Ngày 1/6/2019, chị vào điều trị tại Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu TW trong tình trạng thiếu máu, tiểu cầu thấp, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi đe dọa tính mạng của 2 mẹ con.
Chị Vang được điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu TW để kéo dài thời gian giữ em bé trong bụng.
Để kéo dài thời gian em bé được ở trong bụng mẹ, các bác sĩ đã luôn theo sát từng dấu hiệu sức khỏe của bệnh nhân và phối hợp với Bệnh viện Phụ sản TW theo dõi thai sản. Trong 18 ngày nằm viện, chị đã được truyền 9 đơn vị khối hồng cầu, 29 đơn vị tiểu cầu các loại (nhóm O).
Sang tuần thứ 35, các bác sĩ tiên lượng không thể trì hoãn hơn nữa, chị Vang được chuyển sang mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản TW.
Với sự phối hợp chặt chẽ của các y bác sĩ 2 bệnh viện, ca mổ lấy thai đã diễn ra thuận lợi. Trong và sau ca mổ, trên tay chị luôn gắn kim truyền máu và tiểu cầu.
Chị Vang cần truyền nhiều khối hồng cầu và khối tiểu cầu trong quá trình điều trị.
Do tình trạng thiếu máu và có khả năng xuất huyết nặng, chỉ một ngày sau khi mổ đẻ, bệnh nhân lại được chuyển về Viện Huyết học - Truyền máu TW.
Lúc này, vết mổ vẫn còn rỉ máu, chị Vang tiếp tục được truyền thêm 6 đơn vị khối hồng cầu và 20 đơn vị tiểu cầu.
Trong gần 1 tháng qua, chính nhờ có trên 60 đơn vị chế phẩm máu cùng sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ mà người mẹ ung thư máu đã vượt cạn thành công.
Trước và sau ca "vượt cạn", chị đã được truyền trên 60 đơn vị chế phẩm máu.
ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật - Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, bác sĩ điều trị trực tiếp cho chị Vang chia sẻ: "Đứng trước những ca bệnh máu nặng, việc cấp cứu, điều trị bằng các chế phẩm máu là rất quan trọng.
Với trường hợp bệnh nhân Vang, nhờ được truyền máu và tiểu cầu kịp thời, liên tục nên mới duy trì ổn định, sau đó mổ lấy thai thành công và bệnh nhân được chuyển sang giai đoạn điều trị bệnh máu tích cực.
Mặc dù vào dịp hè khan hiếm máu, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo đủ lượng chế phẩm máu nhóm O điều trị cho người bệnh. Đặc biệt có những chế phẩm như khối tiểu cầu pool, để điều chế được một đơn vị cần nhiều đơn vị máu”.
ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất luôn theo sát trong quá trình điều trị cho chị Vang.
Dịp tháng 6 hàng năm thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu máu, đặc biệt là nhóm O. Với chương trình vận động hiến máu Hành trình Đỏ - Kết nối dòng máu Việt, đã có thêm nhiều đơn vị máu từ nhiều vùng miền trên cả nước được chuyển về Hà Nội, phục vụ công tác điều trị cho người bệnh đang cần máu.
Chị Vang xúc động bày tỏ: "Mặc dù không quen biết nhưng những người hiến máu trên mọi miền Tổ quốc đã chia sẻ giọt máu đào cho người bệnh như chúng em. Thay mặt cho những người bệnh, em xin cảm ơn tấm lòng của tất cả những người hiến máu”.
Ngắm hình ảnh của bé An Nhiên đã giúp chị Vang có thêm nghị lực vượt qua những đợt điều trị hóa chất.
Hiện nay, chị Vang đã vượt qua thời điểm khó khăn và đang điều trị ung thư máu, còn em bé đã được về nhà để ông bà chăm sóc.
Khối tiểu cầu: Là một chế phẩm máu chứa phần lớn tiểu cầu bao gồm:
- Khối tiểu cầu gạn tách: Là những đơn vị khối tiểu cầu lấy trực tiếp từ người hiến máu bằng máy tách tế bào tự động.
- Khối tiểu cầu được điều chế từ máu toàn phần bảo quản ở nhiệt độ từ 20oC đến 24oC trong 24 giờ kể từ khi lấy máu.
Một đơn vị khối tiểu cầu thường (pool) 150ml được điều chế từ 1.000 ml máu toàn phần (cần 3-4 người hiến máu).
Một đơn vị khối tiểu cầu pool lọc bạch cầu 250ml được điều chế từ 2.000 ml máu toàn phần (cần 6 - 8 người hiến máu).