'Truyền lửa' cho vaccine 'nội địa'

21-09-2021 15:22 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Dịch COVID-19 là "nguy", nhưng cũng là "thời cơ" để ngành vaccine “nội địa” thêm động lực bứt phá. Đến nay, Việt Nam đã có hai vaccine COVID-19 phát triển trong nước và một vaccine chuyển giao công nghệ đang thử nghiệm lâm sàng.

Quyết tâm từ Chính phủ...

Giữa tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân.

Việc này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt, sát sao, liên tục, nhất quán trong suốt thời gian vừa qua. Trong khi trên thế giới và trong khu vực tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và vaccine đang rất khan hiếm.

Thủ tướng nhấn mạnh "phải bàn và làm bằng được" việc sản xuất vaccine trong nước. "Trong cái khó ló cái khôn", "trong nguy có cơ", bối cảnh hiện nay là cơ hội để phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó có việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19. Trong thời gian ngắn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có 5 cuộc họp về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị khác phục vụ chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có nhiều chuyến thăm, động viên và kiểm tra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế và các bên liên quan đã báo cáo cụ thể về tình hình, tiến độ, kết quả chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước. Cụ thể là việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển; vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển; việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện; vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và VABIOTECH triển khai; vaccine Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…

"Truyền lửa" cho vaccine "nội địa" - Ảnh 2.

Nghiên cứu vaccine Nanocovax tại Học viện Quân y.

Đến những nỗ lực của DN Việt

Dù chưa thể nói trước chặng tới đích, nhưng việc đi cùng thế giới nghiên cứu vaccine chống lại tác nhân gây bệnh SARS-CoV-2 đã đem lại cho các nhóm nghiên cứu cơ hội tiếp cận nhanh tri thức thế giới liên quan vaccine COVID-19.

TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết: "Ngay từ khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam, đơn vị đã đăng ký tham gia trực tuyến vào các nhóm là các chuyên gia thế giới do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức để trao đổi về các lĩnh vực như xây dựng mô hình phát triển vaccine, mô hình đánh giá vaccine, thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng… Do các nghiên cứu của các nhóm đều mới, làm từ đầu và được các nhà phát minh chia sẻ ngay, do đó rất có giá trị để áp dụng vào nghiên cứu, sản xuất của đơn vị thay vì phải chờ nhà phát minh bộc lộ quy trình sau nhiều năm mới tiếp cận được. Nếu không tận dụng cơ hội này thì không bao giờ hiểu được các khái niệm về những công nghệ rất mới trong sản xuất vaccine COVID-19 hiện nay".

Từ yêu cầu chống đại dịch COVID-19 đã bổ sung cho ngành sản xuất vaccine trong nước hai đơn vị sản xuất vaccine tư nhân, bên cạnh bốn đơn vị sản xuất của Nhà nước, đó là Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và Công ty cổ phần công nghệ sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup).

Tuy tiềm lực cũng như bề dày kinh nghiệm trong sản xuất vaccine chưa thể bằng các đơn vị nhà nước, nhưng thế mạnh về tài chính, đầu tư mạnh bạo và sự quyết tâm của các nhà sản xuất mới đã đem lại thêm kỳ vọng Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự vào cuộc của các đơn vị tư nhân sẽ góp phần phát triển nhân lực vốn đang ít dần của  ngành này, nhất là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm. Việc Công ty cổ phần công nghệ sinh học VinBioCare nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất thế giới là bước chuẩn bị đồng bộ về trang thiết bị để bước vào giai đoạn tới khi dịch bệnh còn phức tạp, lâu dài.

Sự xuất hiện của các gương mặt mới trong ngành sản xuất vaccine là xu thế tất yếu, và "cuộc chơi" chắc chắn cũng sẽ có những luật mới. Các chính sách hiện hành về đầu tư cho nghiên cứu phát triển, về ưu đãi nhân lực… sẽ cần chuyển động để theo xu thế và phát triển bền vững. Một nhà sản xuất vaccine nhận định, hiện nay phải chia sẻ nhân lực sản xuất vaccine giữa tư nhân và Nhà nước để phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch, nhưng về lâu dài sẽ có sự dịch chuyển lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất vaccine giữa các đơn vị.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Sáng 21/9, Hà Nội có 1 ca mắc COVID-19, hơn 5 triệu người được tiêm vaccine.


Minh Thu
Ý kiến của bạn