Hà Nội

Truyền hình thực tế: Có nhất thiết phải “làm màu” như thế?

31-08-2014 07:50 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đời tư của thí sinh có nhất thiết phải “làm màu” như thế và sự hấp dẫn của truyền hình thực tế có nhất thiết phải chạm vào nỗi đau như thế

Có lẽ ấn tượng nhất trong đêm liveshow 2 của Chương trình X-Factor – Nhân tố bí ẩn vừa qua là màn trình diễn của thí sinh Chí Thành. Ca khúc Cây vĩ cầm được minh họa bằng màn video quay hình ảnh Chí Thành đứng trước vong linh người cha mới qua đời. Câu chuyện khiến không ít người cảm động nhưng tôi chợt nghĩ, đời tư của thí sinh trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc có nhất thiết phải “làm màu” như thế và sự hấp dẫn của một chương trình có nhất thiết phải chạm vào nỗi đau như thế?!

Câu chuyện từ X-Factor – Nhân tố bí ẩn

Chí Thành đã có phần trình diễn đầy cảm xúc trong Cây vĩ cầm. Giám khảo Đàm Vĩnh Hưng nhận xét đại ý rằng, cảm xúc của Chí Thành đong đầy trong từng câu hát và gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Giám khảo Hồ Ngọc Hà mắt rơm rớm chia sẻ rằng, cô rất khâm phục Chí Thành, dù còn nhỏ tuổi, lại trải qua sự đau buồn nhưng rất vững chãi và sâu sắc trên sân khấu. Phải thừa nhận rằng Chí Thành sở hữu chất giọng đẹp, lạ, tiết mục Cây vĩ cầm là sự “khôn khéo” của nhà tổ chức khi chương trình phát sóng đúng vào dịp lễ Vu lan. Mặc dù giám khảo dành không ít lời khen tặng cho Chí Thành và MC Nguyên Khang cũng không ngớt lời nói về ý nghĩa của tiết mục Cây vĩ cầm nhưng rốt cuộc thì Chí Thành cũng phải dừng cuộc chơi ở hạng mục nam dưới 25 tuổi khi số lượng tin nhắn bình chọn đứng sau Loki Bảo Long, Tích Kỳ, Quang Đại và Phạm Đình Thái Ngân... Tôi cho rằng khán giả đã có sự lựa chọn sáng suốt khi không bị “hoa mắt” bởi câu chuyện mà Chí Thành đã kể. Chí Thành thất bại không phải vì anh hát không hay, mà có lẽ câu chuyện đời tư của chính anh đã bị khai thác một cách thái quá, gây phản cảm.

Dù đã đi hơn nửa chặng đường và rất chú trọng “làm nóng” chương trình bằng cách khai thác đời tư của thí sinh nhưng dường như X-Factor vẫn không đủ sức hút khán giả vào mỗi tối chủ nhật hàng tuần. Đơn giản thôi, khán giả đã không còn hào hứng với những chiêu trò và sự “quan tâm” đến đời tư cá nhân quá mức cần thiết. Còn nhớ, Lê Tích Kỳ - chàng trai 17 tuổi từng phải thốt lên “Tôi không muốn bị thương hại” sau khi phần thi của anh trong tập 1 Nhân tố bí ẩn được phát sóng. Một điều nghịch lý là dù được Ban Giám khảo đánh giá là có giọng hát lạ, cảm xúc và có chiều sâu nhưng người xem lại nhớ đến video nói về cuộc sống cơ cực khiến Kỳ phải bỏ học từ nhỏ, trông xe đạp ở một trường cấp ba kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Đặc biệt, Ban Tổ chức còn đích thân tìm đến nhà, mời bà ngoại của Kỳ lên sân khấu khi phần thi của anh kết thúc. Trước khi thí sinh Trần Quang Đại trình bày ca khúc Về đâu mái tóc người thường, nhà sản xuất của Nhân tố bí ẩn cũng “đầu tư” một video nói về sự bươn chải kiếm sống trên thành phố của anh. Dù vất vả, khó khăn nhưng anh vẫn sống với niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng.

