Khoa Cấp cứu (Bệnh viện 19-8) vừa tiếp nhận một bệnh nhân H (54 tuổi) ngã từ độ cao khoảng 6m do tai nạn sinh hoạt. Bệnh nhân được người nhà đưa đến viện khoảng 30 phút sau khi ngã trong tình trạng tỉnh táo, đau nhiều vùng ngực và cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút nhập viện, người bệnh bắt đầu rơi vào tình trạng nguy kịch, ý thức lơ mơ, da niêm mạc nhợt, tụt huyết áp, lồng ngực không vững và liệt hoàn toàn 2 chân. Các bác sĩ nhanh chóng truyền dịch, dùng thuốc vận mạch đồng thời cố định xương gãy và giảm đau tích cực cho bệnh nhân. Bệnh nhân được tiến hành chụp CT toàn thân để tẩm soát tổn thương và chuyển vào Khoa Điều trị tích cực và chống độc để điều trị.
Các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực và chống độc (Bệnh viện 19-8) thông tin về bệnh nhân sau ca cấp cứu khẩn.
Tại Khoa Điều trị tích cực và chống độc, huyết áp bệnh nhân tụt sâu chỉ còn 75/50mmHg, mạch 70lần/phút, các chỉ số ở mức báo động nguy kịch. Nhận thấy đây là ca bệnh đặc biệt do phải truyền một lượng máu lớn hiếm gặp, ngay lập tức êkip trực đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện để cấp cứu tối khẩn cấp cho bệnh nhân. Bệnh nhân được dẫn lưu khoang màng phổi 2 bên với khối lượng máu lớn (bên trái 3400ml máu, bên phải 1200ml). Các bác sĩ đã chỉ định mở lồng ngực nhằm xác định tổn thương, đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm (catheter) để truyền máu với khối lượng lớn. Cùng lúc đó, các thủ thuật như đặt ống nội khí quản, thông khí nhân tạo xâm nhập, dùng vận mạch kiểm soát huyết động cũng được tiến hành.
Sau khi mổ lồng ngực, các bác sĩ phát hiện người bệnh có tổn thương tim rách tâm nhĩ phải. Ngay lập tức, êkip đã điều trị khâu cầm máu, đặt dẫn lưu khoang màng phổi 2 bên để dẫn lưu khí và máu. Trải qua ca phẫu thuật 4 tiếng, bệnh nhân chuyển về Khoa Điều trị tích cực và chống độc điều trị và tiếp tục được truyền máu, giảm đau, vận mạch, kháng sinh nâng đỡ thể trạng.
Bác sĩ Phan Hồng Ân (Khoa Điều trị tích cực và chống độc, Bệnh viện 19-8) tham gia cấp cứu ca bệnh cho biết: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch với những chấn thương phức tạp bao gồm vết thương hở, rách tâm nhĩ phải có nguy cơ đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 7200ml máu và chế phẩm máu (4500ml khối hồng cầu, 2400ml huyết tương tươi đông lạnh, 400ml tiểu cầu). Đây có thể xem là khối lượng máu rất lớn và hiếm gặp trong cấp cứu. Rất may, thời gian cấp cứu và phẫu thuật kiểm soát tổn thương của bệnh nhân được tiến hành nhanh chỉ mất 6h từ khi vào viện giúp đảm bảo tính mạng cho người bệnh".
Bác sĩ Phùng Việt Chiến (Khoa Điều trị tích cực và chống độc, Bệnh viện 19-8) - bác sĩ điều trị cho bệnh nhân sau phẫu thuật thông tin: "Sau ca mổ cấp cứu tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng với mạch nhanh, huyết áp tụt và cần duy trì thuốc vận mạch. Bệnh nhân cần thở máy tuy nhiên lại bị gãy rất nhiều xương sườn, dập phổi khiến hoạt động thở máy gặp khó khăn. Ngoài ra bệnh nhân bị tổn thương tủy gây ra tình trạng yếu cơ hô hấp khiến quá trình cai máy thở gặp nhiều khó khăn. Sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn cần truyền thêm rất nhiều máu để hồi phục khối tuần hoàn, giữ huyết áp trên mức trung bình nhằm giảm liều vận mạch".
Bác sĩ Chiến nhận định bệnh nhân H có tổn thương tim nặng và đối diện với nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Các bác sĩ cần theo dõi sát sao sau phẫu thuật để kiểm soát máu, kiểm soát dịch. Sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã cai máy thở, rút dẫn lưu khoang màng phổi 2 bên, thở oxy qua dụng cụ mở khí quản. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, làm theo lệnh tốt và vận động 2 tay bình thường. Vấn đề lớn nhất của bệnh nhân là chức năng hô hấp, tuy nhiên hiện tại bệnh nhân đã tự thở được, tiên lượng tốt.
Xem thêm video được quan tâm:
Báo động đỏ cứu thai phụ bị nhau tiền đạo xuất huyết ồ ạt | SKĐS