Truyền 10 lọ huyết thanh cứu người đàn ông bị rắn hổ chúa cắn

28-06-2023 22:26 | Y tế
google news

SKĐS - Chiều 28/6, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân nam, 30 tuổi, nhập viện trong tình trạng nhiễm độc thần kinh nặng do bị rắn cắn.

Người đàn ông được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cùng con rắn nặng khoảng 2kg. Chỉ sau nửa tiếng bị rắn cắn, nạn nhân bị sụp mí, mờ mắt, suy hô hấp.

Truyền 10 lọ huyết thanh cứu người đàn ông bị rắn hổ chúa cắn - Ảnh 1.

Con rắn hổ chúa khoảng 2kg đã cắn người đàn ông ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước đó, sáng 26/6, nam bệnh nhân 30 tuổi (ngụ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được tuyến dưới chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán là bị rắn hổ chúa cắn, nhiễm độc thần kinh nặng. Lúc này, người bệnh sụp mi, sức cơ tứ chi yếu 0/5, bóp bóng nội khí quản, vết rắn cắn ở cổ tay trái.

Người nhà bệnh nhân cho hay, khoảng 9 giờ sáng 26/6, bệnh nhân lên núi Nội Bài (Bà Rịa - Vũng Tàu) để lấy mật ong bán kiếm tiền mua sữa cho con. Tuy nhiên, không có mật ong. Lúc này, người đàn ông vô tình phát hiện một con rắn lớn nặng khoảng 2kg nên quyết định bắt và bị rắn cắn ngay cổ tay, nhưng vẫn bắt được con rắn.

Sau khi về nhà, bệnh nhân có dấu hiệu sụp mi, khó thở, yếu tứ chi. Người bệnh nhân chóng được đưa cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa. Tại đây, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển lên tuyến trên.

Sau hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định đây là trường hợp bị nhiễm độc thần kinh do rắn hổ chúa cắn dẫn đến liệt cơ. Các bác sĩ quyết định dùng huyết thanh kháng nộc rắn đa giá. Đây là huyết thanh kháng độc của rắn hổ đất, hổ chúa, cạp nong, cạp nia. Do bệnh nhân bị độc nặng, vết cắn sưng nề từ bàn tay lên cánh tay, vai, lan rộng đến ngực trái, nên các bác sĩ phải dùng tổng cộng 10 lọ huyết thanh nói trên.

Sau 24 giờ bị rắn cắn, bệnh nhân tỉnh táo, được cai máy thở, sức cơ hoàn toàn bình thường. Vết rắn cắn vẫn sưng nề nhưng không sưng thêm. Hiện, tình hình sức khỏe của người bệnh cải thiện, nằm hồi sức và theo dõi nguy cơ biến chứng tim mạch. Nếu sau 48-72 giờ, tình hình ổn định, bệnh nhân có thể diễn tiến tốt.

Truyền 10 lọ huyết thanh cứu người đàn ông bị rắn hổ chúa cắn - Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám và điều trị cho bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Khánh - Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo người dân không nên chủ động đánh bắt rắn vì có thể không xác định được rắn độc hay không, gây nguy hiểm cho bản thân. Trường hợp bị rắn cắn, vết thương sưng nề, người dân nên khẩn cấp vào cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và xử trí kịp thời.

"Với những loại mà rắn hổ chúa cắn thì thứ nhất là gây rối loạn về nhiễm độc thần kinh, suy hô hấp, liệt cơ. Vấn đề thứ hai là có thể gây rối loạn nhịp tim, nếu mà diễn biến nặng sẽ dẫn đến ngưng tim, cho nên có thể đặt máy tạo nhịp cấp cứu. Thứ ba là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng thì phải lọc máu", bác sĩ Ngọc Khánh nói.

Làm gì để phòng ngừa rắn cắn vào mùa mưa?Làm gì để phòng ngừa rắn cắn vào mùa mưa?

SKĐS - Khi bị rắn độc cắn nếu sơ cứu không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử, nhiễm trùng máu, hay thậm chí là tử vong.


Kim Vân
Ý kiến của bạn