“Mồi ngon” để hâm nóng chương trình

Sự thành công của Việt Nam Idol 2013 không thể không nhắc đến “hiện tượng” ca sĩ chuyển giới Hương Giang. Có thể nói rằng chính đời tư của Hương Giang chứ không phải giọng hát “thường thường bậc trung” của cô đã “cứu” một mùa Việt Nam Idol khan hiếm về tài năng. Cũng vì thiếu những nhân tố đặc biệt như Hương Giang nên mùa Idol 2014 không mấy khởi sắc dù nhà sản xuất đã rất cố gắng khai thác đời tư của top 3 chung cuộc như Đông Hùng có hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn và anh mong muốn giành giải thưởng cao nhất để giúp đỡ gia đình, Minh Thùy “lộ” thông tin đã có chồng... Trong những chương trình về thời trang như Việt Nam Next Top Model hay Project Runway thì vấn đề giới tính của các thí sinh luôn được coi là yếu tố quan trọng để hâm nóng chương trình. Sự xuất hiện của dàn mẫu chuyển giới trong vòng casting của Việt Nam Next Top Model năm ngoái đã khiến chương trình tạo nên những “cơn sốt” trên các trang mạng sau khi lên sóng. Chuyện tình cảm đồng giới của Quán quân Project Runway 2014 Lý Giám Tiền thậm chí còn được quan tâm hơn cả giải thưởng mà anh có được. Tất nhiên, đây là “miếng mồi ngon” mà không nhà sản xuất nào “nỡ” từ chối. Tương tự như vậy, những vấn đề riêng tư về gia đình, cuộc sống, tình cảm của các thí sinh tham gia Học viện ngôi sao hay Người giấu mặt cũng luôn là vấn đề được các nhà sản xuất quan tâm hàng đầu.

Đời tư của các thí sinh nhí cũng là “mồi” ngon cho những nhà sản xuất truyền hình thực tế. Trong ảnh: Thí sinh khiếm thị Ngọc Anh trên sân khấu Giọng hát Việt nhí 2014.

Đời tư của các thí sinh nhí cũng là “mồi” ngon cho những nhà sản xuất truyền hình thực tế. Trong ảnh: Thí sinh khiếm thị Ngọc Anh trên sân khấu Giọng hát Việt nhí 2014.

Một điều cũng rất đáng bàn là truyền hình thực tế cho trẻ em đang nở rộ và để “câu khách”, các nhà sản xuất cũng không ngại đụng chạm đến những vấn đề rất riêng của mỗi người. Tôi luôn tự hỏi rằng, liệu những tâm hồn non trẻ của các em có bị tổn thương bởi hành động của người lớn? “Chiêu trò” để lấy nước mắt khán giả có khi nào khiến các em cảm thấy bị xúc phạm? Chương trình Giọng hát Việt nhí đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Cũng như format của Giọng hát Việt phiên bản người lớn, Giọng hát Việt nhí hấp dẫn nhất ở vòng giấu mặt. Cô bé khiếm thị Ngọc Anh (12 tuổi, đến từ TP. Hồ Chí Minh) đã được Ban Tổ chức “ưu ái” xây dựng một video clip khá dài để kể về hoàn cảnh của mình. Ngọc Anh thể hiện ca khúc Ơn nghĩa sinh thành rất “ngọt” và giàu cảm xúc nhưng có lẽ khi nghe em hát, người ta có cảm giác “thương hại” hơn là cảm giác được thưởng thức một tài năng âm nhạc nhí. Cô bé mồ côi yêu nhạc Trịnh - Lê Thanh Huyền Trân cũng được “hậu thuẫn” bằng câu chuyện xúc động trước khi xuất hiện với ca khúc Còn tuổi nào cho em. Bước ra sân khấu với mũ trùm đầu, áo dài trắng, giọng hát trong trẻo, Lê Thanh Huyền Trân gây xúc động mạnh với nhiều khán giả.

