Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể
Tại Hà Nội, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã tăng cường triển khai quyết liệt việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học. Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đã kiểm tra 215 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 182 cơ sở (chiếm tỷ lệ 84,7%). Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, Long Biên.
Qua kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội đánh giá, đa số các trường đều chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Cụ thể, các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.
Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.
Mặt khác, do không có đủ nhân sự nên người giao hàng không phải người đã có hợp đồng lao động hoặc người của đơn vị cung cấp thực phẩm mà chủ yếu là lái xe thuê hoặc xe ôm được cơ sở thuê thời vụ. Hầu hết các đơn vị cung cấp thực phẩm là đơn vị trung gian và chưa có phiếu giao nhận hay sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.
Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn, các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, nhà trường cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại đơn vị cung cấp.
Đặc biệt, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể; trong đó tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người… Trong đó, cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ lấy người dân làm trung tâm
Tại Đà Nẵng, an toàn thực phẩm là 1 trong 4 là trụ cột của chương trình "Thành phố 4 an" (An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm, An sinh xã hội).
Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến thực phẩm an toàn, từ cuối tháng 10/2021, Ban Quản lý an toàn thực phẩm của thành phố triển khai giai đoạn 1 dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm với tổng mức đầu tư hơn 4,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Dự án đề ra phương án truy xuất nguồn gốc 4 nhóm thực phẩm gồm chuỗi thịt – trứng, chuỗi rau – trái cây, chuỗi thủy sản và chuỗi sản phẩm bao gói sẵn.
Ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng nhận định, việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng biết được 'lý lịch' của sản phẩm, biết hàng hóa này đi đâu, phân phối như thế nào và nếu không đạt chất lượng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.
Theo ông Hải, sự minh bạch về nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc người sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ lấy người dân làm trung tâm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người kiến tạo ra luật, quy định chung, các bên liên quan ứng xử theo luật đó. Trong bối cảnh hiện nay, chính bản thân người tiêu dùng phải là những "người tiêu dùng thông thái", họ sẽ vừa là người thụ hưởng và vừa là người kiểm tra giám sát chất lượng an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng gặp không ít thách thức. Đặc biệt là trong tư duy của chủ cơ sở đối với vấn đề đổi mới sản xuất, kinh doanh, vẫn còn nhiều hạn chế, chịu ảnh hưởng bởi lối đi truyền thống trong thời gian dài, do đó chưa đánh giá được lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh thực phẩm... Do đó, để làm được việc này rất cần sự chung tay, tích cực hưởng ứng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng.