Hà Nội

Truyền hình thực tế hay... phi thực tế?

20-07-2012 14:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sức nóng của truyền hình thực tế (THTT) mạnh mẽ đến nỗi chưa một chương trình nào “chết yểu” ngay từ mùa giải đầu tiên, cho dù đó là một thể nghiệm “dở” nhất.

(SKDS) - Sức nóng của truyền hình thực tế (THTT) mạnh mẽ đến nỗi chưa một chương trình nào “chết yểu” ngay từ mùa giải đầu tiên, cho dù đó là một thể nghiệm “dở” nhất. Mỗi khi một chương trình THTT nào đó kết thúc, khán giả lại nghe thấy lời chào và hẹn gặp lại tại mùa giải năm sau. Điều này cho thấy những người làm THTT đang thực sự “phất lên” ở thời điểm này. Nhưng, đó chưa phải là tất cả...

Từ chuyện “bếp núc” không khéo

THTT tại Việt Nam mới chỉ là một thương hiệu trẻ nên chưa thể đem ra so sánh với thị trường quốc tế, tuy nhiên, sức hút từ phía công chúng là điểm cộng xứng đáng dành cho “món ăn” mới của làng truyền hình.

Bỏ qua những “thị phi” thường thấy ở mỗi show THTT tại Việt Nam, vấn đề đáng quan tâm nhất chính là “hạt sạn” khổng lồ do chính người đảm nhận công việc “bếp núc” truyền hình tạo nên. Xét ở góc độ chuyên môn, THTT giống như một sân khấu kịch sống động. Giai đoạn cao trào nhất và cũng là cảnh diễn kết thúc vở kịch luôn là bí mật đối với khán giả và nó chỉ được bật mí khi bức màn sân khấu cuối cùng được vén lên.
 
Vấn đề bất cập mà một số chương trình THTT hiện nay đều gặp phải chính là, khán giả có thể nhìn xuyên thấu màn kết ngay từ khi chương trình bắt đầu. Nói cách khác, biết trước kết quả không phải là điều khán giả mong đợi ở THTT.
 Một cảnh quay chương trình truyền hình thực tế.

Mới đây nhất, đêm chung kết của chương trình Tìm kiếm tài năng Việt, nỗ lực tạo nên khoảnh khắc hồi hộp đến bất ngờ của những người làm công tác “hậu cần” đã đổ vỡ tan tành. Top 4 tiết mục xuất sắc nhất đáng lẽ phải được giữ kín đến tận giờ G thì họ lại “nhanh nhảu” đi làm những đoạn phỏng vấn ngắn về các thí sinh. Theo dõi những đoạn phỏng vấn đó, khán giả có thể suy luận, dường như kết quả được biết trước rồi và tất cả những tiết mục trong đêm chung kết được truyền sóng trực tiếp chỉ là diễn lại mà thôi.

Trước đó, show THTT Vietnam’s Next Top Model cũng là nạn nhân của những người “làm bếp” vụng về. Chương trình này thể hiện độ chuyên nghiệp của mình bằng tiết mục độc đáo: êkíp chụp hình và người mẫu thực hiện những màn photoshoot “sống” ngay trên sân khấu. Và chỉ vài phút sau, “sản phẩm” đã được chiếu ngay trên màn hình lớn để khán giả theo dõi.
 
Tuy nhiên, màn trình diễn đã được dàn dựng từ trước này không thể “lòe” được những khán giả tinh mắt. Họ dễ dàng phát hiện ra những điểm không tương đồng giữa pha trình diễn “sống” và “sản phẩm” trên màn hình. Nhiều sự không trùng khớp đến mức lộ liễu đã bị khán giả “chỉ điểm” rõ ràng. Cuối cùng, những người làm chương trình này đã rơi vào tình huống không thể “cãi” được.

Đến... mất hứng và mất thương hiệu

Được gắn mác show THTT nên yếu tố thực tế phải được khai thác triệt để, điều này tạo nên sức hút cho khán giả. Ngay cả khi những tình huống thực tế đến mức ngô nghê hay nực cười lại chính là sức hút mạnh mẽ nhất. Phần lớn các show THTT đều thực hiện tốt ở màn khởi động và tạo nên những giây phút thư giãn cực kỳ sảng khoái dành cho khán giả.
 
Tuy nhiên, đến giai đoạn giữa và cuối thì các show này tỏ ra “đuối sức”, kết quả là những yếu tố phi thực tế làm khán giả... mất hứng! Dàn dựng, cắt xén hay rò rỉ kết quả là những điều tối kỵ trong mảng THTT. Đã có nhiều “tấm gương” bị phạt nặng do cố tình để lộ kết quả của màn kết quan trọng gây ra hệ lụy đáng tiếc: bị khán giả tẩy chay. Và tất nhiên, những chương trình vướng phải sự cố này đã tự đánh mất thương hiệu của chính mình.

Yếu tố thực tế được xem là chất liệu quý vì mọi thứ đều rất tự nhiên, sống động. Nhưng công việc “bếp núc” không khéo của một số show THTT đã gây ra sự hiểu nhầm với khán giả. Chính lúc này, người trong cuộc cần khẳng định sự chuyên nghiệp của mình trước khi một show THTT nào đó khai màn.                     

Hoàng Phong

Ý kiến của bạn