Ngày 15/4, tại Hội thảo "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia", TS Trịnh Bá Dương – Chủ tịch AseanHub, chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, các phương pháp truy xuất truyền thống như tem nhãn, mã vạch, mã QR đơn thuần đã không còn đủ sức đối phó với thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi hiện nay. Không dừng lại ở việc sao chép hình thức, các đối tượng còn giả mạo cả thông tin truy xuất.
Theo đó, chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia đề xuất, nên kết hợp công nghệ RFID – Blockchain – AI để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, RFID hạn chế tối đa khả năng làm giả vật lý, tự động hóa kiểm kê, vận chuyển, lưu kho; Blockchain đảm bảo dữ liệu minh bạch, không thể chỉnh sửa; AI, phát hiện rủi ro gian lận hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng thông qua học máy và các thuật toán phân tích hành vi.

TS Trịnh Bá Dương – Chủ tịch AseanHub, chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia.
"Sự kết hợp này tạo nên hệ thống truy xuất chính xác, minh bạch và tự động hóa. Hệ thống này không chỉ ứng dụng cho sản phẩm tiêu dùng mà còn triển khai hiệu quả trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, nông sản, logistics, thủy sản và thương mại điện tử xuyên biên giới", TS Dương khẳng định.
Tuy nhiên, để hệ thống truy xuất nguồn gốc phát huy hiệu quả, cần tập trung vào ba yếu tố là tích hợp công nghệ mới, chuẩn hóa dữ liệu và hạ tầng mã số mã vạch quốc gia, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
"Nếu công nghệ là chìa khóa thì truy xuất nguồn gốc chính là cánh cửa mở ra nền thương mại văn minh, minh bạch và bền vững", TS Dương nhấn mạnh.

ThS Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM.
Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, xác định, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược mới của đất nước, thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào giải quyết các bài toán lớn, trong đó có bài toán truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả hàng nhái.
Luật sư Phạm Văn Thọ đánh giá: "Truy xuất nguồn gốc liên quan trực tiếp đến an toàn của người tiêu dùng, sự sống còn của doanh nghiệp và sự ổn định của nền kinh tế. Đây là công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu hội nhập".
Luật sư Thọ cho rằng, trong khi nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan ở chợ truyền thống và các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần có giải pháp công nghệ để minh bạch thông tin sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và lấy lại lòng tin người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc truy xuất còn giúp kiểm soát tốt chất lượng hàng nhập khẩu, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa hàng nội địa và hàng ngoại, đặc biệt trong các ngành ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, dược phẩm.
Theo ThS Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín sản phẩm Việt Nam khi xuất khẩu. Do đó, áp dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc là bước đi không thể chậm trễ nếu muốn giữ gìn và nâng tầm thương hiệu Việt trên trường quốc tế.