Tại Việt Nam, BV Phụ sản Hà Nội là BV công lập đầu tiên của cả nước thực hiện phương pháp truyền ối cho thai phụ bị thiểu ối. Đến nay, đã có gần 20 trường hợp “mẹ tròn, con vuông” nhờ kỹ thuật này.
Thiểu ối – nguy cơ cao biến chứng thai kỳ
Theo BSCKI Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội, nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, là môi trường lỏng giúp thai nhi phát triển trong suốt quá trình người mẹ mang thai. Nước ối có vai trò vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ, là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp.
Một ca truyền ối được thực hiện tại BV Phụ sản Hà Nội (ảnh BVCC)
Nếu trong quá trình mang thai, lượng nước ối không đủ sẽ làm thai chậm phát triển, dị dạng thai nhi, hậu quả là đẻ non hoặc thai lưu.
Trong thai kỳ, tại mỗi thời điểm lượng nước ối là khác nhau. Thai 10 tuần tuổi, lượng nước ối chỉ khoảng 30ml nhưng 3 tháng cuối thai kỳ, lượng nước ối có thể hàng nghìn ml nhưng đến khi sinh, lượng nước ối chỉ còn khoảng 800ml.
Thiểu ối là hiện tượng lượng nước ối ít hơn mức sinh lý bình thường, tức là khi chỉ số ối nhỏ hơn 50 mm hoặc góc ối sâu nhất nhỏ hơn 20mm. Nặng hơn là tình trạng cạn ối khi góc ối sâu nhất nhỏ hơn 10mm.
Theo BS. Sim, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thiểu ối là do mẹ bị vỡ ối hoặc rỉ ối qua đường âm đạo, làm giảm lượng nước ối trong tử cung hoặc mẹ có một số bệnh lý làm cho quá trình sản xuất nước ối trong bào thai giảm dần dẫn đến tình trạng thiểu ối.
Một nguyên nhân khác nguy hiểm hơn là do thai nhi không có thận, hoặc có nhưng không hoạt động làm quá trình tạo nước ối trong giai đoạn phát triển thai nhi bị hạn chế. Và, có tới 30% số ca thiểu ối không tìm được rõ nguyên nhân.
“Thiểu ối tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thiểu sản phổi, thai chậm phát triển, biến dạng mặt, chân tay, ngôi thai bất thường,…Hậu quả nặng nề nhất là thiểu ối ảnh hưởng đến quá trình trao đổi tuần hoàn giữa bánh rau và bào thai bị dừng, dây rốn bị ép chặt lại dẫn đến thai lưu”, BS Sim nói.
BS. Sim cũng cho biết, theo thống kê có tới 4-5% thai phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối. Trước đây, những ca này, các thai phụ được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc được điều trị bằng cách truyền dung dịch sinh lý nhằm tăng cường tuần hoàn tử cung rau. Tuy nhiên, phương pháp này đem lại ít hiệu quả. Vì thế, trong những trường hợp này bác sĩ sẽ khuyên nên chấm dứt thai kỳ sớm để tránh tình trạng thai lưu.
“Bởi vậy, thai phụ bị thiểu ối thường tuyệt vọng, tâm lý kém đi và hiệu quả điều trị không được như mong muốn”, BS Sim chia sẻ.
Truyền ối vào bào thai niềm hy vọng cho thai phụ bị thiểu ối
Trước thực trạng đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã triển khai kĩ thuật truyền ối để kéo dài thời gian mang thai của mẹ, tránh gây ra những dị tật không mong muốn do thiểu ối gây ra.
Mục đích của quá trình điều trị thiểu ối là đưa nước ối vào trong buồng ối, để mức nước ối trở về giai đoạn như sinh lý bình thường, giúp em bé tiếp tục phát triển.
Phương pháp truyền ối được thực hiện bằng cách truyền chậm một lượng dung dịch sinh lý vô trùng vào buồng ối thai nhi giúp tăng thể tích ối, tạo môi trường buồng ối bình thường, bồng bềnh để em bé có thể xoay được, cử động được và có thể uống được và quá trình lọc tái tạo diễn ra như sinh lý bình thường.
Cũng theo BS. Sim, đây là phương pháp hoàn toàn mới, đang được áp dụng tại các nước tiên tiến. Tuy nhiên, để thực hiện được kỹ thuật này yêu cầu độ vô khuẩn và chính xác cao nên không phải bệnh viện nào cũng áp dụng được.
BSCKI. Nguyễn Thị Sim và thai phụ được truyền ối đầu tiên tại BV Phụ Sản Hà Nội vào cuối năm 2019 (ảnh BVCC)
Được biết, đến nay, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã triển khai phòng can thiệp bào thai vô trùng tuyệt đối theo tiêu chuẩn Châu Âu nên đối với các trường hợp còn nguyên màng ối tuổi thai từ 16 đến 34 tuần có thể thực hiện được phương pháp này.
"Điều khó khăn nhất trong quá trình thực hiện truyền ối là phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối, kĩ năng đưa kim vào buồng ối, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ cho đến khi mức ối trở về an toàn” – Bs. Sim chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bs. Sim cũng lưu ý, kĩ năng đưa kim trong truyền ối cũng là một thử thách, nếu chỉ gặp một sai sót nhỏ thì quá trình truyền ối sẽ thất bại, bởi kim đưa lệch không vào được khoang trống để đưa nước ối vào.
Tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện và BSCKI Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trực tiếp thực hiện kỹ thuật này. Đặc biệt, kĩ thuật truyền ối đang sử dụng loại kim nhỏ nhất thế giới, để khi vào kim không làm tổn thương đến thai nhi và đường vào kim rất nhỏ, không gây tụ máu, bầm máu và nguy hiểm cho thai nhi. Đến thời điểm hiện tại các bác sĩ chưa ghi nhận ca truyền ối nào thất bại.
Kể từ ca truyền ối thành công vào cuối năm 2019, đến nay, BV đã thực hiện truyền ối thành công cho gần 20 trường hợp. Tất cả đều đã “mẹ tròn, con vuông”.
Mặc dù vậy, BS. Sim cũng cho hay, đến nay vẫn còn quá nhiều thai phụ mắc hội chứng thiểu ối nguy hiểm song không được chẩn đoán kịp thời tại tuyến dưới, khi tới Bệnh viện Phụ sản đã quá muộn, việc can thiệp không còn tác dụng, tước mất đi cơ hội sống của những đứa trẻ.
Một thai phụ khác nữa cũng có thai kỳ phức tạp đó là, trong suốt những tuần đầu bụng thai phụ chỉ cứng, thai không thể co duỗi, em bé nằm im bất động. Khi bác sĩ truyền nước ối vào em bé có thể cử động, co duỗi chân tay và người mẹ cũng cảm nhận rõ được con mình đang đạp.