Bước nhảy hoàn vũ nhí cũng đã bước vào vòng đối đầu. Trong tập đầu tiên phát sóng, bài múa đương đại về tình cha con của Huy Nhật và Lệ Huyền được đánh giá là tiết mục xuất sắc nhất. Sự nhuần nhuyễn trong kỹ thuật và tinh tế trong cảm xúc, Huy Nhật và Lệ Huyền đã mang đến màn trình diễn hấp dẫn. Nội dung ý nghĩa trong tiết mục này đã khiến các thành viên Ban Giám khảo rơi nước mắt. Giám khảo Phan Hiển - người dàn dựng tiết mục cho Huy Nhật và Lệ Huyền bật khóc nói rằng, anh cảm thấy ân hận vì nhiều khi không quan tâm đến cha của mình. Lần này thì “miếng mồi ngon câu khách” không phải là đời tư của các thí sinh mà là của chính những vị giám khảo. Màn “diễn” của các giám khảo trên sân khấu bị đánh giá là “lố”, “quá đà”. Trước đó, trong tập 3 vòng tuyển chọn, cậu bé 11 tuổi Lê Quốc Huy với màn nhảy hip hop sôi động đã gây ấn tượng với giám khảo và khán giả. Không giống như các thí sinh khác khi trình diễn thể loại hip hop, Quốc Huy lựa chọn bộ trang phục khá “giản dị” là quần âu, áo sơ mi và gilê. Em đã thực hiện rất điêu luyện những động tác khó, đòi hỏi kỹ thuật cao và được cả ba cặp giám khảo nhấn nút lựa chọn. Tài năng của cậu bé không phải bàn cãi nhưng điều đáng quan tâm là câu chuyện về người mẹ mới mất cách ngày thi chưa đầy hai tuần của Quốc Huy là “tâm điểm” của sự chú ý. Khi được biết Quốc Huy nén nỗi đau để tham dự cuộc thi do chính mẹ mình đăng ký đã khiến các thành viên Ban Giám khảo nghẹn ngào xúc động. Cậu bé cũng chia sẻ rằng, bộ trang phục em mặc dự thi cũng được chính tay mẹ may trước khi mất nhưng lại không kịp chứng kiến màn trình diễn của con trai trên sân khấu Bước nhảy hoàn vũ nhí.

Có lẽ truyền hình thực tế là lĩnh vực đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt bởi nó trực tiếp liên quan đến doanh thu và lợi nhuận từ quảng cáo. Các nhà sản xuất luôn phải tìm cách để khẳng định sự khác biệt của chương trình trong vô vàn những chương trình truyền hình thực tế khác. Đời tư là “mồi” để các nhà sản xuất khai thác, coi đó như “gia vị” để tạo nên điều bất ngờ. Tuy nhiên, sự khai thác đời tư một cách thái quá đã đẩy chương trình đi quá giới hạn của những cuộc thi tìm kiếm tài năng. Đôi khi xem những chương trình truyền hình thực tế, người ta có cảm giác như xem chương trình kêu gọi, tìm kiếm sự thương cảm của cộng đồng với thí sinh hơn là thưởng thức, đánh giá tài năng của họ. Nhiều người đang lên tiếng về sự bùng nổ truyền hình thực tế và đặt câu hỏi vì sao những chương trình ấy không giữ được “nhiệt” như những mùa đầu. Đơn giản thôi, không phải chỉ là sự nở rộ của truyền hình thực tế mà do những nhà sản xuất đã biến những chương trình ấy đi quá giới hạn của một chương trình giải trí đúng nghĩa. 

Phạm Mạnh Tường


Ý kiến của bạn