Trượt đốt sống thắt lưng: Triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị hiệu quả nhất

18-12-2021 07:56 | Bệnh thường gặp

SKĐS -Trượt đốt sống lưng là một trong những bệnh xương khớp rất hay gặp khiến nhiều người đau đầu, mất nhiều tiền bạc và công sức để chạy chữa. Bài viết của TS. BS Nguyễn Vũ - Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống (BV Ðại học Y Hà Nội) sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Đau lưng, coi chừng trượt đốt sống thắt lưngĐau lưng, coi chừng trượt đốt sống thắt lưng

SKĐS - Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng đốt sống trên trượt ra trước hoặc ra sau so với đốt sống dưới, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng cho bệnh nhân.

Tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng trượt đốt sống thắt lưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh bị trượt đốt sống lưng cần được phát hiện và điều trị sớm,  không nên chủ quan để không gây ra các biến chứng không đáng có. 

1.Trượt đốt sống thắt lưng là gì?

Trượt đốt sống lưng là gì? Trượt đốt sống lưng là tình trạng đốt sống trên trượt ra phía sau hoặc phía trước so với đốt sống dưới. Tình trạng này khiến người bệnh đau thắt lưng, đi đứng trở nên khó khăn, đau lan xuống một hoặc cả hai chân.

Trượt đốt sống lưng được chia thành 6 loại:

  • Trượt đốt sống lưng bẩm sinh
  • Trượt đốt sống lưng do khuyết eo
  • Trượt đốt sống lưng do thoái hóa
  • Trượt đốt sống lưng do bệnh lý
  • Trượt đốt sống lưng do chấn thương
  • Trượt đốt sống lưng sau phẫu thuật.

2. Các mức độ của trượt đốt sống thắt lưng

Mức độ trượt đốt sống lưng được xác định bằng tỉ lệ dựa trên phim X quang quy ước ở tư thế nghiêng. Tỷ lệ trượt được tính bằng khoảng cách trượt với độ rộng của thân đốt sống trượt.

Trượt đốt sống lưng được chia thành 5 mức độ như sau:

  • Độ 1: trượt 0 – 25% thân đốt sống
  • Độ 2: trượt 26 – 50% thân đốt sống
  • Độ 3: trượt 51 – 75% thân đốt sống
  • Độ 4: trượt 76 – 100% thân đốt sống
  • Độ 5: trượt hoàn toàn, đốt trên hoàn toàn rời khỏi bề mặt thân đốt dưới.

Mức độ trượt càng cao thì bệnh trượt đốt sống lưng càng nặng và cần phải tiến hành chữa trị kịp thời, để càng lâu mức độ trượt càng cao.

photo-1639641876053

Trượt đốt sống lưng khiến người bệnh đau thắt lưng,

3. Triệu chứng trượt đốt sống thắt lưng không thể bỏ qua

-Trong giai đoạn đầu, thường bệnh nhân trượt đốt sống lưng không có triệu chứng hoặc chỉ có đau lưng thoáng qua, không rõ ràng.

- Giai đoạn tiếp theo, người bệnh sẽ bắt đầu đau thắt lưng với các biểu hiện như: 

  • Đau lưng nhiều
  • Đau khi đi lại, đứng lâu, cúi ngửa cột sống
  • Đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân, kèm tê bàn chân
  • Đau tăng lên khi ho, hắt hơi… 
  • Cơn đau sẽ tăng khi cột sống phải chịu lực như khi đứng, đi bộ, lao động…nhưng khi nằm nghỉ thì đau giảm hẳn hoặc hết đau. Ở giai đoạn này, người bệnh thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng lên khó khăn, đôi khi còn tự cảm nhận được sự trượt của đốt sống khi cúi, ngửa.

- Ở giai đoạn nặng, người bệnh trượt đốt sống lưng có thể :

  • Thay đổi tư thế và dáng đi
  • Co cứng cơ ở thắt lưng và sự căng cơ ở mặt trong đùi
  • Đi hơi khom lưng, thậm chí có thể bị vẹo cột sống sang bên. 
  • Tình trạng đau cột sống thắt lưng từng đợt, đau theo cơn và các cơn đau ngày càng xuất hiện dày lên. Khi sử dụng áo nẹp cột sống thì triệu chứng này giảm rõ rệt.

