hội tích cực.
Nhờ các KMOLs hạt nhân này, thông tin y tế chính xác và kịp thời trên các nền tảng truyền thông số sẽ được lan tỏa đến cộng đồng. Người dùng mạng xã hội sẽ không bị hoang mang, lẫn lộn giữa biển thông tin ồ ạt của thời đại số.
Tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhấn mạnh: Hội thảo này là nơi để các chuyên gia truyền thông, các các bộ làm công tác truyền thông y tế, các y bác sĩ, nhân viên y tế cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các phương thức truyền tải thông tin y tế hiệu quả và xây dựng hình ảnh chuyên gia y tế uy tín, có tầm ảnh hưởng tích cực trong xã hội số, thời đại số.
"Sự lan tỏa thông tin y tế chính xác không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng mà còn bảo vệ sức khỏe của cộng đồng"- Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bày tỏ hy vọng thông qua các buổi chia sẻ, các đại biểu được tiếp cận với các kỹ năng quan trọng để trở thành những KMOLs thực thụ. Từ đó, mỗi bác sĩ, điều dưỡng hay chuyên gia y tế không chỉ làm tốt vai trò chuyên môn mà còn trở thành người dẫn đầu trong việc truyền thông y tế đúng đắn.
Theo Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc hội thảo "Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông dành cho các chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội" không chỉ là một sự kiện mà là khởi đầu của một hành trình dài để xây dựng mạng lưới truyền thông y tế vững mạnh, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở y tế trên cả nước.
Cần các chuyên gia y tế giỏi tham gia truyền thông, giúp truyền tải thông tin y tế một cách chính xác, hiệu quả
Tại hội thảo, các chuyên gia có kinh nghiệm về truyền thông nói chung, truyền thông y tế nói riêng đã chuyển tải các nội dung cụ thể, trực tiếp để giúp xây dựng kỹ năng truyền thông chuyên nghiệp cho các cơ sở y tế.
Theo đó, Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TW, Bộ Y tế, diễn giả của hội thảo đã giới thiệu về truyền thông tích hợp - công cụ mạnh mẽ giúp các cơ sở y tế xây dựng hình ảnh uy tín, tăng cường tương tác với người bệnh, khách hàng và cuối cùng là đạt được mục tiêu tự chủ.
Trong phần chia sẻ của mình, TS Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và quảng cáo, Học viện báo chí và tuyên truyền nhấn mạnh sự quan trọng của kỹ năng truyền thông trong truyền tải thông điệp khi làm truyền thông y tế, trong đó sự nhân văn là điều những người làm truyền thông y tế chuyên nghiệp cần ghi nhớ và đặt lên hàng đầu.
Còn ThS. Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm Truyền thông - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thành viên Ban tổ chức chuỗi hội thảo KMOLs chia sẻ: Quan điểm bác sĩ chỉ nên tập trung vào chuyên môn có thể khiến nhiều chuyên gia y tế bỏ qua cơ hội đóng góp và chia sẻ kiến thức ở diện rộng.
"Chúng tôi muốn khích lệ các chuyên gia y tế giỏi tham gia truyền thông, giúp truyền tải thông tin y tế một cách chính xác, hiệu quả và gần gũi cho cộng đồng. Truyền thông y tế mà không có sự tham gia của các bác sĩ giỏi, điều dưỡng nhiều kinh nghiệm, có tầm ảnh hưởng này thì sẽ khó hiệu quả. Thành viên của mạng lưới truyền thông y tế rất cần các y bác sĩ, điều dưỡng có tầm ảnh hưởng xã hội và sự hỗ trợ của họ.
Những ngần ngại của các bác sĩ (như lo tổ chức, xử lý khủng hoảng nếu có…) cần phải được giải tỏa với sự hậu thuẫn từ Bệnh viện và đơn vị truyền thông"- ThS. Đỗ Thị Nam Phương nói.
Các đại biểu cũng nghe TS. Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Chủ nhiệm Chương trình Digital Marketing, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT đã chia sẻ về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong truyền thông y tế.
"Việc các bệnh viện, các cơ sở y tế tạo điều kiện, khuyến khích chuyên gia y tế của mình tham gia các hoạt động truyền thông cộng đồng, bồi dưỡng, cung cấp các kỹ năng truyền thông cho họ chính là cách làm truyền thông y tế rất cụ thể, hiệu quả cho bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng.
Các chuyên gia y tế khi tham gia cộng đồng KMOL sẽ được hỗ trợ để phát triển tầm ảnh hưởng của mình trên các nền tảng truyền thông xã hội. Từ đó, các KMOLs không chỉ đóng góp vào công tác chuyên môn mà còn lan tỏa các giá trị tích cực đến xã hội, nâng cao nhận thức và cải thiện sức khỏe của cộng đồng," PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhấn mạnh.