Gần đây, sự kiện Diệp Lạc Vô Tâm - một trong những nữ tác giả truyện ngôn tình hot nhất hiện nay trên văn đàn Trung Quốc có buổi giao lưu với người hâm mộ tại Ðại học Văn hóa Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Có mặt tại buổi giao lưu mới thấy, Diệp Lạc Vô Tâm sở hữu lượng fan kha khá ở Việt Nam và có rất nhiều bạn trẻ Việt đam mê dòng truyện “gây tranh cãi” này.

Diệp Lạc Vô Tâm, tác giả nổi tiếng của dòng truyện ngôn tình trong “vòng vây” fan tại Hà Nội vào đầu tháng 4 vừa qua.
Chuyện tình yêu nhiều cảnh nóng
Diệp Lạc Vô Tâm được coi là một trong bốn tác giả Bảo chứng ngôn tình Trung Quốc, bên cạnh những cái tên Tân Di Ổ, Cố Mạn và Phỉ Ngã. Những cuốn sách của Diệp Lạc Vô Tâm khi ra mắt luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng fan như Mãi mãi là bao xa, Ngủ cùng với sói, Nụ hôn của sói, Động phòng hoa chúc sát vách, Chờ em lớn nhé được không… Công bằng mà nói, Diệp Lạc Vô Tâm là người giỏi trong cách dẫn chuyện và “mê hoặc” người đọc, cuốn người đọc vào câu chuyện tình yêu của nhân vật. Tình tiết trong truyện của Diệp Lạc Vô Tâm logic, bất ngờ và hấp dẫn. Tôi cũng đã đọc phần lớn những tác phẩm của Diệp Lạc Vô Tâm và thấy rằng, cũng giống như rất nhiều tác phẩm cùng thể loại, có khá nhiều cảnh “mùi mẫn” được tác giả miêu tả chi tiết trong truyện. Động phòng hoa chúc sát vách là một ví dụ. Anh chàng đẹp trai, hào hoa Diệp Chính Thần và nhân vật nữ chính Bạc Băng đã có một mối tình lãng mạn, những nụ hôn, những cuộc làm tình chớp nhoáng được Diệp Lạc Vô Tâm miêu tả khá chi tiết, nhất là ở chương cuối của tác phẩm.
Không chỉ có những tác phẩm của Diệp Lạc Vô Tâm, nhiều tác phẩm thuộc dòng ngôn tình (chủ yếu được dịch từ Trung Quốc) đã xuất hiện ở Việt Nam và giống như “dòng chảy ngầm” len lỏi trong đời sống của các bạn trẻ. Những cuốn truyện như Thục nữ PK xã hội đen của Thuấn Gian Khuynh Thành, Chuyện cũ của Lịch Xuyên, Bạn trai tôi là sói của Tát Không Không… đều có những cảnh “nóng” thường được gọi là “H văn”. Một số người còn cho rằng, những cảnh “H văn” trong câu chuyện tình yêu mùi mẫn đã biến cuốn sách dù được gắn mác 16 , 18 giống như “dâm thư”.
