Truyền thông về các bệnh truyền nhiễm đang đi sai hướng!

12-10-2018 20:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh chúng ta đang truyền thông về các bệnh truyền nhiễm sai hướng: chưa truyền thông tập trung vào phòng bệnh, truyền thông phòng bệnh không đúng.

Tại BV Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Th. Y. (Long An) đang chăm con mắc sởi vào ngày thứ năm. Chị cho biết, chị hiểu cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ nhưng chỉ rửa tay vào thời điểm trước khi ăn.

Theo các bác sĩ điều trị của khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, rửa tay vô cùng dễ làm. Nhà nhà có nước, xà bông khắp nơi đều có. Đây là biện pháp dễ làm, phòng ngừa bệnh hiệu quả, và rửa tay mọi thời điểm khi chế biến thức ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Nhưng không ít phụ huynh không thường xuyên rửa tay, rửa tay không đúng thời điểm. Thậm chí nhiều người còn quan niệm rằng, “con nít đi tiêu, đi tiểu là sạch sẽ!”

Phụ huynh Nguyễn Đ. L (Đắk Lắk) đang chăm con 14 tháng tuổi bị viêm phổi cũng chia sẻ, anh biết phải rửa tay nhưng cũng chỉ rửa tay trước khi cho con ăn. Vệ sinh trong nhà từ trước đến nay chủ yếu là do vợ anh đảm nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vô cùng lo lắng khi chứng kiến bệnh nhi khoa Khám bệnh (BV Nhi đồng 2) ngồi chung hết một dãy khám, các cháu ho có thể ngồi chung với sởi…

Trong buổi làm việc với BV Nhi Đồng 2 sáng 12/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nhìn chung qua các báo cáo của BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng TP, BV Bệnh Nhiệt đới, số mắc, số nhập viện và số ca tử vong trung bình năm nay thấp hơn năm ngoái ít nhất là 20%.

“Tuy nhiên, đến tháng 9/2018, đột ngột ca bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết cùng tăng vọt. Nguyên nhân có thể là do đỉnh dịch, thời tiết thay đổi thất thường hoặc do người dân lo lắng trước những thông tin như “dịch chồng dịch”, “chủng virut biến đổi bất thường”… nên con sốt, phát ban, sổ mũi là đưa ngay con vào bệnh viện, kể cả dưới tỉnh.” Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Kim Tiến băn khoăn, trẻ con đi cả ngày, trời miền Nam vừa nắng nóng lúc lại mưa, ngoài Bắc nhiệt độ bắt đầu trở lạnh, mệt lả vì ngồi chờ…; rồi vào đến khu bệnh nhân sởi… trẻ càng dễ mắc bệnh các bệnh lây nhiễm như sởi.

“Lọc bệnh, cách ly và bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện từ ngoài khoa Khám bệnh. Bệnh nhi ngồi chung hết một dãy khám, các cháu ho ngồi chung với sởi… Còn trong phòng Hồi sức Cấp cứu (ICU), bác sĩ tiến hành hàng loạt các thủ thuật như thở máy, đặt nội khí quản, truyền dịch, bơm dịch… trong lúc bệnh nhi sởi lại nằm giường kề bên cạnh; nằm chung hai cháu một giường, bên này sởi, bên kia là bệnh nhi suy tim; hoặc một bệnh nhi sởi, còn lại là tay chân miệng…

Bộ trưởng Bộ Y tế Kim Tiến tham gia làm sạch môi trường nước để phòng ngừa muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết tại quận Thủ Đức sáng 12/10/2018

Nguy cơ lây nhiễm chéo, bội nhiễm rất cao; tỷ vong ở trẻ mắc sởi nhiều khi không phải do sởi mà những trẻ có bệnh nền đang điều trị trong bệnh viện có thể mắc sởi và tử vong,” Bộ trưởng Kim Tiến cảnh báo.

Các bệnh truyền nhiễm, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lọc bệnh để các ca bệnh nặng nhập viện, các ca bệnh nhẹ sẽ được theo dõi và điều trị trong ngày. Để giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện. Hệ điều trị còn phải tập trung vào các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì… nguyên nhân của 75% tử vong.

Hơn thế nữa, dịch bệnh lưu hành mỗi năm, đến hẹn lại lên, nên chúng ta hình thành thói quen phòng ngừa bệnh. Chúng ta đang xem nhẹ dự phòng và sai lệch trong truyền thông phòng bệnh. Theo Bộ trưởng Kim Tiến, muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết thường chích vào buổi sáng từ 9 - 11g và chỉ thích sống ở môi trường nước sạch; phòng ngừa tay chân miệng làm sao được khi sàn nhà và đồ chơi bẩn, ăn uống mất vệ sinh…; ngừa sởi chỉ có cách mang con đi tiêm ngừa đủ 2 mũi (9 tháng và 18 tháng).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đến thăm Trạm Y tế phường Linh Trung, kiểm tra tình hình tiêm vét vắc xin phòng sởi cho trẻ

Chúng ta thường khuyến cáo khi trẻ bị sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, phát ban, quấy khóc kéo dài… đưa đến bệnh viện; nhưng chưa tập trung nhấn mạnh điều đầu tiên để phòng ngừa bệnh là phải rửa tay, theo dõi sát bệnh, cho trẻ uống nhiều nước, cho ăn tốt đủ dinh dưỡng,” Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.

Cũng trong ngày 12/10/2018, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. HCM và Sở Y tế TP.HCM tổ chức lễ “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” tại Quận Thủ Đức, TP.HCM.

Chiến dịch bao gồm các hoạt động: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà các trường mầm non…; thực hành các biện pháp loại trừ lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và kiểm tra các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng ở hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi...


An Quý
Ý kiến của bạn