- Khi khám ở tư thế đứng, người bệnh thường cong vẹo cột sống, khi ưỡn quá mức sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau hơn. Đây là dấu hiệu đặc trưng để chẩn đoán bệnh trượt đốt sống lưng. 

- Dấu hiệu đau cách hồi kết hợp với các biểu hiện tê bì, căng đau cả hai chân khi đi bộ; không xuất hiện khi bệnh nhân đi xe đạp cũng là những triệu chứng rất quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt bệnh trượt đốt sống lưng với bệnh thoát vị đĩa đệm.

photo-1639641884418

Bệnh trượt đốt sống do khuyết eo ở cấp độ nặng sẽ khiến bề mặt thân đốt sống lệch hơn 50% và gây nên gù.

4.Chẩn đoán trượt đốt sống thắt lưng

Để xác định người bệnh có bị trượt đốt sống lưng hay không, bên cạnh việc quan sát và theo dõi các triệu chứng kể trên, bác sĩ sẽ phải tiến hành các phương pháp chấn đoán sau:

-Chụp X-quang quy ước ở các tư thế thẳng, nghiêng, cúi tối đa và ưỡn tối đa. Một số trường hợp có thể phải chụp thêm film chếch 3⁄4 (phải, trái). X quang quy ước giúp chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ trượt đốt sống lưng.

-Cắt lớp vi tính (CT Scan): Là công cụ chẩn đoán rất hiệu quả để đánh giá về cấu trúc xương, xác định vị trí, mức độ trượt cũng như các tổn thương của eo, mấu khớp, hẹp ống sống… 

-Cộng hưởng từ (MRI): Đây là công cụ lý tưởng để đánh giá tổn thương về mô mềm và sự chèn ép thần kinh trong trượt đốt sống lưng. Trên phim cộng hưởng từ, bác sĩ có thể phát hiện các nguyên nhân gây chèn ép thần kinh: Đĩa đệm thoát vị, các tổ chức xơ sẹo, dây chằng dày, hẹp lỗ ghép…

photo-1639641887151

Chụp X quang giúp chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ trượt đốt sống lưng.


5. Hậu quả nghiêm trọng do trượt đốt sống

Có rất nhiều bệnh nhân bị trượt đốt sống đến bác sĩ có thắc mắc không biết trượt đốt sống cổ có nghiêm trọng không và hậu quả để lại như nào. Tuy nhiên không thể trả lời một cách chính xác về tình trạng này sẽ gây ra hậu quả gì. Bởi vì tùy vào thể trạng từng người cũng như mức độ trượt đốt sống mà hậu quả để lại cho từng người cũng khác nhau. 

- Nếu chỉ bị dưới 50% đốt sống do khuyết eo đốt sống thì cũng không có gì quá nghiêm trọng. Người bệnh sẽ bị đau thắt lưng và đau dần xuống chân, đau khi di chuyển. Hầu hết các bệnh nhân bị bệnh ở mức độ nhẹ do khuyết eo đốt sống (trong trường hợp đã chụp X quang) thì sẽ không thấy đau, thậm chí là không cần điều trị. 

Tuy nhiên, cũng có trường hợp cần điều trị nếu có những biểu hiện đau hay khó khăn đi lại. Ban đầu là những cơn đau ở thắt lưng khi bệnh nhân di chuyển hay đứng quá lâu, sau là căng cơ, đau đùi, mông và cẳng chân. Khi vận động cúi, ngửa hay những hành động liên quan trực tiếp tới đốt sống, bệnh nhân có thể cảm nhận rõ ràng các đốt sống bị trượt.

-Bệnh trượt đốt sống do khuyết eo ở cấp độ nặng sẽ khiến bề mặt thân đốt sống lệch hơn 50% và gây nên gù. Biến chứng này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 10% và thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên. Người bệnh sẽ đi hơi khom lưng về phí trước hoặc vị veo cột sống sang mộ bên.

Không điều trị kịp thời thì khi xoay lưng, khung chậu cũng xoay theo, hai cơ bên mông teo đi do không hoạt động. 

photo-1639641891616

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) sẽ chẩn đoán xác định vị trí, mức độ trượt cũng như các tổn thương của eo, mấu khớp, hẹp ống sống.

6. Các phương pháp điều trị trượt đốt sống thắt lưng

Hiện nay, có các phương pháp điều trị trượt đốt sống lưng phổ biến sau:

- Điều trị nội khoa:

Phần lớn bệnh nhân trượt đốt sống lưng được điều trị nội khoa sẽ cải thiện rõ rệt các cơn đau. Đối với bệnh nhân tuổi thiếu niên, nằm nghỉ mặc áo cố định, hạn chế các hoạt động để cải thiện được các triệu chứng. Với bệnh nhân là người trưởng thành, điều trị bảo tồn trượt đốt sống lưng như sau:

  • Cố định ngoài và hướng dẫn vận động.
  • Chỉ định nằm nghỉ trong các đợt đau cấp
  • Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm
  • Điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tập thể dục tăng cường sức cơ lưng, đùi, bụng.
  • Giảm cân nếu người bệnh bị béo phì.

- Phẫu thuật:

Chỉ tiến hành phẫu thuật bệnh nhân bị trượt đốt sống lưng trong các trường hợp sau:

  • Trượt đốt sống đã được điều trị bảo tồn ít nhất 6 tuần trước và thường sau 6 – 12 tháng điều trị bảo tồn mà hiệu quả.
  • Bệnh nhân đau nhiều, không đáp ứng với các biện pháp nghỉ ngơi và dùng thuốc.
  • Trượt đốt sống lưng gây các biến chứng: liệt vận động, teo cơ, rối loạn cơ vòng bàng quang. 
  • Trượt đốt sống nặng, tiến triển do khuyết eo đốt sống ở trẻ nhỏ.

7. Tập phục hồi chức năng 

Dưới đây là một số các bài tập hàng ngày, thường xuyên dành cho các bệnh nhân bị trượt đốt sống:

7.1.Bài tập đạp xe: 

Đạp xe đạp thong dong mỗi buổi sáng sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, giải tỏa những cơn đau hành hoành mỗi ngày. Bệnh nhân cũng có thể tập tư thế đạp xe tại nhà, tác dụng cũng như nhau. Bài tập này sẽ giúp người bệnh thêm khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, săn chắc cơ thể.

7.2.Tư thế trẻ con

photo-1639641898902

 Tư thế trẻ con được coi là một trong những tư thế an toàn và hiệu quả nhất. Nếu áp dụng tư thế này, cơ thể của người bệnh sẽ mở rộng phần lưng và xương dưới, giảm nhịp tim nhiều. 

Các thực hiện: Bạn cần chuẩn bị một chiếc gối ôm hoặc gối thường. Đặt gối ngay giữa 2 đầu gối của người bệnh, mở rộng hai chân sao cho cả mười ngón chân chạm vào nhau là được. Hãy giữ nguyên tư thế này cho đến khi bạn muốn thay đổi vị trí hoặc đổi hướng sang bên khác.

7. 3.Bài tập vặn mình

Trượt đốt sống thắt lưng: Triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị  hiệu quả nhất - Ảnh 6.


photo-1639641902743

Bài tập vặn mình

Đây là một trong những bài tập hữu ích cho những người bị trượt đốt sống. Bài tập này nên tập thường xuyên tại nhà vào buổi sáng và buổi tối. Nếu bạn có thời gian rảnh rỗi, có thể tăng cường tập luyện vào buổi trưa, hiệu quả sẽ tăng lên.

7.4 Tập tư thế dựa lưng vào tường

Tư thế dựa lưng vào tường sẽ là một bài tập giúp giảm thiểu những cơn đau và giãn thắt lưng. Nằm xuống giường,  lấy gối nhỏ đặt dưới phần thắt lưng. Sau đó, đưa chân càng sát vào tườngcàng tốt, hai tay mở rộng và thư giãn. Áp dụng bài tập này thường xuyên bạn sẽ thấy tác dụng bất ngờ.

