Truyền dịch sai trong sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?

28-09-2023 11:15 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Những ngày đầy, sốt xuất huyết sẽ khiến bệnh nhân bị mất nước và điện giải, do đó cần bù dịch. Tuy nhiên, bù dịch như thế nào là đúng, nếu bù dịch sai sẽ gây nguy hiểm như thế nào?

1. Vì sao khi sốt xuất huyết cần phải bù dịch?

Khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân bị thiếu nước và điện giải do hiện tượng tăng tính thấm thành mạch, dẫn đến hiện tượng thoát dịch ra gian bào. Do đó, bệnh nhân sốt xuất huyết cần được bù đủ một lượng dịch cần thiết.

PGS.TS.BS. Trần Thanh Tú – Giám đốc Trung tâm Quốc tế Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: Trong vòng 1-3 ngày đầu mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ sốt rất cao. Trong quá trình sốt, mỗi lần hạ sốt sẽ vã mồ hôi, trong dịch mồ hôi bao gồm cả nước và điện giải sẽ khiến bệnh nhân mất đi cả 2 loại chất này trong cơ thể. Ngoài ra, bản thân sốt cao đã làm cho máu cô đặc, tăng hematocrit sẽ khiến khả năng chuyển tải oxy đến các cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như não sẽ kém. Đó chính là một trong những lý do mà khi mắc sốt xuất huyết chúng ta thường thấy đau đầu, đau người dữ dội. Vì thế giai đoạn này bệnh nhân cần được bù nước và điện giải.

Truyền dịch trong sốt xuất huyết sai, gây hại gì? - Ảnh 1.

Cách điều trị và chăm sóc khi bị sốt xuất huyết.

2. Bù dịch như thế nào là đúng?

PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú cho biết, ở giai đoạn 1 (tức là từ 1-3 ngày đầu bị sốt xuất huyết), chúng ta nên cố gắng bù nước và điện giải qua đường uống, bằng oresol pha đúng tiêu chuẩn. Đối với những trường hợp sốt cao quá liên tục, không hạ sốt, sẽ khiến máu có nguy cơ cô đặc, cùng với tình trạng bệnh nhân bị nôn, uống kém… thì có thể hỗ trợ bổ sung nước, điện giải qua đường truyền.

Tuy nhiên, lượng dịch truyền không phải như nhau đối với tất cả bệnh nhân, mà phải dựa trên từng bệnh nhân bác sĩ mới có chỉ định cụ thể. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân có biểu hiện sốc, tụt huyết áp thì cần bù lượng dịch là 15ml/kg/1giờ, sau đó giảm dần. Trong trường hợp bệnh nhân không có sốc, chỉ cần truyền đều đặn 1-2 lít dịch mỗi ngày. 

Trong quá trình truyền dịch, nhân viên y tế cần phải theo dõi, kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh, chẳng hạn như huyết áp, tim mạch, hô hấp. Do đó, bệnh nhân không được tự ý mua dịch về nhà truyền, mà phải thực hiện truyền dịch tại trung tâm y tế, do bác sĩ chỉ định.

Đến giai đoạn 2, tức là đến ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của sốt xuất huyết, là những ngày có nguy cơ rất cao xảy ra các biến chứng. Lúc này bệnh nhân cần được kiểm soát rất kỹ, bởi đây là giai đoạn nguy hiểm, tiểu cầu giảm mạnh gây ra xuất huyết (ví dụ như xuất huyết ngoài da, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết niêm mạc)...

Nếu nhận thấy bệnh nhân vẫn có tình trạng thoát dịch, mất nước nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch với liều lượng và chủng loại phù hợp với từng bệnh nhân.

3. Truyền dịch sai gây hại gì?

Như đã phân tích ở trên, việc bổ sung dịch qua đường uống hoặc đường truyền phải tùy theo từng giai đoạn, từng bệnh nhân. Việc thực hiện truyền dịch sai đã gây ra những biến chứng đáng tiếc ở không ít bệnh nhân, thậm chí là đã có ghi nhận các ca tử vong do tự ý truyền dịch tại nhà.

Theo PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú, đến giai đoạn hồi phục (là giai đoạn dịch từ khoang gian bào đổ vào trong lòng mạch), nếu bổ sung thêm dịch, đặc biệt là qua đường truyền thì sẽ gây quá tải, thoát mạch dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như gây phù, thậm chí là phù phổi cấp, suy tim… đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Truyền dịch trong sốt xuất huyết sai, gây hại gì? - Ảnh 3.

Không nên lạm dụng dịch truyền trong sốt xuất huyết.

Trên thực tế lâm sàng, khi vào dịch sốt xuất huyết, tại các bệnh viện thường quá tải bệnh nhân. Hơn nữa, hầu hết các ca sốt xuất huyết không nguy hiểm thì được điều trị tại nhà, chỉ cần theo dõi và thực hiện phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt… thì chỉ sau 7-10 ngày là bệnh nhân sẽ dần hồi phục.

Nhiều người thấy triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, rã rời, ăn uống kém… cùng với tâm lý hoang mang, lo lắng nên nghĩ đến việc gọi y tá truyền dịch tại nhà. Việc làm này rất nguy hiểm, bởi ngoài việc thực hiện dịch truyền sai giai đoạn, mà còn có nguy cơ sốc do truyền dịch. Khi đã có biểu hiện sốc, rất khó để có thể cứu sống bệnh nhân, bởi tại nhà không có đủ phương tiện, thuốc cấp cứu.

Đối với những trường hợp sốt xuất huyết cần phải nhập viện theo dõi, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng sẽ chỉ định truyền dịch. Trường hợp cần truyền, tốc độ truyền dịch cũng cần điều chỉnh khác nhau tùy theo trường hợp, từng lúc khác nhau.

Trong những ngày đầu khởi phát bệnh nên bổ sung nước và điện giải qua đường uống là tốt nhất nếu bệnh nhân vẫn còn ăn uống được.

Truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết phải theo đúng phác đồ. Người bệnh không được tự ý truyền nước, truyền đạm...

Chỉ truyền dịch khi bệnh nhân ăn uống kém, nôn ói nhiều gây mất dịch và điện giải nghiêm trọng, dẫn đến hạ huyết áp, có biểu hiện cô đặc máu trên cận lâm sàng, tăng hematocrit...

Mời độc giả xem thêm video:

Sốt xuất huyết - Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng

Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn