Hà Nội

Bé gái suy hô hấp, viêm phổi nặng sau cú ngã trượt chân xuống suối

17-08-2021 16:04 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Vào buổi sáng cùng ngày, khi bé đang chơi cùng em ở cạnh bờ suối thì không may bị trượt chân ngã xuống suối ở vị trí nước sâu khoảng 3m...

Theo các bác sĩ, thời điểm nghỉ hè hàng năm là lúc tỉ lệ tai nạn thương tích ở trẻ được ghi nhận tại các bệnh viện gia tăng. Năm nay, học sinh tại nhiều địa phương phải nghỉ hè sớm do dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong khi bố mẹ, người lớn vẫn phải đi làm nên nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích luôn hiện hữu.

Vừa qua, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ liên tục ghi nhận nhiều ca tai nạn thương tích ở trẻ, trong đó có nhiều trường hợp tai nạn khá nghiêm trọng. Điển hình là trường hợp bệnh nhi Y. V (9 tuổi) trú tại Trung Sơn, Yên Lập, Phú Thọ. Trẻ được đưa vào nhập viện ngày 5/8/2021 trong tình trạng sốt cao liên tục, tím quanh môi, da tái nhợt, có xuất huyết dưới da vùng mặt, chỉ số SpO2 thấp và không tiểu tiện được.

Khai thác bệnh sử được biết trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, khi bé đang chơi cùng em ở cạnh bờ suối thì không may bị trượt chân ngã xuống suối ở vị trí nước sâu khoảng 3m.

5 phút sau, bé được bố mẹ làm việc gần đó phát hiện đưa lên bờ và được bố sơ cứu bằng phương pháp ép lồng ngực. Sau sơ cứu, trẻ ho ra nước kèm theo nôn ra thức ăn, ý thức lơ mơ, khó thở nên được gia đình đưa đến viện cấp cứu.

Trượt chân ngã xuống suối, bé gái suy hô hấp, viêm phổi nặng - Ảnh 1.

Các bác sĩ khám lại cho trẻ trước khi xuất viện.

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp cấp, viêm phổi do đuối nước và được chỉ định đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng kháng sinh kết hợp liều cao, truyền máu. Do bệnh nhân có tiền sử tim bẩm sinh hở van 3 lá và huyết áp thấp nên được duy trì vận mạch.

Sau 5 ngày điều trị, trẻ đỡ sốt, an thần thở máy, các chỉ số vận mạch giảm dần, bệnh nhi đã tiểu được, ăn tiêu được và được rút ống nội khí quản.

Hiện tại, sau 11 ngày điều trị, trẻ đã hết sốt, tình trạng sức khỏe hoàn toàn ổn định nên được cho xuất viện.

Bé 2 tuổi sốc bỏng, bỏng độ 2-3 do nước sôi

Một trường hợp tai nạn thương tích khá nghiêm trọng khác hiện đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ bé N.H.Đ (2 tuổi, trú tại Sông Lô, Việt Trì. Phú Thọ).

Trẻ được đưa vào nhập viện ngày 28/7/2021 khi vùng đầu, mặt, ngực, lưng, bụng, tay và chân có nhiều vết bỏng, diện tích bỏng khoảng 30-40%, trẻ kích thích, quấy khóc nhiều, khó thở, thở nhanh, huyết áp tụt và không tiểu tiện được.

Được biết, trước đó, do thời tiết nắng nóng, mẹ bé có nấu 1 nồi chè đỗ đen cho gia đình uống. Tuy nhiên, trong một phút bất cẩn không chú ý, trẻ với tay làm đổ nồi chè nóng vào người. Ngay sau đó đã được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tại Bệnh viện, trẻ được điều trị chống sốc, truyền dịch, truyền albumin, truyền máu, thở oxy. Trẻ xuất hiện tình trạng sốt liên tục, đc kết hợp sử dụng kháng sinh liều cao, giảm đau và nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

Sau 9 ngày điều trị tích cực, mặc dù vẫn còn tình trạng sốt song khoảng cách giữa các cơn sốt ở trẻ đã giãn ra. Các tổn thương ở vị trí vết bỏng nông đã lên da non, các vị trí bỏng sâu độ 3A, 3B ở lưng, ngực và 2 đầu gối còn tiếp tục nhiễm trùng, chảy dịch vàng. Trẻ vẫn tiếp tục được duy trì thay băng bỏng hàng ngày.

Hiện tại, sau 16 ngày điều trị, trẻ tỉnh, ăn uống khá hơn, đỡ đau hơn, ít quấy khóc, đại tiểu tiện bình thường và chỉ còn sốt nhẹ. Các vị trí bỏng sâu ở lưng và ngực còn chảy dịch, đang lên tổ chức hạt.

Các vết bỏng ở trẻ đã lên da non, sức khỏe bệnh nhi đã tiến triển rất nhiều

Trượt chân ngã xuống suối, bé gái suy hô hấp, viêm phổi nặng - Ảnh 3.

Các vị trí vết bỏng sâu nghiêm trọng của trẻ.

Trượt chân ngã xuống suối, bé gái suy hô hấp, viêm phổi nặng - Ảnh 4.

Các vết bỏng ở trẻ đã lên da non, sức khỏe bệnh nhi đã tiến triển rất nhiều

Cần chú ý giám sát trẻ nhiều hơn!

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Tai nạn thương tích ở trẻ em đang có xu hướng tăng lên và là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm.

Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày.

Ngoài ra, tuỳ từng lứa tuổi mà trẻ có thể gặp các loại hình/nguyên nhân tai nạn thương tích khác nhau như: ngã, bỏng, tai nạn giao thông, ngộ độc,…

Trượt chân ngã xuống suối, bé gái suy hô hấp, viêm phổi nặng - Ảnh 5.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tình trạng tai nạn ở trẻ nhỏ, ThS.BSNT. Dương Thị Hồng Ngọc – Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần giám sát trẻ cẩn thận, nhất là trong thời điểm trẻ được nghỉ hè hay nghỉ học do dịch bệnh COVID 19;

- Cần quan sát kỹ trẻ khi đến nơi có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; đồng thời cho trẻ em học bơi và nâng cao kỹ năng phòng tránh, sơ cứu đuối nước ở mọi lứa tuổi.

- Các bậc thềm, cầu thang ở các gia đình cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn…

- Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vì sao tắm đêm muộn có nguy cơ đột quỵ?


Hà Nguyệt
Ý kiến của bạn