7.5. Tập Yoga

Yoga là một trong những bộ môn thể thao lý tưởng cho phái nữ bởi động tác nhẹ nhàng nhưng mang lại sự uyển chuyển, mềm dẻo trong từng động tác. 

Trải thảm tập ra sàn, sau đó nằm ngửa trên thảm tập, hai chân co khép tạo thành hình tam giác so với mặt thảm. Tiếp đến, hai tay ôm gáy, gập bụng về phía trước rồi nhẹ nhàng trở về tư thế ban đầu. hãy nhớ, khi gập bụng hãy hít vào và khi trả lại vị trí ban đầu thì nhẹ nhàng thở ra.

Hãy thực hiện hành động này trong khoảng 8-10 lần, sau đó nghỉ ngơi cho đỡ mỏi và tiếp tục thực hiện khoảng 3-4 lần tùy vào thể trạng và sức dẻo dai của từng người. Nếu cảm thấy đau thì nên dừng lại và tập những bài tập nhẹ nhàng hơn, tuyệt đối không cố tập khi đau. Bài tập này cần kết hợp sáng tốt, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dạy vào mỗi buổi sáng.

7.6. Bài tập cho cơ lưng

Bài tập này các bước chuẩn bị như bài tập yoga. Nằm xuống thảm và để hai chân song song với mặt đất. Dùng cơ bụng và lưng nhấc một chân lên khỏi mặt đất, cách mặt thảm khoảng 10cm rồi từ từ đặt chân xuống, sau đó chuyển chân và làm tương tự. Nếu trong quá trình tập cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu thì nên dừng lại nghỉ ngơi sau đó thực hiện tiếp. Mỗi chân thực hiện khoảng 10 lần như vậy mỗi lần vào sáng sớm sau khi ngủ dậy và vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Ngoài những bài tập đơn giản, dễ thực hiện này, người bệnh có thể thực hiện các bài tập khác theo sự hướng dẫn của bác sĩ, huấn luyện viên điều trị. Kết hợp các biện pháp này cùng với việc sử dụng thuốc và các phương thức điều trị cũng như chế độ ăn uống hợp lý sẽ mang lại hiểu quả tốt đối với hình hình bệnh. 

8. Lời khuyên để phòng ngừa những cơn đau do trượt đốt sống

Trượt đốt sống là tình trạng rất nhiều người gặp phải, thế nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng chính những thói quen hàng ngày như: 

- Duy trì tư thế tốt: Khi ngồi hoặc đứng không dựa dẫm, luôn giữ cột đống ở tư thế đúng. 

- Chú ý khi nâng các vật nặng. Tùy vào sức khỏe và sự dẻo dai của từng người mà nâng các vật có trọng lượng khác nhau. Không nên cố nâng vật quá nặng bởi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống.

- Tránh các môn thể thao và động tác đòi hỏi vặn mình quá mức, liên quan trực tiếp đến đốt sống.

- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân hoặc tăng cân quá nhanh làm tăng áp lực lên cột sống

- Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, đều đặn, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…

- Phân bổ thời gian nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý. Bên cạnh đó  bệnh nhân cần chăm chỉ tập luyện thêm các bài tập tại nhà. Không những hỗ trợ điều trị trượt đốt sống, các bài tập này còn giúp thư giãn, giảm lo âu, mệt mỏi và mang đến một sức khỏe dẻo dai.

Tuy không quá nguy hiểm nhưng trượt đốt sống lưng gây nên những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quá trình di chuyển của người bệnh. Bạn cần phát hiện sớm và có những phác đồ điều trị thích hợp ngay từ đầu để giảm những di chứng không đáng có.

Video có thể bạn quan tâm: 

Những bài tập thể dục buổi sáng giúp bạn tăng cường sức khỏe

TS. BS Nguyễn Vũ
Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống (BV Ðại học Y Hà Nội)
Ý kiến của bạn