Vì sao truyền hình thực tế bùng nổ?
Hiện nay, có khoảng 150 gameshow, chương trình truyền hình thực tế do các nhà đài và công ty giải trí phối hợp sản xuất. Những cái tên mới nổi gần đây có thể kể đến Rap Việt, Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Ai là số 1, Ca sĩ bí ẩn, Lạ lắm à nha, Chạy đi chờ chi, Bạn muốn hẹn hò, Thần tượng âm nhạc, Tần số tình yêu, Nhanh như chớp, Thách thức danh hài, Ơn giời cậu đây rồi, Chân ái… Hầu hết các chương trình đều được các công ty giải trí mua bản quyền từ nước ngoài, sau đó Việt hóa để phù hợp với điều kiện, nhu cầu của khán giả nội địa.
Không thể phủ nhận những giá trị mà truyền hình thực tế đã đem lại cho khán giả cũng như những người tạo ra nó. Các chương trình, ngày mới chào sân chính là món ăn tinh thần cho khán giả xem truyền hình bởi sự mới lạ so với các chương trình truyền thống trước đó. Các gameshow thực tế không những đem lại thành công cho các thí sinh mà còn hâm nóng lại tên tuổi cho những ngôi sao đảm nhận vai trò giảm khảo, là nơi tìm ra những viên ngọc thô về âm nhạc, diễn xuất để có thể đào tạo họ trở thành nghệ sĩ lớn trong tương lai.
Đặc biệt, truyền hình thực tế tương tác cuộc sống của các nhân vật một cách sâu sắc và chân thực hơn những chương trình truyền thống khác, mang lại cho người xem sự thích thú và đáp ứng được thị hiếu tò mò của người xem, nhất là những chương trình có nghệ sĩ nổi tiếng tham dự. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình thực tế mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các nhà sản xất thông qua các khoản tài trợ, doanh thu từ quảng cáo.
Thời tới cản không nổi, gameshow với đủ thể loại từ hẹn hò, âm nhạc, sân khấu, trí tuệ… từng khuynh đảo sóng truyền hình với những cái tên đình đám, tên gọi "tây" như Vietnam Idol, X-Factor, Vietnam Next Top Model, 5 vòng vàng kỳ ảo, Tường lửa, Trẻ em luôn đúng, Biệt tài tý hon, Thank God You're Here…
Gameshow thực tế còn tác động nhận thức khán giả, khi xem các chương trình, công chúng có cơ hội thể hiện các ý kiến và quan điểm của mình dựa trên những tình huống thực tế xảy ra trên truyền hình. Khán giả cũng tự phát huy kiến thức của mình để nhận xét, bình luận về chương trình một cách khách quan và rõ ràng dựa trên thực tế cuộc sống. Nhiều khán giả sẵn sàng tiếp thu những cái mới và loại bỏ những cái cũ không hợp với thời đại để nâng cao vốn hiểu biết cho cá nhân.
Còn nhớ, ngay sau chương trình truyền hình thực tế Bước nhảy Hoàn vũ mùa đầu tiên xuất hiện, cả nước dấy lên phong trào dance sport (khiêu vũ thể thao). Khi Bước nhảy Hoàn vũ chưa xuất hiện, không có mấy người biết đến khái niệm dance sport, nhưng không lâu sau khiêu vũ thể thao đã trở thành môn thể thao yêu thích của nhiều người. Hay bolero, qua nhiều chương trình trên truyền hình, dòng nhạc xưa này bỗng được đánh thức và trở nên thịnh hành với khán giả.
Vì sao mất điểm, khán giả quay lưng?
Quá nhiều chương trình nên hệ quả tất yếu, khán giả bị bội thực trước truyền hình thực tế. Và cũng vì mọc lên như nấm sau mưa, gameshow bị bão hòa, dần lộ rõ sự nhảm, nhạt.
Chẳng hạn Running Man Vietnam mùa 2 vừa trở lại, khán giả đã la ó vì ca sĩ Jack vướng bê bối bỏ rơi con khi mới lọt lòng vẫn được chọn tham gia cùng Trường Giang, Ninh Dương Lan Ngọc, Thúy Ngân… Chưa kể, chương trình này bị dàn trải bởi nhiều tình tiết được cho là thừa thãi, nhàm chán. Các trò chơi Running Man Vietnam mùa 2 được khán giả đánh giá là không có gì đặc sắc, mới mẻ. Mới qua một mùa lên sóng và trở lại, Running Man Vietnam không còn giữ được sự gay cấn và kịch tính như lần chào sân.
Khán giả không ít lần "ngao ngán" khi bật tivi lên là thấy những gương mặt nghệ sĩ tham gia gameshow như Trấn Thành, Trường Giang, Hari Won… Các chương trình về kiến thức thì đáp án sai hoặc câu hỏi không đúng, gameshow hẹn hò thì thí sinh nam có lúc như ông hoàng bởi thích chọn ai thì chọn, nam thanh nữ tú hôn nhau ngấu nghiến ngay trên sóng truyền hình. Với gameshow tuyển chọn người mẫu, nhiều lần khán giả thấy các thí sinh và cả nghệ sĩ làm giám khảo buông lời cạnh khóe, chửi mắng, thậm chí lao vào nhau để... ăn thua.
Nhiều chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc nhí lại để các em nhỏ hát nhạc người lớn với những bản tình ca ủy mị, yêu đương. Sau ánh hào quang từng tạo cơ hội cho diễn viên Lê Giang bêu riếu chồng cũ là danh hài Duy Phương. Hoặc chương trình Người ấy là ai thì nhân vật nam tham gia giới thiệu mình đang độc thân đã bị khán giả tố cáo là giả dối vì vẫn khoe ảnh chụp chung với bạn gái trên Facebook. Còn chương trình Hành lý tình yêu khuyến khích diễn viên Michiyo Phạm Ngà nỉ non về sự non kém tình dục của các quý ông.
Nhìn một cách tổng thể, các chương trình truyền hình thực tế hiện nay vẫn còn sống dựa vào scandal của nghệ sĩ trong vai trò thí sinh hoặc khách mời, giám khảo là chủ yếu, chưa thực sự mang tính sáng tạo, vẫn còn mang tính nửa mùa, thiếu chuyên nghiệp. Đa số gameshow thực tế ở ta chỉ mang tính giải trí và quảng cáo cho nhà tài trợ, chưa mang đúng ý nghĩa theo phiên bản gốc của các quốc gia đã tạo ra nó.
Ở các nước, ngoài tiêu chí giải trí - quảng cáo - thương mại, những chương trình truyền hình thực tế hay gameshow còn là nơi phát hiện nhân tài đúng nghĩa. Trường hợp Carrie Underwood, Kelly Clarkson của American Idol, Susan Boyle sau Britain’s Got Talent là những điển hình.
Tại Việt Nam, dường như yếu tố giải trí được coi trọng hơn nên một số phương tiện truyền thông thường quan tâm đến những hiện tượng "giật gân - scandal" nhiều hơn những bình luận chính thống. Từ những yếu tố nặng phần giải trí ấy, có thể vì thế người ta sẽ dễ dãi với những giá trị nghệ thuật đích thực.
Truyền thông thế nào để không gây hiệu ứng ngược?
Bên cạnh chất lượng ngày một nhàm chán, nhiều người cho rằng việc truyền thông quá mức các chương trình truyền hình thực tế làm cho mảng giải trí này vừa xấu xí, vừa được biết đến nhiều hơn vì đánh vào sự tò mò, thị hiếu của công chúng. Đôi khi việc truyền thông một chương trình người ta không quan tâm đến chất lượng, nội dung và các giá trị nghệ thuật mà lại khai thác ở một khía cạnh liên quan.
Chẳng hạn khi nhà sản xuất hay thí sinh tạo scandal, đưa ra những tin đồn, những chiêu trò rẻ tiền thì những thông tin này lại xoáy sâu, đưa tràn lan. Vô hình chung tuyên truyền theo khía cạnh này trở thành con dao hai lưỡi, người xem tìm tới chương trình rồi nhanh chóng tẩy chay, hoặc cố theo dõi đến cùng scandal, tin đồn về chương trình đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, một khi dứt khoát không truyền thông, khai thác về những chuyện vặt vãnh, scandal, những chuyện bên lề nhảm nhí của gameshow thì những nhà sản xuất phải chỉnh đốn lại bản thân họ, vì lúc này khán giả đã tự bỏ họ mà đi. Nếu nhà sản xuất không tự thay đổi để nâng cao chất lượng, chính họ sẽ tự tay giết chết chương trình của mình.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà