Truyền máu song thai - Bệnh hiếm cần tầm soát khi mang song thai

18-06-2020 09:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Vừa qua các bác sĩ khoa Sản Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận và xử trí trường hợp song thai mắc hội chứng truyền máu như vậy. Điều đáng buồn là cả hai thai nhi đã không qua khỏi do không được phát hiện sớm hội chứng và không được điều trị kịp thời khi mang thai.

Trong y học, truyền máu song thai là một bệnh lý hiếm gặp. Tỷ lệ mắc hội chứng truyền máu song thai là 0,1-1,9/1000 trẻ sinh ra. Hội chứng truyền máu song thai hay còn gọi là Twin-twin transfusion syndrome - TTTS thường xảy ra trong thai kỳ khi người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng. Hội chứng sẽ dẫn đến tình trạng máu phân phối không đều giữa các thai nhi do ở bánh nhau xuất hiện những bất thường trong mạch máu, khiến lượng máu cung cấp cho một đứa trẻ được truyền đến đứa trẻ còn lại qua nhau thai. Một trẻ cho máu và một trẻ nhận máu.

Trẻ nhận máu thường sẽ lớn hơn, huyết áp cao hơn so với bình thường, trẻ còn lại không nhận đủ lượng máu và chất dinh dưỡng, oxy nên sẽ nhỏ hơn. Khi mắc hội chứng truyền máu song thai nếu không được điều trị thì 90-100% thai sẽ chết. Trường hợp một trong hai thai chết thì 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề.

Sản phụ 37 tuổi, địa chỉ tại TP. Uông Bí, Quảng Ninh. Nhập viện trong tình trạng cấp cứu do có dấu hiệu chuyển dạ, rau bong non mang thai song sinh 27 tuần lần 3 trên vết mổ đẻ cũ 2 lần. Xác định đây là một trường hợp cấp cứu đặc biệt các Bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho sản phụ, điều đáng lưu ý là sản phụ bị rau bong non và hội chứng truyền máu song thai: một thai nhi chỉ nặng 800 gram có biểu hiện nhợt nhạt do mất máu, một bé nặng 900 gram có màu đỏ rực do thừa máu. Các bác sĩ khoa Sản và khoa Sơ sinh đã cấp cứu tích cực cho sản phụ và thai nhi ngay trong phòng mổ tuy nhiên do tình trạng bệnh của trẻ quá nặng nên cả hai bé đã không qua khỏi. Sản phụ sau phẫu thuật sức khỏe ổn định và đã trở về với gia đình.

Truyền máu song thai là một bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ mắc là 0,1-1,9/1000 trẻ sinh ra.

Các bác sĩ cho biết, qua khai thác tiền sử trong suốt 27 tuần mang thai sản phụ chỉ đi siêu âm kiểm tra một vài lần tại phòng khám tư nhân mà không thực hiện kiểm tra theo khuyến cáo của bác sĩ. Một số sản phụ khi mắc hội chứng truyền máu song thai có thể có các biểu hiện: Đau bụng co thắt, trọng lượng cơ thể tăng nhanh, bàn tay và bàn chân có thể bị sưng ở ngay thời kỳ đầu của thai kỳ, tăng huyết áp …Tuy nhiên để khẳng định thì siêu âm Doppler có thể giúp thai phụ phát hiện được sớm trong quá trình mang thai, đồng thời có thể đánh giá giai đoạn bệnh để có chỉ định đúng, kịp thời.

Điều trị hội chứng truyền máu trong song thai hiện nay có rất nhiều biện pháp: Tiến hành phẫu thuật hủy thai có chọn lọc; Truyền máu cho thai trong buồng tử cung - kỹ thuật can thiệp bào thai; Laser đốt mạch nối giữa hai thai....và phương pháp điều trị bằng phẫu thuật laser khi ở giai đoạn II - III Quintero tuổi thai 16 - 26 tuần được coi là phương pháp tối ưu hiện nay.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi mang thai đặc biệt là song thai các sản phụ cần phải thường xuyên khám, siêu âm vào các thời điểm định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ sản khoa để kiểm soát được tình trạng tuần hoàn và sức khỏe của cặp thai nhi trong tử cung. Nếu có bất thường cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa Sản để được can thiệp kịp thời tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra.


Nhị Vũ
Ý kiến của bạn