Dù số lượng ngày càng tăng, chất lượng các chương trình truyền hình thực tế lại gần như tỷ lệ nghịch, lệch chuẩn và trái ngược với format nước ngoài.
Truyền hình thực tế (THTT) có mặt rất sớm ở Mỹ từ những năm 1940. Thuở “sơ khai”, chương trình quay lén nổi tiếng khi đó - Candid Camera - đã tạo được tiếng vang và đặt nền móng cho truyền hình thực tế phát triển. Thập niên 1970 đánh dấu sự phát triển của chương trình thực tế đầu tiên theo hướng hiện đại là An American Family, xoay quanh cuộc sống gia đình qua một cuộc ly hôn. Đến nay, THTT đã trải qua nhiều giai đoạn và số lượng các reality show trên khắp thế giới nhiều không đếm xuể. Có thể kể tới những chương trình như Master Chef, Got Talent, The Voice, Idol, X- Factor, Platinum Hit, The Sing Off, So you think you can dance?, Dancing with the stars… Sức hút của những chương trình dạng này đến từ các sự kiện, tình huống mang tính thực tế, không dàn dựng trước theo kịch bản. Vì vậy, khán giả có thể thấy những cảm xúc rất thật từ thí sinh, người nhà, quá trình tỏa sáng sau từng tuần phát sóng, hay các tình huống thú vị xảy ra ngay trong thực tế đời thường.
Chương trình "Giọng hát Việt" theo format của The Voice nhận được sự chú ý trong mùa đầu lên sóng. |
2012 - năm bùng nổ của truyền hình thực tế
Ở Việt Nam, THTT manh nha xuất hiện vào năm 2004 với chương trình Sao Mai Điểm Hẹn mùa đầu tiên cùng chiến thắng thuộc về Tùng Dương và Kasim Hoàng Vũ. 8 năm trôi qua, số lượng các chương trình thực tế được mua bản quyền về sản xuất ở Việt Nam đang ngày càng nhiều. Tính riêng trong năm 2012, khán giả Việt đã được xem THTT từ đầu năm tới cuối năm, hết chương trình này đến chương trình khác nối đuôi nhau ra đời. Tìm kiếm tài năng ca nhạc thì có Vietnam Idol, Sao Mai Điểm Hẹn 2012, Hợp ca tranh tài, Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt… Thi tài vũ đạo có Bước nhảy hoàn vũ, So you think you can dance?, người mẫu thì Vietnam Next Top Model, chương trình tranh tài ẩm thực nổi tiếng Master Chef cũng mới được khởi động gần đây.
Trong thời buổi những chương trình truyền hình trong nước đang cạn kiệt về format hấp dẫn, THTT với các dạng format nổi tiếng của nước ngoài đã trở thành một “luồng gió mới” trên màn ảnh nhỏ. Trong năm 2012, hơn chục chương trình THTT cả cũ lẫn mới đã lên sóng truyền hình, mà đa phần là các chương trình thi tài quy tụ đủ yếu tố: hài hước, tài năng, kịch tính, lôi cuốn…Lẽ dĩ nhiên, các món ăn mới thường lạ miệng, THTT cũng chẳng bao giờ lỗi thời nếu người dân còn đang muốn hưởng thụ và nhu cầu giải trí tăng cao.
Hiệu ứng của các chương trình này còn mạnh tới nỗi tạo nên một cơn sốt cho chính các thí sinh ngay khi đang tham gia tranh tài. Có thể kể tới một vài cái tên như Uyên Linh trong mùa Vietnam Idol 2010. Từng có lúc chỉ sau một phần thi, fanpage của Uyên Linh đã tăng lên hàng nghìn lượt theo dõi, lời khen ngợi của khán giả tăng lên theo cấp số nhân. Giọng hát Việt ngay từ những chặng đầu tiên đã tạo nên một cơn sốt nhờ sự mới lạ trong format và nhiều thí sinh nổi bật lên nhờ các bài “tủ”. Sau cuộc thi, Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đinh Hương, Đồng Lan... nhanh chóng nhận được sự chú ý đặc biệt từ phía dư luận.
Chất lượng bất ổn
Việc Việt hóa các chương trình THTT từ nước ngoài không phải bao giờ cũng có kết quả tốt, mà phụ thuộc nhiều vào điều kiện vật chất cũng như tư duy làm nghề của người Việt.
