Hà Nội

Trượt kỳ thi vào lớp 10 không phải quá 'ghê gớm’

04-07-2024 16:15 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhiều em học sinh không may thi trượt vào 10 trường công lập có tâm trạng buồn, hụt hẫng, tội lỗi, thất vọng về bản thân, sợ phải đối mặt với mọi người, sợ bị hỏi han… TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, học trường nào không quan trọng bằng việc các em sẽ học như thế nào, kết quả học tập ra sao ...

Trước đó, ngày 1/7, Sở GDĐT Hà Nội chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 117 trường THPT công lập năm 2024. Nhiều học sinh vô cùng vui sướng khi biết mình đã đỗ vào trường cấp III đúng theo nguyện vọng. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp các em nhận được kết quả không như mong đợi.

Em N.N.M (Cầu Giấy, Hà Nội) không thể kìm nén được sự hụt hẫng khi nhận kết quả của kỳ thi vào 10 vừa qua. Em M thiếu 0,75 điểm nên không thể vào được trường mình đã đăng ký, em trượt cả 2 nguyện vọng. Cảm giác tội lỗi bủa vây khiến em M chỉ muốn đóng cửa 1 mình trong phòng.

Trượt kỳ thi vào lớp 10 không phải quá 'ghê gớm’- Ảnh 1.

Nhiều em học sinh không may thi trượt vào 10 trường công lập có cùng cảm giác buồn, hụt hẫng, tội lỗi, thất vọng, sợ phải đối mặt với mọi người, sợ bị hỏi han. (Ảnh minh họa).

"Em đã thực sự cố gắng nhưng kết quả không như mong đợi. Bố mẹ em không dư dả, mà bây giờ còn phải đi tìm trường tư cho em học, học phí lại rất cao… Em thương bố mẹ em lắm, em thấy có lỗi với bố mẹ…", M vừa nói vừa nấc lên từng tiếng.

Không chỉ M, nhiều học sinh không may thi trượt vào lớp 10 trường công lập cũng có cùng tâm trạng. Ngoài cảm giác buồn, hụt hẫng và thất vọng về bản thân, có em còn chia sẻ sợ việc phải đối mặt với mọi người, sợ bị hỏi han…

Học trường nào không quan trọng bằng việc mình sẽ học như thế nào

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe và Đời sống, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trước mỗi kỳ thi, học sinh và phụ huynh đều có những kỳ vọng. Đó đều là những kỳ vọng chính đáng, nhưng không phải lúc nào kết quả cũng được như mong đợi.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đánh giá, việc hối lỗi khi thi trượt đối với các em là một cảm xúc tốt. Vì từ đó, các em có thể sẽ cố gắng để làm tốt hơn. Tuy nhiên, các em không nên chìm đắm để "gặm nhấm" nỗi buồn, cần làm điều gì đó để chuộc lỗi.

"Cách tốt nhất là các em cần làm tốt hơn ở chặng đường phía trước. Trở thành người như thế nào mới là điều quan trọng. Hãy chứng minh cho cha mẹ các em thấy, các em có thể làm tốt hơn nữa", TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc đỗ được theo nguyện vong, vào được trường mình đã lựa chọn là tốt nhất. Nhưng không vào được đúng trường mình đã chọn thì cũng không phải là điều gì quá "ghê gớm". Học trường nào không quan trọng bằng việc mình sẽ học như thế nào, kết quả học tập ra sao và sau này mình trở thành người như thế nào.

"Cha mẹ cần định hướng cho con, động viên các con kịp thời. Tránh việc từ nỗi buồn mà các em có những suy nghĩ, hành động lệch lạch, nguy hiểm…", TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Trượt kỳ thi vào lớp 10 không phải quá 'ghê gớm’- Ảnh 2.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Đỗ Vi.

Thành công thì quá tốt, nhưng thất bại cũng không quá tệ

Đồng quan điểm, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chi sẻ: "Các nải chuối thường có chẵn số quả, chỉ có nải "hơi dị" thì mới có số quả lẻ. Nhưng nhiều bà nội trợ cho biết, nải chuối lẻ thường đắt gấp 3-4 lần nải chẵn. Vậy việc bói quả không thành công, lẻ quả lại khiến cho nải chuối đắt giá hơn.

Do vậy, thành công theo lối thông thường chưa chắc đã giá trị bằng 1 sự thất bại. Nếu con không thành công trong kì thi này, giá trị con có được hơn bạn bè chính là một bài học lớn về tất cả: sự chuẩn bị chưa chắc chắn, thói ẩu đoảng, tính tự cao tự đại, sự chủ quan,... hoặc đơn giản chỉ là lười.

Giá phải trả cho những thứ này khiến các con "mở mắt" to hơn là lời trách mắng của cha mẹ".

TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, dù thế nào thì chắc chắn con vẫn sẽ có ngôi trường cấp 3 của mình. Có cánh cửa mở ra cho riêng con, nhưng sự từ chối của 1 cánh cửa đã khiến con hiểu nhiều hơn, thấm nhiều hơn.

Thất bại không xấu. Đặc biệt sự thất bại của những học trò còn đang mò mẫm tìm lối đi cho tương lai. Cách các em nhìn nhận sự thất bại như thế nào, học được từ nó những gì để có thể tránh được những thất bại trong tương lai mới là quan trọng.

"Vì vậy, đừng quá áp lực nếu con không thành công. Thành công được thì quá tốt, nhưng thất bại cũng không quá tệ. Hãy bình tĩnh đồng hành cùng con vượt qua thất bại (nếu có) với bài học sâu sắc nhất để con được đón nhận thành công trong tương lai", TS Vũ Thu Hương nhắn nhủ.

Chuyện ít biết về chàng thủ khoa kỳ thi vào 10 ở Hải PhòngChuyện ít biết về chàng thủ khoa kỳ thi vào 10 ở Hải Phòng

SKĐS - Với số điểm gần tuyệt đối 48 điểm (Toán 10 điểm, Tiếng Anh 10 điểm, Ngữ Văn 9 điểm), chàng trai Bùi Phú Quý, quê ở xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên đã trở thành thủ khoa kỳ thi vào 10 năm học 2023 -2024 của Hải Phòng.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn