Truyền thông kiến thức giới tính, sinh sản - 'chìa khoá' bảo vệ sức khoẻ vị thành niên, thanh niên

29-11-2021 06:45 | Y tế

SKĐS - Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi...

Mới đây Ban Thường vụ Thành Đoàn và Ban giám đốc Trung tâm Y tế TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) vừa phối hợp tổ chức Hội thi "Tìm hiểu về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên" năm 2021. Đối tượng tham dự hội thi là thành viên các Câu lạc bộ "Tiền hôn nhân", đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn TP. Bến Tre.

Có 13 đội tham gia, mỗi đội 5 thành viên. Nội dung thi xoay quanh kiến thức và nhận thức của vị thành niên, thanh niên về giới, giới tính, kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và thanh niên, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống tảo hôn.

Truyền thông kiến thức giới tính, sinh sản- "chìa khoá" bảo vệ sức khoẻ vị thành niên, thanh niên - Ảnh 1.

Tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi Ảnh:minh hoạ

Dự án phi lợi nhuận "Giảm thiểu Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn trong nhóm Thanh niên tại Việt Nam" do Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) Việt Nam triển khai trong năm 2021 được kì vọng sẽ hợp tác cùng 15 trường trên địa bàn Hà Nội và tiếp cận được 80.000 thanh niên trong độ tuổi từ 18-24.  

Trong khuôn khổ của chương trình, sinh viên được tham gia các hoạt động truyền cảm hứng, cung cấp các kĩ năng phù hợp để tổ chức các hoạt động xã hội, kết nối với mạng lưới chuyên gia và nhóm các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực sức khỏe sinh sản một cách cởi mở, không phán xét.

Sinh viên được lựa chọn tham gia trong chương trình sẽ trở thành các hạt nhân đóng vai trò tiên phong trong các chuỗi sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên về sức khỏe sinh sản và tình dục tại trường họ học tập.

Việt Nam hiện có thế hệ thanh niên đông đảo với khoảng trên 22 triệu người. Sự gia tăng về mặt số lượng người trẻ đi liền với những thay đổi nhanh chóng về mặt giá trị, chuẩn mực và hành vi tình dục. Xu hướng cho thấy rằng nhóm nữ trẻ, chưa kết hôn có quan hệ tình dục sớm hơn so với các thế hệ trước, dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, đặc biệt là ở các khu vực đô thị lớn.

Tình trạng mang thai ngoài ý muốn không chỉ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như phá thai (cả an toàn và không an toàn), bỏ học sớm, bị gia đình và xã hội xa lánh, hoặc nghèo đói.    

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, các khu công nghiệp tập trung…

Mặt khác, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế; giáo dục về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục chưa tiếp cận được ở diện rộng; việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên.

Vì vậy theo các chuyên gia, hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị những kiến thức cần thiết cho vị thành niên/ thanh niên tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản...

Các chương trình tọa đàm truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại tình dục cho vị thành niên, thanh niên thường được tổ chức bằng hình thức nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin, kiến thức, các khái niệm cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như: Đặc điểm, dấu hiệu của tuổi dậy thì; sự phát triển tâm sinh lý tuổi vị thành niên; giới và giới tính, tình dục an toàn và lành mạnh; mang thai ngoài ý muốn, hậu quả phá thai ở tuổi vị thành niên, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là lây nhiễm HIV/AIDS...

Thông qua các hoạt động truyền thông giúp vị thành viên, thanh niên nắm bắt được các kiến thức cũng như các kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý của tuổi vị thành niên.

Thanh Hóa: Năm 2025, ít nhất 80% vị thành niên, thanh niên có hiểu biết cơ bản về chăm sóc sức khoẻ sinh sảnThanh Hóa: Năm 2025, ít nhất 80% vị thành niên, thanh niên có hiểu biết cơ bản về chăm sóc sức khoẻ sinh sản

SKĐS - Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 80% đối tượng vị thành niên, thanh niên có hiểu biết về những nội dung cơ bản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

Hoàng Nguyễn
Ý kiến của bạn