Qua vòng Giấu mặt được ghi hình và trau chuốt trước khi phát gây ấn tượng mạnh, đến vòng đối đầu, Giọng hát Việt lộ ra chất lượng âm thanh sân khấu kém, đặc biệt khi phát qua truyền hình, biến một vài tiết mục thành thảm họa. Chất lượng ghi hình cũng làm nhiều người cảm thấy không hài lòng vì tình trạng lúc thì cháy sáng, lúc lại quá tối. Vietnam Idol lại loay hoay tìm cách thu hút khán giả bởi những yếu tố ngoài âm nhạc, như giới tính hay gốc gác dân tộc của thí sinh. Mỗi chương trình đều trôi qua một cách nhạt nhẽo một phần vì chủ đề từng đêm thi không có nhiều mới mẻ so với Vietnam Idol 2010. Còn Vietnam’s Next Top Model sau ba mùa phát sóng đã “đuối sức” với những phần thi tẻ nhạt và mải mê quảng cáo cho các nhãn hàng tài trợ.
Vietnam Idol, Vietnam's Got Talent, Vietnam's Next Top Model hay cả Giọng hát Việt đều rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột". |
Chất lượng thí sinh của cả 3 chương trình tìm kiếm tài năng lớn này cũng chưa thật sự cao. Giọng hát Việt “khai quật” được thêm nhiều thảm họa tiếng Anh, tiếng Việt và cả tiếng Italy dù những thí sinh này đã vượt qua hàng trăm, hàng nghìn thí sinh khác ở vòng casting và Giấu mặt. Ngay cả các thí sinh đi đến chặng cuối của Giọng hát Việt cũng bộc lộ rõ điểm yếu vì sự “một màu” trong cách hát. Thí sinh của Vietnam Idol 2012 cũng tụt dốc hẳn so với mùa giải trước đó. Ngoài thí sinh chuyển giới Hương Giang có giọng hát kém nhất lại qua hết vòng này tới vòng khác, các thí sinh khác đều khá nhạt nhòa và chưa đọng lại nhiều ấn tượng. Nhưng chất lượng thí sinh Vietnam’s Next Top Model 2012 đáng thất vọng hơn cả. Quán quân Vietnam’s Next Top Model 2012 sau khi đăng quang vẫn tỏ ra khá vụng về trong cách tạo dáng chụp ảnh, 3 người dẫn đầu còn lúng túng khi đi catwalk.
Nhiều chương trình truyền hình thực tế trong năm 2012 còn sử dụng chiêu trò scandal như một hình thức câu khách, khiến nó trở nên lệch lạc và xấu xí trong mắt khán giả. Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ lùm xùm liên quan đến thí sinh hát được bảy thứ tiếng nhưng lại trình bày bằng tiếng “mẹ đẻ” trong Vietnam’s Got Talent. Bước nhảy Hoàn vũ 2012 cũng gây ra không ít tranh cãi quanh việc nữ ca sĩ Minh Hằng nhép giọng Lan Anh, nghi án mua giải hay Phương Thanh tẩy chay đơn vị sản xuất.
“Bội thu” những trò lố năm nay phải kể đến Giọng hát Việt. Mở đầu là scandal thí sinh lọt vào vòng trong nhưng vẫn tùy hứng đi thi thêm Vietnam Idol cho chắc. Sau đó là một loạt nghi án hát nhép, nảy sinh tình cảm giữa Bảo Anh và huấn luyện viên Trần Lập, phát ngôn gây sốc… Và đỉnh điểm, bê bối dàn xếp kết quả của Giọng hát Việt đã làm chấn động dư luận.
Hệ quả đằng sau scandal có thể là chương trình được quan tâm hơn, nhưng sức hút cũng trôi tuột đi rất nhanh do đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ và bản thân chương trình cũng bộc lộ rõ sự yếu kém. Thực tế, các chương trình THTT ở Anh và Mỹ đã bỏ cách PR kém văn minh này từ lâu thì Việt Nam lại đang trong tình trạng "lạm dụng" scandal.
Khán giả là yếu tố quyết định
Nhiệm vụ chính của các chương trình tìm kiếm tài năng có thể gọi nôm na là “mua vui”, giải trí cho khán giả và cũng chẳng hy vọng gì nhiều ở các tên tuổi thành danh sau những cuộc thi kiểu này.
Giọng hát Việt từng hứng chịu làn sóng phản đối và tẩy chay mạnh mẽ sau buổi họp báo lộn xộn, tỏ ra thiếu tôn trọng giới truyền thông. Rocker Trần Lập lên tiếng: “Hãy để yên cho chúng tôi làm việc của mình” và cho rằng êkíp làm chương trình đang bị khán giả “khủng bố”.
Khán giả trẻ thích thú với sự mới lạ trong cuộc thi Giọng hát Việt, nhưng càng về cuối, chương trình càng trở nên nhạt nhòa và mất dần sự quan tâm. |
Xét cho cùng, khán giả mới là những người quyền năng nhất khi quyết định vận mệnh của bất kỳ chương trình truyền hình nào. Giữa vô vàn định dạng, format THTT như hiện nay, họ càng được thoải mái lựa chọn những chương trình chỉn chu, trau chuốt, tôn trọng khán giả.
Theo Xuân Huy (VnExpress)