Truyền thống văn học nữ Thụy Điển

28-07-2013 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sara Lidman qua đời được vài năm. Bà là nhà văn nữ Thụy Điển lớn, nhiệt tình ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Nhớ lại mấy lần tôi sang Thụy Điển, thế nào bà cũng ân cần đón tiếp tôi để được thông tin về Việt Nam. Và bà thì hào hứng nói về văn học nữ Thụy Điển.

Sara Lidman qua đời được vài năm. Bà là nhà văn nữ Thụy Điển lớn, nhiệt tình ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Nhớ lại mấy lần tôi sang Thụy Điển, thế nào bà cũng ân cần đón tiếp tôi để được thông tin về Việt Nam. Và bà thì hào hứng nói về văn học nữ Thụy Điển.

Ở phương Tây, phong trào phụ nữ viết văn phát triển đặc biệt từ cuối những năm 60 - đầu thế kỷ 20.

Nói chung, từ xưa, ở các nước trên thế giới, binh nghiệp và văn chương thường dành cho nam giới. Ít dân tộc như Nhật Bản sớm có một nền văn học nữ từ thời Hei-an (Bình An), thế kỷ VIII đến thế kỷ XII. Đó là thời kỳ hoàng kim của văn học Nhật Bản được đánh dấu bởi những tác phẩm của các nữ sĩ vượt hẳn nam giới.

Thụy Điển cũng có một truyền thống văn học nữ giới khởi đầu từ cuối thời Trung cổ với nữ thánh Birgitta (1303-1373). Tác phẩm Thiên Khải bằng tiếng La-tinh khiến cho bà thánh Birgitta bất tử cả về văn học. Ba trăm năm sau bà Birgitta, khi Thụy Điển thành cường quốc vào nửa sau thế kỷ XVII, Nữ hoàng Kristina đã khiến cho đất nước rạng rỡ về mặt văn hóa, nghệ thuật. Những trước tác hiếm hoi còn lại của bà phản ánh một tâm hồn phức tạp, ngả nghiêng giữa đức tin và hoài nghi, giữa dục vọng và trí tuệ, giữa vui đời và cô đơn. Trước tác ở Rô-ma của bà bao gồm những câu cách ngôn viết bằng tiếng Pháp.

Đến thế kỷ XIX, khoảng năm 1830, nữ sĩ Bremer là người tiên phong xây dựng nền tiểu thuyết hiện thực của giai cấp trung lưu ở Thụy Điển. Bà trở thành nhân vật lãnh đạo phong trào giải phóng phụ nữ do nội dung các tác phẩm của bà tập trung viết về phụ nữ. Bà có uy tín cả ở nước ngoài. Đa số trước tác của bà phản đối khuynh hướng trọng nam. Bà nổi tiếng do cuốn tiểu thuyết Gia đình H. (1830-1831), tác phẩm hiện thực mà thấm nhuần tinh thần nhân đạo và lý tưởng hóa của chủ nghĩa lãng mạn và tư tưởng thần bí Ki-tô giáo. Bà đề cao đời sống gia đình hòa thuận, coi đó là Tổ quốc thu nhỏ. Cuốn tiểu thuyết Hertha (1856) là tác phẩm nổi tiếng nhất của bà. Hertha là một thiếu phụ dám chống lại gia đình kiểu gia trưởng, người cha đầy uy quyền làm mất cả nhân phẩm những người khác trong nhà. Kết thúc câu chuyện hé ra một tương lai dân chủ hơn để cho tất cả mọi người, nhất là phụ nữ, tự do phát triển cá tính. Đối với thế giới, văn đàn Thụy Điển có một bộ phận văn học nữ giới mà đại diện lớn nhất là Selma Lagerlof.

Selma Lagerlof (1858-1940) là ngôi sao sáng trên văn đàn Thụy Điển và thế giới. Tôi còn nhớ thời Pháp thuộc, năm tôi 15-16 tuổi, học năm thứ 2-3 Trường Bưởi, chương trình đọc thêm văn học nước ngoài có một tác phẩm của bà dịch sang tiếng Pháp. Năm 1909, bà là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được Giải Nobel Văn chương. Tác phẩm lớn của bà gồm có Truyền thuyết của Gosta Berling - một bức tranh trữ tình về nông thôn. Cuộc du lịch kỳ diệu của Nils Holgerssan - truyện thiếu nhi được nhiều nước dịch sang các thứ tiếng nước ngoài rồi Những ngày thơ ấu...

Đến cuối thế kỷ XIX, phong trào phụ nữ Thụy Điển bị lu mờ do những tác phẩm của đại văn hào Strinberg có thái độ hằn học với phụ nữ. Mặc dầu vậy, một loạt nhà văn nữ vẫn tiếp tục nêu cao tinh thần đấu tranh giải phóng phụ nữ thừa hưởng của thế kỷ XVIII. Khuôn mặt nổi lên trong số đó là Ellen Key (1849-1926). Là con một chính khách địa chủ, bà chuyển từ lý tưởng Ki-tô giáo sang những tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng, thực chứng luận. Bà bênh vực quyền lợi phụ nữ, nêu cao vai trò xã hội của người mẹ, đòi giải phóng cảm xúc cho phụ nữ. Bà hòa nhập vào phong trào công nhân, chống lại thế chiến I, đấu tranh cho hòa bình thế giới. Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà - Thế kỷ của trẻ em (1901), đặt trẻ em vào vị trí tôn trọng nhất trong gia đình và xã hội, báo hiệu quan niệm về vai trò và giáo dục trẻ em trong thế kỷ XX.

Sau Chiến tranh Thế giới II, thơ hầu như làm bá chủ văn đàn Thụy Điển. Những năm 60, văn xuôi, đặc biệt tiểu thuyết đã nổi lên với một thế hệ nhà văn đầy sinh lực và tài năng, cho đến nay vẫn còn uy tín. Trong số đó, phải kể đến nhà văn nữ Brigitta Trotzig. Sáng tác của bà nêu những băn khoăn siêu hình, nhuốm màu hiện sinh và Công giáo. Bà đề cập đến cái ác, tội lỗi, đau khổ hằn thù, tủi nhục và sự vắng bóng thượng đế. Con người có thể, nếu được ân Chúa, làm chủ sự đau khổ, ra khỏi cõi tối tăm và thành một người mới. Trong Kẻ mất chức, một mục sư thế kỷ XVII cuối cùng đã tìm thấy ánh sáng nội tâm. Bệnh tật (1972) gắn số phận một đứa trẻ bị bệnh tâm thần với những sự kiện phá hoại của cái ác. Trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, Atrid Lindgren là nữ hoàng, bên cạnh đó, còn cả một đội ngũ nhà văn nữ tài năng sáng tác cho các em.

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn