Truyện cổ Mông

18-07-2009 08:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đến Mường Lò (Nghĩa Lộ - thuộc Yên Bái), tôi được biết có cụ Là Văn Biến, trước đây dạy chữ phổ thông, nay có tuổi lại bỏ tâm sức ra dạy chữ Thái cổ cho thế hệ trẻ. Sáng kiến cá nhân này nhằm bảo tồn kho tàng văn hóa dân gian Thái. Thật đáng quý!

Đến Mường Lò (Nghĩa Lộ - thuộc Yên Bái), tôi được biết có cụ Là Văn Biến, trước đây dạy chữ phổ thông, nay có tuổi lại bỏ tâm sức ra dạy chữ Thái cổ cho thế hệ trẻ. Sáng kiến cá nhân này nhằm bảo tồn kho tàng văn hóa dân gian Thái. Thật đáng quý!

Ông Hà Lâm Kỳ, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa thông tin và du lịch Yên Bái, cũng là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giới thiệu cho tôi một tấm gương thứ hai: ông Minh Khương. Ông Khương gốc Hải Dương, mất khi ngoài 80 tuổi, đã để lại những công trình nghiên cứu văn hóa Mông rất nghiêm túc vì ông thạo chữ Mông. Theo anh Kỳ, Minh Khương làm chủ tịch một xã ở Yên Bái thời kỳ đầu Cách mạng Tháng Tám, rồi làm Chánh văn phòng huyện ủy, giảng viên Trường chính trị Khu, suốt đời nghiên cứu văn hóa dân gian Mông Tây Bắc. Trong cuốn Minh Khương và tác phẩm sưu tầm, dịch, nghiên cứu văn hóa Mông (Mai Lâm Kỳ giới thiệu và tuyển chọn – 2007), tôi thích nhất phần truyện cổ. Khoảng hai chục truyện được ghi lại qua lời kể sinh động của chính người Mông, truyện nào cũng ghi rõ tên và địa chỉ người kể.

Người Mông hái chè ở Suối Giàng, Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái. 

Các truyện cổ đã phác họa thân phận và tính cách người Mông, phong tục tập quán độc đáo của họ. Một dân tộc yêu tự do, thích độc lập, đầu đội trời chân đạp đá. Luôn ở cách biệt tít trên cao hơn nghìn thước, gian khổ, chịu đựng đói rét, trồng trọt trong từng hốc đá. Vậy mà tính cách mạnh mẽ, kiên trì, sống hòa với rừng núi thiên nhiên khắc nghiệt và hùng vĩ. Biết yêu cái đẹp, thể hiện qua trang phục, tiếng khèn, câu hát, điệu múa, thích đi đây đi đó. Mỗi truyện kể là một cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, cái thiện trong một xã hội thiếu bình đẳng, đàn áp con người. Nhân vật chính diện ngoài người anh hùng, thường là người mồ côi, con riêng của chồng, của mẹ kế, vượt lên đau khổ mà tìm hạnh phúc. Cái thiện cuối cùng thắng cái ác, có khi không bằng vũ lực mà bằng sự thuyết phục qua lời nói và việc làm khoan dung độ lượng. Tính nhân văn còn thể hiện qua tình yêu đồng loại: diệt thú dữ bảo vệ xóm làng, chữa bệnh cứu nhân độ thế, chống ngoại xâm bảo vệ dân lành. Người phụ nữ có tình yêu nồng nhiệt và chung thủy. Cũng như tất cả các truyện dân gian của mọi dân tộc trên thế giới, như Truyện cổ Grim của Đức, Perrault của Pháp, Andersen của Đan Mạch... cái thiện bao giờ cũng thắng. Người Mông cho rằng sống thiện thì chết lành, được đổi kiếp đầu thai làm người vào nhà khá giả. Sống ác, chết sẽ thành con thú rừng. Sống thiện thì chết lên trời với tổ tiên. Sống ác thì xuống âm phủ với ma quỷ, rắn rết. Sống ác thì nạn nhân chết sẽ đầu thai vào nhà mình, gây tai ương, báo thù, đòi nợ máu. Tín ngưỡng ấy là cơ sở cho mọi quan hệ xã hội được tốt đẹp.

Những đêm lễ Tết hoặc ngày mưa không đi rừng đi nương được, người già thường tổ chức kể chuyện cho bà con trong họ ngoài bản nghe. Rất đông người đến say sưa nghe để còn truyền lại cho con cháu.

Xin tóm tắt vài truyện điển hình: Truyện Nàng Nu điển hình cho người mồ côi hiền lành bị vua quan áp bức được tiên giúp mà thắng số phận. Chàng Mồ côi được vị tiên Dừ Nhông cho con gái xuống trần giúp xây dựng nhà cửa, khai thác ruộng nương. Tên vua gian ác dâm ô muốn chiếm nàng, nàng hóa phép giết hắn. Mồ côi lên ngôi. Đến khi Nàng Nu hết hạn ở cõi người phải về trời (cõi người và cõi trời chỉ cách nhau một cái thang). Nàng Nu có thai, dặn lại nếu sinh con trai thì sẽ trở lại. Con trai sinh ra được thả xuống trần và làm con nuôi người Hán. Lớn lên, nó kiên quyết lên trời tìm mẹ. Qua muôn vàn khó khăn, hai mẹ con về được cõi người, sống hạnh phúc với Mồ côi đã là một vị vua già vì mòn mỏi đợi vợ về.

Truyện Chúa Thênh và A Sở điển hình cho sự tích người anh tham lam bắt nạt em hiền lành, cuối cùng em hạnh phúc, còn anh thì khổ sở. Có thể coi như một dị bản truyện Cây khế của ta. A Sở bị anh là Chúa Thênh áp bức bóc lột quá, bỏ nhà ra đi cùng một con cáo chàng bắt được, thương mà không giết. A Sở cho cáo làm trò, múa khèn và hát nên kiếm được nhiều tiền. Người anh tham lam, mượn cáo đi làm trò, nhưng vì để cáo đói rét, nó không làm trò được. Anh tức giận, đánh chết cáo. Nhưng từ cái sọ cáo, A Sở làm thành cái gáo, cái gáo thành cái lược, cái lược thành lưỡi câu. Vật nào cũng đem lại của cải cho chàng. Người anh tham lam lại mượn các vật ấy để làm giàu nhưng đều thất bại. Cuối cùng, A Sở chữa khỏi bệnh cho Long vương ở dưới nước và được lấy công chúa. Chàng dùng viên đá ngọc đi chữa bệnh cho dân chúng...

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn