Truyền hình trực tuyến: "Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận mạn - Bạn cần biết?"

SKĐS – Trong chương trình truyền hình trực tuyến vào lúc 13 giờ 30, thứ Sáu, ngày 28/7/2023 các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành sẽ chia sẻ, tư vấn những thông tin hữu ích, giúp chúng ta nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh thận mạn.

Truyền hình trực tuyến: "Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận mạn - Bạn cần biết?" - Ảnh 1.

Theo thống kê, hơn 850 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh thận, gần gấp đôi số người mắc bệnh tiểu đường (422 triệu) và gấp 20 lần so với tỷ lệ mắc bệnh ung thư trên toàn thế giới (42 triệu) hoặc số người mắc bệnh AIDS/HIV (36,7 triệu), và con số này vẫn đang gia tăng hằng năm.

Tại Việt Nam có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, trong đó có khoảng 26.000 người suy thận mạn tính giai đoạn cuối và mỗi năm có gần 8.000 ca bệnh mắc mới.

Bệnh thận mạn là sự suy giảm chức năng thận tiến triển, kéo dài. Các triệu chứng tiến triển chậm và trong các giai đoạn tiến triển có các triệu chứng như: chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loại vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật…

Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần của bệnh nhân mà còn để lại những biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân bị giữ nước, dẫn đến phù, huyết áp cao hoặc phù phổi. Nồng độ kali trong máu tăng đột ngột có thể làm giảm chức năng tim và có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh còn dẫn đến biến chứng tại nhiều cơ quan trong cơ thể, như: loét đường tiêu hóa, chảy máu đường tiêu hóa, co giật, hôn mê, xuất huyết não, nhồi máu não, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim…

Bệnh thận mạn thường dẫn tới suy thận ở 5 giai đoạn khác nhau, nếu phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, người bệnh được điều trị đúng phương pháp kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh và ngăn ngừa triệu chứng tiến triển.

Từ giai đoạn 3-5, người bệnh dễ gặp các biến chứng nguy hiểm, có thể phải chạy thận. Cụ thể, ở giai đoạn 3A, người bệnh rơi vào tình trạng thiếu máu, thường gặp các vấn đề xương khớp. Trong giai đoạn 3B, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng. Mức lọc cầu thận đã giảm nặng, người bệnh dễ gặp biến chứng nguy hiểm.

Ở giai đoạn 4, chất độc tích tụ trong máu càng nhiều vì chức năng lọc máu của thận đã suy giảm, triệu chứng bệnh càng rõ ràng, nhất là tình trạng nhiễm độc. Nếu không chữa trị kịp thời, người bệnh có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như suy tim, tăng huyết áp, phù não, phù phổi, đái tháo đường, đau quặn hai bên hông…

Đặc biệt, ở giai đoạn 5, người bệnh phải chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng thường xuyên nhằm duy trì sự sống và cải thiện tình trạng bệnh. Đây là giai đoạn bệnh suy thận nghiêm trọng nhất. Thận đã tổn thương nghiêm trọng với mức lọc cầu giảm thấp (< 15 mL/phút). Người bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng lâm sàng do nhiều cơ quan đã bị nhiễm độc, nhất là tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp da và máu.

Suy giảm chức năng ở thận trong giai đoạn đầu thường không có triệu chứng đặc hiệu và phát triển theo thời gian. Do đó, rất nhiều trường hợp người mắc bệnh suy thận không được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ.

Khi đã tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ tử vong nếu không áp dụng các biện pháp điều trị thay thế thận, như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận.

Vậy làm thế nào để phát hiện bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm, những dấu hiệu nào cảnh báo nào giúp chúng ta nhận biết bệnh và điều trị sớm nhất có thể? Có các xét nghiệm giúp tầm soát sớm bệnh thận mạn hay không; cũng như những mối lo ngại về chi phí xét nghiệm sớm, tầm soát bệnh thận mạn so với các nguy cơ rủi ro khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn?

Những vấn đề này sẽ được các bác sĩ đầu ngành giải đáp trong chương trình Truyền hình trực tuyến: "Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận mạn - Bạn cần biết?" vào lúc 13 giờ 30, thứ Sáu, ngày 28/7/2023 do Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành gồm: PGS.TS.BS Hà Phan Hải An - Phó Chủ tịch Hội Tiết Niệu - Thận Học Việt Nam, Cố Vấn Khoa Thận - Lọc Máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giảng viên cao cấp trường Đại học Y Hà Nội; BS.CKII. Châu Thị Kim Liên - Chủ tịch Liên Chi Hội Nội Thận Học TP.HCM, Bác sĩ Cao cấp Bệnh Viện FV, Nguyên Trưởng Khoa Thận Bệnh Viện Chợ Rẫy; TS.BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo -Trưởng khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, BV Đại Học Y Dược TP.HCM, Giảng Viên Chính Bộ Môn Tổng Quát Trường Đại Học Y Dược TP.HCM.

Chương trình được phát trực tiếp trên báo điện tử Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube, Fanpage và Tiktok của báo Sức khoẻ & Đời sống. 

Khách mời tham gia chương trình:

Truyền hình trực tuyến: &quot;Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận mạn - Bạn cần biết?&quot; - Ảnh 2.

PGS.TS.BS Hà Phan Hải An - Phó Chủ tịch Hội Tiết Niệu - Thận Học Việt Nam, Cố Vấn Khoa Thận - Lọc Máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giảng viên cao cấp trường Đại học Y Hà Nội

Truyền hình trực tuyến: &quot;Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận mạn - Bạn cần biết?&quot; - Ảnh 3.

BS.CKII. Châu Thị Kim Liên - Chủ tịch Liên Chi Hội Nội Thận Học TP.HCM, Bác sĩ Cao cấp Bệnh Viện FV, Nguyên Trưởng Khoa Thận Bệnh Viện Chợ Rẫy

Truyền hình trực tuyến: &quot;Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận mạn - Bạn cần biết?&quot; - Ảnh 4.

TS.BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, BV Đại Học Y Dược TP.HCM, Giảng Viên Chính Bộ Môn Tổng Quát Trường Đại Học Y Dược TP.HCM

Truyền hình trực tuyến: &quot;Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận mạn - Bạn cần biết?&quot; - Ảnh 5.

Dẫn chương trình: MC Vũ Mạnh Cường

Chương trình được phát trực tiếp trên báo điện tử Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube, Fanpage và Tiktok của báo Sức khoẻ & Đời sống.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ:

Email: toasoan@suckhoedoisong.vn

Hoặc gọi theo số 0933138115 trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia trong thời gian diễn ra chương trình.

Báo điện tử Sức khoẻ &Đời sống (Suckhoedoisong.vn) trân trọng cảm ơn PGS.TS.BS Hà Phan Hải An - Phó Chủ tịch Hội Tiết Niệu - Thận Học Việt Nam, Cố Vấn Khoa Thận – Lọc Máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giảng viên cao cấp trường Đại học Y Hà Nội; BS.CKII. Châu Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội Nội Thận Học TP.HCM; TS.BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo -Trưởng khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, BV Đại Học Y Dược TP.HCM và MC Ninh Hoàng Ngân đã nhận lời tham gia chương trình.

Trân trọng cảm ơn Công ty FRESENIUS KABI đã đồng hành cùng chương trình!

Gửi câu hỏi Phỏng vấn trực tuyến
Lên trên
PV
Ý kiến của bạn