Hà Nội

Truyền thông thúc đẩy thay đổi hành vi, "nói không" với lựa chọn giới tính khi sinh

12-12-2022 22:57 | Xã hội

SKĐS -Ở các nước có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao, yếu tố thúc đẩy thay đổi hành vi lựa chọn giới tính khi sinh là thực thi vấn đề bình đẳng giới trong xã hội, nâng cao vai trò của phụ nữ, từ đó thay đổi tâm lý thích con trai, hướng tới xã hội con nào cũng đều được coi trọng.

Càng có học càng lựa chọn giới tính khi sinh

Một trong những thách thức dân số của Việt Nam là mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng này xuất hiện từ đầu thế kỷ 21 và ngày càng gia tăng. Trước đây, tình trạng này xuất hiện ở một số vùng địa lý, nhóm dân cư, nhưng ngày nay đã lan rộng ra cả nước với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam hiện nay khoảng 111,5 bé trai trên 100 bé gái, đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Mất cân bằng giới tính khi sinh trước đây xảy ra chủ yếu ở thành thị, vùng đồng bằng Bắc Bộ thì nay lan rộng ra hầu khắp cả nước.

Truyền thông thúc đẩy thay đổi hành vi, "nói không" với lựa chọn giới tính khi sinh  - Ảnh 1.

Phụ nữ càng có trình độ học vấn càng có xu hướng lựa chọn giới tính khi sinh. Ảnh TL

Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông- giáo dục, Tổng cục Dân số -KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết, lựa chọn giới tính thai nhi  xuất hiện ở cả những vùng nông thôn, những nơi mà điều kiện kinh tế xã hội không phát triển, khó tiếp cận những dịch vụ để lựa chọn giới tính như siêu âm, phá thai… Hiện tượng lựa chọn giới tính khi sinh đã xuất hiện ở cả những vùng khó khăn, ở nông thôn.

Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên, tức là các cặp vợ chồng khi sinh người con đầu tiên đã nghĩ đến việc lựa chọn giới tính cho con. Họ đã tìm đến các kỹ thuật công nghệ hiện đại để biết trước giới tính của con mình.

Theo Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), càng những bà mẹ có học cao, hiểu biết rộng thì càng có xu hướng lựa chọn giới tính khi sinh. Một khảo sát của UNFPA, tỷ số giới tính khi sinh tăng lên cùng với số năm đi học của người mẹ. Các chuyên gia dân số lý giải rằng, đó là do người mẹ càng được học nhiều, họ càng có nhiều thông tin, tiếp cận các dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh nhiều hơn.  

Mỗi năm có khoảng  45.900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam và tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh là một hành vi bạo lực giới trên cơ sở định kiến giới cần có sự can thiệp của pháp luật.

Ông Đinh Huy Dương nói: "Có 3 nhóm giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh là truyền thông vận động để thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới, về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhóm giải pháp thứ 2 là thực thi pháp luật, xây dựng các quy định, luật để hạn chế lựa chọn giới tính thai nhi. Nhóm giải pháp thứ 3 là tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái có vị thế cao hơn trong xã hội, đặc biệt là vấn đề kinh tế xã hội và việc làm".

Truyền thông thúc đẩy thay đổi hành vi, "nói không" với lựa chọn giới tính khi sinh  - Ảnh 2.

Tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh là một hành vi bạo lực giới trên cơ sở định kiến giới cần có sự can thiệp của pháp luật.

Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam cho rằng, tâm lý coi trọng con trai, con trai là người tiếp nối truyền thống gia đình, bố mẹ sống với con trai... là những định kiến này ăn sâu vào đời sống xã hội. Nếu xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp diễn sẽ khiến hàng triệu nam giới Việt Nam sau này sẽ khó lấy được vợ.

Làm gì để chấm dứt lựa chọn giới tính khi sinh?

Vụ trưởng Vụ Truyền thông- giáo dục, Tổng cục Dân số -KHHGĐ, Bộ Y tế đã dẫn ví dụ của Hàn Quốc cho rằng, khi kinh tế xã hội Hàn Quốc phát triển, người dân cũng dần thay đổi quan niệm về lựa chọn giới tính khi sinh. Người phụ nữ tự chủ về kinh tế, có cái nhìn hiện đại hơn về quyền của phụ nữ cũng như về bình đẳng giới, việc chấm dứt lựa chọn giới tính khi sinh sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.  Thế hệ trẻ dần có quan điểm hiện đại hơn về vấn đề này, do đó họ sẽ không đi đến lựa chọn giới tính của thai nhi.

Truyền thông là một trong những chiến lược nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề về bất bình đẳng giới tại Việt Nam.  Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chương trình Truyền thông dân số đến năm 2030 để nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương để huy động sự tham gia và cam kết với công tác dân số thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; phân bố dân cư hợp lý; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Truyền thông thúc đẩy thay đổi hành vi, "nói không" với lựa chọn giới tính khi sinh  - Ảnh 3.

Cuộc thi xây dựng clip ngắn với chủ đề “Sinh con gái, Hái niềm vui” phát động trên nền tảng mạng xã hội TikTok thu hút rất đông bạn trẻ tham gia. Ảnh: BTC

Sau đó,  Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh cần truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái và không thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi. 

Kế hoạch hành động nêu rõ các chỉ tiêu cần đạt được:

-Đến năm 2025, 85% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ông bà, cha mẹ được cung cấp thông tin và hiểu được thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh và đạt 95% vào năm 2030; 80% các cặp vợ chồng cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.

-Đến năm 2025, 95% cán bộ và nhân viên y tế, cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và đạt 100% vào năm 2030.

-Đến năm 2025, 95% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục thực hiện việc giáo dục giới tính, bình đẳng giới, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua việc tích hợp các nội dung này vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông và đạt 100% vào năm 2030.

-Đến năm 2025, 95% các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, giá trị của trẻ em gái, vị thế của phụ nữ, bình đẳng giới và đạt 100% vào năm 2030.

-Đến năm 2025, 90% vị thành niên/thanh niên, nam, nữ sắp kết hôn được cung cấp đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi và đạt 95% vào năm 2030; 85% trong số đó hiểu biết đầy đủ các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, chú trọng vào các nhiệm vụ và giải pháp như tăng cường cung cấp thông tin về Dân số và Phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp; huy động các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia truyền thông về Dân số và Phát triển; tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình phối hợp, tập trung xây dựng các mô hình, hoạt động truyền thông toàn diện các nội dung về Dân số và Phát triển.

Cùng với đó, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về Dân số và Phát triển; bảo đảm về chất lượng, đổi mới về hình thức, nội dung. Cung cấp trang thiết bị, phương tiện truyền thông phù hợp cho cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác truyền thông về Dân số và Phát triển, ưu tiên tuyến cơ sở, nhất là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai.

Đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi về Dân số và Phát triển trên các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự, tin bài, sách, ảnh, sự kiện truyền thông; lồng ghép nội dung truyền thông Dân số và Phát triển vào các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung khai thác, phát triển và tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông khác.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống dân số các cấp; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số, y tế cơ sở nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực về Dân số và Phát triển của các tầng lớp nhân dân.

Mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ em vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, bình đẳng giới, không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống cho trẻ em vị thành niên, thanh niên.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông; huy động sự tham gia, đóng góp phương tiện, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác truyền thông về Dân số và Phát triển; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ truyền thông trong hệ thống dân số và cán bộ truyền thông, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên các ngành, các cấp.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm triển khai các chương trình truyền thông về dân số và phát triển của các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật định kỳ và đột xuất; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

T.Minh
Ý kiến của bạn