Sinh con trai để nối nghề
Anh Phan Thanh L. (thôn Văn Đăng 2, Vĩnh Lương, Khánh Hoà) cho biết anh rất thích sinh đông con trai để phụ giúp anh đi biển. Đây là tâm lý phổ biến của một bộ phận người dân ở các địa phương ven biển, vì muốn có nhiều con trai để nối nghề biển...
Chính quan niệm này đã tác động tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, bất bình đẳng giới khiến phụ nữ, trẻ em gái không được coi trọng bằng nam giới.
Sự khác biệt giữa từng vùng, miền cho thấy một đặc điểm quan trọng của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó phải kể đến tâm lý của nhiều người dân địa phương vùng biển, những người sống bằng nghề biển rất mong muốn và tìm cách để sinh con trai.
Chị Nguyễn Thị Ngà, một tuyên truyền viên dân số của Trung tâm DS-KHHGÐ (TP Hải Phòng) chia sẻ, chị có trách nhiệm đi vận động những gia đình đã sinh hai con hoặc sinh lần đầu để tuyên truyền về vấn đề chênh lệch giới tính hiện nay. Tuy nhiên, rất ít cặp vợ chồng đồng thuận chia sẻ và cam kết thực hiện đúng chính sách DS-KHHGÐ. Đa số đều nói rất muốn sinh con trai, mà ngay từ lần sinh đầu đã phải lựa chọn giới tính con trai. Nhất là ở vùng ven biển thì họ mong muốn bằng nhiều cách phải có con trai bởi quan niệm của nhiều người dân vùng biển là nghề đi biển, đánh bắt cá phải có con trai để đảm đương công việc.
Họ còn nêu nhiều lý do khác như trong nhà không có con trai thì coi như gia đình nhà đó không có nóc, phải có con trai để nối dõi tông đường, có con trai mới có chỗ dựa lúc tuổi già...
Những yếu tố chi phối
Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS ) thường do ba yếu tố chi phối:
- Tâm lý ưa thích có con trai khá phổ biến khiến lựa chọn giới tính thiên lệch về giới;
- Quy mô gia đình nhỏ và mức sinh giảm dẫn đến việc lựa chọn giới tính dựa trên định kiến giới;
- Sự phát triển của công nghệ cho biết được giới tính thai nhi khiến lựa chọn giới tính trở nên dễ dàng, những tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể lựa chọn giới tính thai nhi nên những người "muốn có con trai" càng có điều kiện để thực hiện việc lựa chọn giới tính con của mình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là do phong tục tập quán của người Á Đông luôn phải có con trai để "nối dõi tông đường". Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân sâu sắc khác tác động đến xu hướng lựa chọn giới tính khi sinh như do tâm lý luôn muốn dựa vào con trai khi về già. Những địa phương có đặc thù vùng biển nên nghề nghiệp đi biển cần có con trai để bảo đảm kinh tế gia đình. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng của người dân là tâm lý sợ bị chê bai, khích bác nếu sinh toàn con gái.
Trước thực trạng vẫn tồn tại quan niệm trên ở một bộ phận người dân, nếu không có những giải pháp để giải quyết thì tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng tăng và có nguy cơ trở thành xu hướng của xã hội. Giải pháp chủ yếu quan trọng hiện nay vẫn là tích cực truyền thông chuyển đổi hành vi, song song đó, tăng cường hiệu lực của pháp luật và bổ sung những chính sách về bình đằng giới nhằm làm giảm tình trạng kể trên. Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xã hội, vận động nam giới tham gia bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ"; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội góp phần giữ tỷ lệ cân đối về giới tính trong cơ cấu dân số để xã hội phát triển bền vững.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lưu ý khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ12-17 tuổi