Truyền thông mạng xã hội: Thật giả vô chừng

30-04-2014 09:28 | Tin nóng y tế
google news

Thông tin truyền thông vốn thuộc nhóm vô thưởng vô phạt thời báo mạng, đăng tải trên một trang báo điện tử có lẽ sẽ nhanh chóng chìm khuất nếu bài thơ của nhà báo Lại Văn Sâm không bị chỉ ra là tác phẩm “đạo”.

Thông tin truyền thông, vốn thuộc nhóm vô thưởng vô phạt thời báo mạng, đăng tải trên một trang báo điện tử có lẽ sẽ nhanh chóng chìm khuất nếu bài thơ của nhà báo Lại Văn Sâm không bị chỉ ra là tác phẩm “đạo”.

Đáng chú ý hơn, sau đó, nhà báo Lại Văn Sâm công khai khẳng định trang cá nhân đăng bài thơ đó không phải là Facebook của mình. Ông cũng nhấn mạnh, ông đã và sẽ không bao giờ sử dụng Facebook; ông không biết cách vào Facebook. Sau phát biểu của ông Sâm, trang báo điện tử đăng bài thơ đã lặng lẽ gỡ bài khỏi hệ thống, không một lời giải thích.

Có đến hơn 73 trang trên Facebook được cho là của Bà Tưng (Huyền Anh)

Nhà báo Lại Văn Sâm không phải là trường hợp duy nhất bị giả Facebook, trang cá nhân trên mạng xã hội. Cách đây chưa lâu, nghệ sĩ hài Minh Béo từng phải gọi điện cầu cứu báo chí khi trên mạng xã hội xuất hiện một số trang fanpage mạo danh anh để kêu gọi đóng góp từ thiện. Những trang cá nhân giả (fake) ấy cũng đăng ảnh Minh Béo, cũng cập nhật lịch biểu diễn, cũng chia sẻ những cảm xúc buồn vui, thậm chí đăng cả số điện thoại công khai của Minh Béo - số anh dùng để tiếp khán giả - nhưng yêu cầu khán giả gọi số khác để ủng hộ tiền. Các chính khách cũng bị giả Facebook, thậm chí nhân vật lắm tai tiếng như Bà Tưng (Lê Thị Huyền Anh) cũng có đến tận 73 fanpage hay Angela Phương Trinh (Lê Ngọc Phương Trinh) có đến 54 fanpage.

Gần đây, vụ ồn ào Hồ Ngọc Hà chửi nhau với anti-fan hay vụ Phương Thanh tố, khẳng định Đàm Vĩnh Hưng dùng bùa ngải hại chị khiến fan của hai bên lao vào cuộc “bàn phím phân tranh” lại góp thêm những hồi chuông cảnh báo về sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội.

Thế nhưng, mọi cảnh báo đều không có tác dụng.

Dạo một vòng Facebook, dùng từ khóa là tên của các nghệ sĩ để tìm kiếm, ta sẽ dễ dàng tìm ra nhiều hơn một fanpage nghệ sĩ. Có trang chính thức, do nghệ sĩ quản lý; có trang chuyên nghiệp hơn - thuê người điều hành; phần còn lại đều là các trang mạo danh, nhưng tất cả đều khẳng định mình là trang chính thức.

Không thể xác minh thật - giả, công chúng cứ thế tin vào những thông tin, hình ảnh không thật hoặc không tin những thông tin chính thức do nghệ sĩ cung cấp, để rồi lao vào những cuộc tranh cãi, ném đá lẫn nhau nhằm bảo vệ thần tượng. Đáng quan ngại hơn, giữa thời cạnh tranh thông tin nhanh, giật gân, cả những người trong hàng ngũ báo chí cũng bỏ qua luôn bước xác minh nguồn tin, bỏ qua các nguyên tắc nghiệp vụ, cứ thế đăng lại những gì được post trên Facebook của những cái tên quen, thậm chí sẵn sàng thêm thắt cho tăng phần ly kỳ. Chuyện siêu mẫu Xuân Lan có con với danh thủ David Beckham, thù lao biểu diễn của Phương Thanh là tám tỷ đồng đều được mang ra mổ xẻ, bình luận như chuyện chính thức. Đến khi người trong cuộc lên tiếng đính chính, các “nhà báo Facebook” lại thêm một lần cập nhật tin tức nóng hổi, lại mổ xẻ, bình luận để câu view.

Theo Luật Công nghệ thông tin, hành vi giả mạo Facebook của người khác, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả có thể bị xử lý hành chính, thậm chí phạt tù. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy có ai bị xử lý. Mới cuối tháng Ba vừa qua, cô N.P.H.M., người đã tạo Facebook mạo danh diễn viên Diễm Hương và hoa hậu Mai Phương Thúy để mượn tiền cũng chỉ hứa sẽ xin lỗi. Trước đó, M. dựng nên một kịch bản lâm li là diễn viên Diễm Hương bị tai nạn, tiền mang từ nước ngoài về đã cho nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín mượn, con gái nuôi Tina bị cướp… khiến nhiều người đã sập bẫy lừa.

Bao giờ vẫn còn những nghệ sĩ muốn giật gân, tạo scandal ảo, còn các nhà-báo- Facebook, công chúng sẽ vẫn còn ngụp lặn trong biển thông tin thật giả vô chừng và sẽ còn bị cuốn theo những ồn ào không đáng có.

 


Ý kiến của bạn