Truy suất chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm vào trường học

03-12-2018 07:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện tại, Hà Nội đang quản lý hơn 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có hơn 1.600 trường học có bếp ăn bán trú.

Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế, những nhóm trẻ hay trường mầm non tư thục là những cơ sở sử dụng địa điểm sẵn có, không phải được xây dựng với mục đích ban đầu là nuôi dạy trẻ, nên khu vực bếp ăn không được chú trọng. Do đó, trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học, việc thanh tra kiểm tra sẽ có sự phối hợp với ban phụ huynh...

Bếp ăn trường/nhóm trẻ tư thục vẫn còn không được chú trọng

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hằng ngày, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố phục vụ khoảng hơn 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1 đến 4 bữa, tùy theo từng trường. Hầu hết các bếp ăn tập thể trường học đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) như: Thủ tục pháp lý, điều kiện cơ sở, dụng cụ chứa đựng, thực hành vệ sinh của người trực tiếp chế biến thức ăn, thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, công tác kiểm tra, thanh tra, phối hợp giữa các ngành chức năng chưa được chặt chẽ. Thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, điển hình là vụ việc tại Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) khiến hơn 200 trẻ phải nhập viện. Bên cạnh đó, số trường mầm non và nhóm trẻ tư thục xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng vấn đề quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm với các cơ sở này cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội, Sở Y tế và các đơn vị liên quan đều rất quan tâm, coi trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú. Ngoài các bếp ăn ở các trường mầm non công lập, các trường tiểu học, THCS, THPT, Sở Y tế, Sở GD& ĐT Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến nhóm trẻ mầm non tư thục. Các cơ sở này phải bảo đảm điều kiện thì mới cho nấu ăn. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế, những nhóm trẻ hay trường mầm non tư thục là những cơ sở sử dụng địa điểm sẵn có, không phải được xây dựng với mục đích ban đầu là nuôi dạy trẻ, nên khu vực bếp ăn không được chú trọng.

Hà Nội tiếp tục siết chặt truy suất nguồn gốc thực phẩm vào trường học.         (Ảnh minh họa)

Hà Nội tiếp tục siết chặt truy suất nguồn gốc thực phẩm vào trường học. (Ảnh minh họa)

Cùng nâng cao trách nhiệm của nhiều bên về ATTP trường học

Theo ông Trần Văn Chung -  Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ATTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Vấn đề ATTP ngày càng được nhìn nhận có tầm quan trọng đặc biệt. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn đối với việc cải thiện sức khỏe con người và chất lượng cuộc sống cũng như về lâu dài, đối với phát triển giống nòi dân tộc.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo ATTP các cấp. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trách nhiệm của ban giám hiệu, của phụ huynh trong vấn đề này. Đặc biệt, trách nhiệm của các doanh nghiệp, các nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm trong các bếp ăn trường học

“Chúng tôi cũng lưu ý, các trường học cần phải chú trọng đến cơ sở vật chất tại các bếp ăn trường học. Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học, việc thanh tra kiểm tra sẽ có sự phối hợp với ban phụ huynh. Việc truy suất nguồn gốc thực phẩm vào trường học sẽ phải siết chặt hơn nữa, như vụ ngộ độc tại Đông Anh vừa qua, cơ sở sản xuất bánh ngọt gây ngộ độc chỉ có một vài công nhân, dây truyền sản xuất đơn sơ nên việc để xảy ra nhiễm khuẩn vào thực phẩm là điều không sớm thì muộn sẽ xảy ra” - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh...

Liên quan đến công tác đảm bảo ATTP trường học, ông Trần Ngọc Tụ cho hay: Bất kỳ thực phẩm nào mà các trường nghi ngờ đều có thể lưu lại, Chi cục ATVSTP sẽ hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho đơn vị. Trong thực đơn, chúng ta cũng nên khuyến cáo các món ăn hạn chế nguy cơ ngộ độc. Ví dụ như món bánh dày, bánh ngọt có kem, nộm... hạn chế sử dụng. Nếu sử dụng khi khâu chế biến phải hết sức cẩn thận. Không nên để các gia đình mang bánh ngọt đến trường để tổ chức sinh nhật cho các cháu, bởi nhà trường không thể kiểm soát được bánh đó như thế nào. Nếu xảy ra ngộ độc tại trường thì nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm.


Hoàng Nguyễn
Ý kiến của bạn