(SKDS) - Kể từ đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi căn bệnh HIV/AIDS xuất hiện đã cướp đi hàng triệu sinh mạng con người. Trong số mất mát to lớn này còn có “sự đóng góp” của chính con người gây ra, sử dụng máu đã nhiễm HIV để truyền cho người bệnh.
Vụ truyền máu nhiễm HIV tại Pháp
Mặc dù cố tình bưng bít nhưng vụ scandal truyền máu nhiễm HIV tại Pháp vẫn không thể giấu được dư luận. Khi nhà báo Anne-Marie Casterest công bố bài viết trên tạp chí L’Evenement de Jeude số ra tháng 4/1999, dư luận mới vỡ lẽ từ năm 1984, Trung tâm truyền máu quốc gia Centre National de Trasfusion Sanguine (CNTS) đã biết trước máu nhiễm virut HIV nhưng vẫn dùng cho các bệnh nhân bị mất máu. Lật lại vụ án cho thấy, vụ scandal nói trên âm ỉ từ giữa thập niên 80. Theo đó, Trung tâm CNTS đã sử dụng máu nhiễm HIV, làm cho khoảng 4.000 - 5.000 bệnh nhân bị chảy máu, mất máu bị nhiễm HIV.
Tính đến tháng 3/1999, có 625 người trong số 1.348 người bị bệnh chảy máu bị thiệt mạng. Đây là vụ scandal tồi tệ nhất trong lịch sử y học của Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Nếu đúng người, đúng tội thì các bộ trưởng có thể bị tù tới 3 năm và bị phạt tới 88.000 USD mỗi người, nhưng cuối cùng “hòa cả làng” vì người ta đổ lỗi cho khách quan, đặc biệt là kỹ thuật sàng lọc máu không đồng bộ, mỗi phương pháp thử test lại có yêu cầu khác nhau như tiêu chuẩn của Mỹ, của Pháp và của cả WHO cũng không thống nhất. Cuối năm 1985, phương pháp gia nhiệt (heating) mới được đưa vào sử dụng, đây là phương pháp có thể làm trung hòa các tác nhân gây bệnh trong sản phẩm máu.
Ngoài ra, người ta còn đổ lỗi cho rất nhiều lý do khác từ khâu lấy máu, bảo quản cho đến xử lý và sử dụng, đặc biệt là các dụng cụ đựng máu, bởi nếu một mẫu máu bị nhiễm có thể gây ô nhiễm cả một lô. Điều đáng tiếc, ngoài các công nghệ xử lý bảo quản, các nhân viên của CNTS còn đi quyên góp nguồn máu có rủi ro nhiễm bệnh cao, kể cả máu của tù nhân. Theo thống kê, có tới 10% tù nhân nghiện hút nên tỷ lệ nhiễm bệnh rất cao và cả những người làm nghề tự do nên rủi ro truyền bệnh là rất lớn.
Sau 7 năm vụ scandal diễn ra, lần đầu tiên Quốc hội Pháp đã phê chuẩn đạo luật đền bù cho nạn nhân, nhưng phải mất tới 8 năm sau, số tiền trên mới đến tay 3.846 người bị hại.
Kỹ thuật sàng lọc máu không tốt có thể gây lây nhiễm HIV. |
Vụ truyền máu nhiễm HIV ở Nhật
Vụ truyền máu nhiễm HIV được người dân Nhật Bản gọi là Yakugai eizu Jiken diễn ra vào những năm thập niên 80 ở thế kỷ trước, hậu quả có khoảng 2.000 người bị bệnh chảy máu ở quốc gia này nhiễm HIV. Đây là những mẫu máu không qua xử lý nhiệt để vô trùng do những người làm việc trong Bộ Y tế của Nhật tắc trách. Vụ án được xem là đau lòng và cũng giống như ở Pháp, những người đứng đầu Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, giám đốc các công ty cung ứng máu, chữa bệnh đã bị buộc tội ngộ sát.
Từ tháng 5 đến tháng 10/1989, những người nhiễm HIV qua truyền máu ở Osaka và Tokyo chính thức phát đơn kiện Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội và bác sĩ Abe Takeshi - Giám đốc Trung tâm AIDS của Bộ Y tế Nhật hồi năm 1983 nhưng cuối cùng, năm 2005, Abe Takeshi lại được tuyên án là vô tội và phải từ chức phó hiệu trưởng Trường ĐH tổng hợp Tokyo. Năm 1996, ông Kan Naoto được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế đã cho thành lập tổ điều tra vụ scandal nói trên. Sau 9 tháng điều tra, người ta đã có trong tay các chứng cứ, Bộ Y tế Nhật Bản thừa nhận sai lầm và chính thức xin lỗi những người bị hại. Theo hồ sơ điều tra thì ngay từ năm 1983, Bộ Y tế Nhật Bản đã cấm nhập khẩu sản phẩm máu thiếu an toàn, chỉ được phép nhập máu đã gia nhiệt, tuy nhiên trên thực tế, thị trường vẫn tồn tại những mẫu máu thiếu an toàn chỉ vì người ta vô trách nhiệm và hám lời.
Vụ truyền máu nhiễm HIV tại Trung Quốc
Theo tờ People’s Daily của Trung Quốc số ra cuối tháng 2/2010, ông Từ Xuân Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện số 2 Đại Dã, tỉnh Hà Nam đã xác nhận số người bị nhiễm HIV do truyền máu nhiễm HIV trong giai đoạn 1996-1997 có thể lên đến gần 100 người. Trong thập niên 90, Bệnh viện số 2 Đại Dã đã mua máu của 5 người dân thị trấn Kim Ngưu, những người này sau đó bị phát hiện thấy HIV dương tính, số máu trên đã không được kiểm tra lại theo đúng quy trình nhưng vẫn được đưa vào truyền cho nhiều người tại bệnh viện này.
Vụ việc vỡ lở khi một nạn nhân tên là Trương Khải phát hiện thấy nhiễm AIDS hồi tháng 9/2009 vì trước đó đã được truyền máu tại BV Đại Dã. Bệnh viện số 2 Đại Dã đề nghị mức bồi thường 100.000 nhân dân tệ (khoảng 320 triệu VNĐ) và miễn phí điều trị cho nạn nhân. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận mức đền bù thỏa đáng. Năm 2007, bệnh viện này đã điều chỉnh mức bồi thường trọn gói cho mỗi nạn nhân lên tới 100.000 NDT và miễn phí điều trị suốt đời, có khoảng 40 bệnh nhân đã đồng ý với phương án bồi thường này.
Tháng 4/2005, cảnh sát bắt giữ 15 người trong vụ bê bối bán máu bất hợp pháp. Cuối năm 2005, một người đàn ông nhiễm HIV đã lây bệnh cho ít nhất 18 người sau nhiều lần hiến máu mà không hề biết bản thân đang mang bệnh. Người đàn ông này đã hiến máu 15 lần ở tỉnh Cát Lâm kể từ năm 2003 đến tháng 6/2005 mà không hề được xét nghiệm HIV. Một số quan chức địa phương đã bị kỷ luật và một số người khác bị bắt. Luật Hiến máu của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 10/1998, nghiêm cấm việc bán máu và yêu cầu kiểm tra HIV, đến năm 2004, Trung Quốc lại thông qua Luật cấm mua bán máu để hạn chế nguy cơ làm gia tăng số người mắc bệnh HIV/AIDS.
Duy Hùng(Theo Net/ WS)