Hà Nội

Truyền dịch: Lợi bất cập hại!

03-10-2017 15:15 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Truyền dịch là một phương pháp điều trị chứ dịch truyền không đơn thuần là một thứ “hiền” như nhiều người lầm tưởng.

Nó vẫn gây ra phản ứng phản vệ cho cơ thể khi truyền dịch. nó không có tác dụng làm mát cơ thể, bồi dưỡng cơ thể và càng không có tác dụng thay thế các bữa ăn.

Những người đòi hỏi được truyền dịch chỉ hiểu một cách sơ sài rằng dịch truyền là chất “bổ”, nên cứ hễ thấy mệt là muốn bổ sung. Họ không biết rằng, các loại dịch truyền đều là thuốc nhưng dưới dạng đặc biệt, nó chỉ được dùng khi có chỉ định điều trị như bị tiêu chảy bị mất nước hay thiếu các vi chất cần thiết. Có rất nhiều bệnh tuyệt đối không được truyền dịch, như bệnh tim chẳng hạn. Thế nhưng, thời gian qua đã có rất nhiều trường hợp các phòng khám bệnh tư nhân do muốn tạo uy tín để thu hút khách hàng và trên tất cả là đáp ứng yêu cầu của người bệnh khi đến khám nên đã bất chấp sự nguy hiểm và bỏ qua chuyên môn nghiệp vụ, họ đã ồ ạt tổ chức truyền dịch. Đến nay, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh rằng truyền dịch là bổ dưỡng, thay thế cho bữa ăn thông thường và nhất là truyền dịch cho trẻ bị sốt để làm hạ nhiệt, thế nhưng trong cộng đồng dân cư đã có một luồng thông tin cho rằng truyền dịch sẽ giúp khỏe hơn, giúp người suy kiệt trở nên mạnh khỏe, nhất là khi trẻ con bị sốt thì phải truyền dịch mới tốt.

Truyền dịch: Lợi bất cập hại!

Khi được hỏi về việc tại sao thích truyền dịch thì một số người bệnh và thân nhân người bệnh đều trả lời là truyền dịch để “làm mát, giải độc” cho cơ thể, truyền dịch để “bồi dưỡng cơ thể” và nguy hiểm nhất là họ cho rằng truyền dịch “không có hại gì”. Hiện nay, các loại dịch truyền thường được các “thầy thuốc” truyền theo yêu cầu, chủ yếu là dung dịch đường muối và dung dịch tổng hợp chất điện giải như Glucose 5%, 10%, Lactate Ringer...

Chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh rằng truyền dịch là bổ dưỡng, thay thế cho bữa ăn thông thường

Với tỉ lệ 5g đường/100ml dung dịch thì việc truyền cho một chai Glucose 5% cũng chỉ tương đương với việc uống 1 muỗng đường hoặc khi truyền một chai dung dịch NaCl 0,9% tương đương uống một chén nước canh; hay truyền một chai Lactate Ringer chưa bằng uống một gói oresol pha với một lít nước đun sôi để nguội. Tuy nhiên, với các loại dung dịch này sẽ được truyền khi người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy vì khi đó cơ thể sẽ không hấp thu được các chất điện giải qua đường ăn uống. Do đó, trong trường hợp không có các biểu hiện trên mà vẫn còn có thể ăn được thì việc bồi dưỡng qua đường ăn uống là tốt nhất vì vừa đơn giản, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả hơn nhiều bởi việc truyền dịch chẳng những không có tác dụng gì mà còn “làm khổ”  người bệnh hơn thế nữa nó còn có thể gây nên những tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể như: sốc dịch truyền, lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như viêm gan, thậm chí, nếu được truyền dịch ở nơi không có điều kiện cấp cứu sẽ không được xử lý kịp thời khi sốc xảy ra có thể gây tử vong.

Nguy hiểm hơn, đã có những trường hợp bị sốt, ho, ăn uống kém rồi truyền dịch ở “bên ngoài” nhưng không giảm bệnh cho đến khi tới bệnh viện thì phát hiện các bệnh như: viêm phổi, viêm não, viêm màng não mà những bệnh này không có chỉ định truyền dịch cho nên sau khi truyền dịch có thể làm tăng áp lực nội sọ và phù não rất nguy hiểm  đến tính mạng. Do đó, việc truyền dịch “bên ngoài” là việc làm lợi bất cập hại vì không được xem xét kỹ về chuyên môn mà hầu hết các “thầy thuốc” làm theo yêu cầu của người bệnh.


BS. HỒ VĂN CƯNG
Ý kiến của bạn