Truy tố các đối tượng làm giả bệnh án tâm thần cho tội phạm

04-03-2019 06:06 | Pháp luật
google news

SKĐS - Viện KSND TP. Hà Nội vừa có cáo trạng truy tố Thân Thái Phong - bác sĩ, nguyên Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (BVTTTW1) về tội Nhận hối lộ và Nguyễn Tuấn Sơn - Kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng BVTTTW1 về tội Môi giới hối lộ.

Riêng Lê Thanh Tùng (trú tại phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng) bị truy tố về tội Đưa hối lộ. Đây là các đối tượng đã tham gia làm giả bệnh án tâm thần sau đó sử dụng để trốn tránh sự xử lý của pháp luật.

Cơ quan công an cho biết, sự việc phát sinh từ vụ Cố ý gây thương tích xảy ra đêm 27/10/2017. Hôm đó, Lê Thanh Tùng cùng nhóm bạn đến một quán bar trên phố Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội thì gặp nhóm Đỗ Hoàng Hiệp. Do trước đó giữa Tùng và Hiệp có mâu thuẫn nên hai bên xảy ra xô xát. Nhóm của Tùng đã dùng dao, hung khí gây thương tích cho 3 người thuộc nhóm của Hiệp, sau đó, Tùng bỏ trốn. Trong thời gian này, thông qua một người quen, Tùng liên hệ với Nguyễn Tuấn Sơn để nhờ giúp làm bệnh án tâm thần giả nhằm thoát tội “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, Sơn đã gặp BS. Thân Thái Phong đặt vấn đề làm giả bệnh án tâm thần cho Tùng, hai bên thống nhất mức giá là 85 triệu đồng.

Các đối tượng Tùng (bên trái) và Phong (bên phải).

Các đối tượng Tùng (bên trái) và Phong (bên phải).

Sau khi bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt theo quyết định truy nã, Tùng không khai nhận hành vi phạm tội của mình và nói bản thân đang mắc bệnh tâm thần nên không hợp tác trong quá trình điều tra. Sau đó, mẹ Tùng đến Công an quận Hoàn Kiếm giao nộp bộ hồ sơ bệnh án điều trị nội trú bệnh tâm thần (bản sao) của Tùng do BVTTTW 1 cấp ngày 21/12/2017. Tuy nhiên, Cơ quan công an nhận thấy, bị can Tùng có dấu hiệu sử dụng bệnh án tâm thần giả. Bên cạnh việc tiếp tục xử lý hành vi cố ý gây thương tích của Tùng, vụ làm giả bệnh án tâm thần được tách riêng chuyển lên Cơ quan CSĐT - Công an TP. Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền.

Qua điều tra đã xác định, ngày 22/11/2017, Tùng đến BVTTTW1 gặp Phong để Phong làm thủ tục khám đầu vào. Sau đó, Phong lập hồ sơ bệnh án nội trú cho Tùng tại Khoa Tâm thần người cao tuổi, đồng thời, Phong tự viết thông tin của Tùng vào trang đầu tiên của bệnh án. Tiếp đó, Phong đưa một bệnh nhân chậm phát triển do Phong trực tiếp điều trị đi chụp Xquang tim, phổi và ghi điện não; sau đó lấy kết quả của bệnh nhân này đưa vào hồ sơ bệnh án của Tùng. Phong còn tự lấy máu của mình cho vào ống bệnh phẩm ghi tên Lê Thanh Tùng để lập phiếu xét nghiệm sinh hoá máu và phiếu xét nghiệm tế bào ngoại vi rồi gửi đi xét nghiệm lấy kết quả đưa vào hồ sơ bệnh án của Tùng... Khi hoàn thiện hồ sơ, Phong đưa bệnh án giả của Tùng cho nhân viên hành chính nhập số hiệu, vào sổ y lệnh, sổ theo dõi thuốc, sổ theo dõi ra vào viện. Đồng thời, Phong trực tiếp viết vào hồ sơ: “Gia đình xin cho bệnh nhân ra viện. Hiện bệnh tạm ổn định. Giải quyết cho bệnh nhân ra viện”. Như vậy, bằng việc “phù phép” các quy trình khám chữa bệnh, Thân Thái Phong đã biến một người bình thường thành người bị “tâm thần phân liệt thể Paranoid” để xin chữ ký các thành viên hội chẩn trong khoa xác nhận Tùng có bệnh tâm thần, tạo điều kiện cho đối tượng này thoát tội.

Đáng chú ý, trong quá trình làm hồ sơ cho Tùng, thấy có thông tin bệnh viện sẽ kiểm tra định kỳ, Phong yêu cầu Sơn gọi cho Tùng đến bệnh viện, mặc quần áo bệnh nhân, sinh hoạt bình thường như một bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện để đảm bảo quân số, phục vụ đoàn kiểm tra. Đến chiều, khi kiểm tra xong, Tùng lại cởi bỏ quần áo bệnh nhân ra về.

Liên quan đến hành vi làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật, quan điểm của Bộ Y tế nêu rõ: Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai. Công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay đang có dư luận có những đối tượng phạm tội dùng mọi thủ đoạn như mua, làm giả giấy xác nhận bị bệnh, giả bệnh tâm thần để vào các trung tâm, cơ sở y tế để khám, chữa bệnh nhằm có hồ sơ bệnh án tâm thần để đối phó với cơ quan pháp luật. Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước công việc hàng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác. Cùng đó, Bộ Y tế yêu cầu các cục, vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.


T. Vinh - M. Khoa
Ý kiến của bạn