Lệch lạc với trào lưu đọc truyện “đam mỹ”
Có thể coi “đam mỹ” (bản chất là truyện tình yêu đồng tính nam) là một “nhánh” của truyện ngôn tình. Mới xuất hiện ở Việt Nam 5 - 6 năm trở lại đây nhưng thể loại truyện này cũng thu hút khá nhiều độc giả, đặc biệt là độc giả nữ. Tiểu thuyết đam mỹ chia ra nhiều trường phái khác nhau như “Thanh thủy văn” (Tình trong sáng), “Sinh tử văn” (Nam nhân mang thai sinh nở), “Nhất công đa thụ” (Một anh nhiều ả), “Ngược luyến tàn tâm” (đau khổ, bạo hành), “Nhân thú văn” (Biến thái thú vật), “Huyết thống văn” (Loạn luân)…
Độc giả nữ đam mê truyện đam mỹ được gọi với cái tên là “hủ nữ”. Tiểu Đường Đông Qua là tác giả Trung Quốc hàng đầu của thể loại đam mỹ với tuyên ngôn nổi tiếng “Trên đời này đẹp nhất không phải là cao sơn lưu thủy, càng không phải cái gì gọi là yến sấu phì hoàn mà là Nam Nhân”. Nhiều tác phẩm của Tiểu Đường Đông Qua được các bạn trẻ dịch và đưa lên mạng như Cạnh kiếm chi phong, Dạ sắc biên duyên, Hắc sắc đế quốc, Phong lưu quyển… đều miêu tả tình yêu đồng tính nam. Đó là những mối tình “lệch chuẩn” được “thần tượng hóa”. Bên cạnh đó, một số truyện đam mỹ được nhiều bạn trẻ Việt biết đến như Tuyệt sắc nô bộc, Yêu hồ tiểu bạch, Tình nhân đệ đệ, Đế vương nghiệp…
Ðừng để văn chương là “liều thuốc độc”
Rất dễ để có thể đọc được truyện ngôn tình trong thời buổi hiện nay. Chỉ cần một cú click chuột, đăng nhập vào internet có thể đọc hàng trăm câu chuyện mùi mẫn và biến thái. Trên mạng, rất nhiều diễn đàn được lập ra dành cho những fan của truyện ngôn tình. Họ chia sẻ chuyện, hồi hộp chờ đón những bản dịch “nháp” rồi cùng nhau sửa chữa, bình luận rôm rả. Sở dĩ giới trẻ yêu thích truyện ngôn tình là do tâm lý lứa tuổi. Truyện ngôn tình đã đánh trúng tâm lý tò mò của tuổi mới lớn xoay quanh vấn đề giới tính, tình dục. Tuy nhiên, những hình ảnh, câu chữ trong truyện có thể gây ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành vi tính dục, sức khỏe của các em. Độc giả chính của dòng sách này là các bạn trẻ đang ở lứa tuổi hình thành nhân cách và chưa hẳn đã có thể tự định hướng thẩm mỹ thưởng thức văn hóa. Điều gì sẽ xảy ra nếu các em chìm đắm, mê muội trong những câu chuyện tình yêu được “thêm thắt”, “câu khách” bằng những cảnh làm tình trần trụi, sống động và chi tiết? Điều gì sẽ xảy ra trong thế giới “hủ nữ” mê mẩn tình yêu và tình dục giữa nam - nam, có khi được miêu tả một cách bệnh hoạn?
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì sách ngôn tình về bản chất không xấu. Đó là dòng tiểu thuyết lãng mạn, hài hước mang tính giải trí cao. Nhiều tác giả của dòng ngôn tình là tri thức trẻ, tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng thế giới, am hiểu sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, không phải tất cả truyện ngôn tình xuất hiện ở Việt Nam đều nhảm nhí và “ngập” cảnh nóng. Một số tác phẩm ngôn tình được đánh giá tốt như Nợ em một đời hạnh phúc, Cốt cách mỹ nhân, Vì em mà anh đến, Cà phê đợi một người, Hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi… Tuy nhiên, những câu chuyện như vậy còn ít so với “mặt bằng chung” của truyện ngôn tình. Các nhà nghiên cứu cho rằng, dòng truyện ngôn tình không có khả năng đại diện cho bất cứ một nền văn học nào và nếu coi nó là giá trị duy nhất sẽ làm suy kiệt đời sống thẩm mỹ và tinh thần của xã hội.
Tôi cho rằng, đã đến lúc phải ngăn chặn “virut” truyện ngôn tình lan tràn trong giới trẻ. Nhà trường, xã hội phải có trách nhiệm cùng kiểm soát tình trạng này. Các bậc cha mẹ cần quan tâm, định hướng thưởng thức văn hóa cho con em mình. Bên cạnh đó, nhà xuất bản phải trở thành “máy lọc”, ngăn chặn “rác văn hóa” từ nước ngoài. Những nhà xuất bản phải tìm kiếm những tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật đích thực để giới thiệu, định hướng thẩm mỹ cho độc giả, nhất là giới trẻ.
Tường Phạm