Trưởng thôn Điểu Kem: "Bà con thoát nghèo là niềm vui lớn nhất của mình rồi"

09-08-2021 07:06 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - Với tấm lòng nhân hậu, ông Điểu Kem người dân tộc S'Tiêng đã cống hiến rất nhiều về tinh thần lẫn vật chất cho sự phát triển của thôn và đời sống của người dân quê hương mình.

Ông Điểu Kem (SN 1963, người đồng bào S'Tiêng) trong suốt 24 năm giữ vai trò trưởng thôn Bù Ca 2 xã Long Hà, huyện Phú Riềng, Bình Phước.

Người luôn đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương, tích cực vận động bà con trong thôn đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào xây dựng và phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh tại địa phương.

Làm trưởng thôn ở địa bàn chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn cũng như nhận thức các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, thật không dễ chút nào đối với ông Điểu Kem.

 Trưởng thôn Điểu Kem: "Bà con thoát nghèo là niềm vui lớn nhất của mình rồi" - Ảnh 1.

Trưởng thôn Điểu Kem (bìa trái) luôn được nhân dân địa phương quý mến, tôn trọng.

Thế nhưng, bằng tinh thần trách nhiệm, ông luôn kiên trì gắn bó và gần gũi với bà con nhân dân. Ông nắm rõ từng con đường ngõ xóm, từng hộ gia đình, tính cách từng người dân. Điều gì bà con chưa hiểu, chưa nắm rõ, ông luôn sẵn sàng tận tình giải thích, hướng dẫn cho bà con. Do đó, vai trò và uy tín của ông ngày càng được khẳng định và nâng cao.

"Làm cán bộ thôn lâu năm phải nắm rõ được từng người, từng hộ cụ thể. Từ đó, mình mới tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tuân thủ và chấp hành theo các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước", ông Điểu Kem nói.

Nhờ gần gũi, gắn bó với bà con nhân dân, ông Điểu Kem luôn thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của bà con nơi đây. Thôn Bù Ca 2 hiện có 187 hộ dân với 997 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số S'Tiêng sinh sống. Trong số 187 hộ dân của thôn thì có 36 hộ dân thuộc diện hộ nghèo.

Tình trạng bán điều non, cầm cố đất của bà con trong vài năm trở lại đây tại thôn Bù Ca 2 vẫn tiếp diễn vì nhiều lý do khác nhau. Thấy được điều đó, ông đã đi đến tận nhà giải thích, vận động bà con và họ đã hiểu được hậu quả của việc bán điều non, cầm cố đất, không tái diễn nữa.

"Ngân hàng" không lãi của bà con

Nhờ kinh tế gia đình khá giả, ông Điểu Kem sẵn sàng cho bà con có hoàn cảnh khó khăn vay tiền không lãi suất để phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống lúc khó khăn. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.

Ông Điểu Kem cho biết: "Rất nhiều hộ gia đình mượn rồi trả, trả xong rồi mượn, có những gia đình mượn chưa thể trả, nhiều lúc cũng không nhớ nổi một năm mình cho bà con mượn bao nhiêu. Nhưng tính toán làm chi, giúp đỡ nhau là chính. Bà con mình thoát nghèo thì đó cũng là niềm vui của mình rồi".

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền gia đình ông cho bà con trong thôn mượn không lãi suất khoảng vài trăm triệu đồng. Con số cụ thể thì ông không nhớ nổi, bởi chẳng bao giờ lưu vào sổ sách.

Là một trong số các hộ dân đã nhiều lần bán điều non, nhưng được trưởng thôn Điểu Kem tuyên truyền vận động và cho vay tiền không lãi suất để phát triển kinh tế gia đình, bà Điểu Chinh xúc động nói: "Vì gia đình khó khăn và thiếu tiền trang trải cuộc sống vào mùa giáp hạt nên nhiều năm trước gia đình tôi phải bán điều non.

Nhưng sau này được trưởng thôn giải thích về tác hại của nó, đồng thời ông cũng sẵn sàng cho gia đình tôi mượn tiền không lãi suất. Vì vậy, gia đình tôi không còn bán điều non nữa mà tập trung làm kinh tế, dần dần tích lũy vốn, ổn định cuộc sống, đến nay gia đình có thể tự trang trải cuộc sống".

Hiện nay, gia đình ông Điểu Kem có hơn 20ha cao su cùng với hàng chục ha đất để chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng các loại cây (bưởi, hồ tiêu, chanh…). Ngoài ra, gia đình ông còn đầu tư mua xe tải, xe khách, máy cày, máy múc, xe chuyên chở vật liệu nông sản...

Với tấm lòng nhân hậu, ông đã cống hiến rất nhiều về tinh thần lẫn vật chất cho sự phát triển của thôn và đời sống của người dân nơi đây.


Linh hồn hoạt động văn hoá của bản làng

Vốn là gia đình có điều kiện về kinh tế, cùng với gần 23 năm kinh nghiệm làm trưởng thôn, Điểu Kem luôn quan tâm và đặt tâm huyết vào thế hệ trẻ ở địa phương. Ông Điểu Kem cho rằng để thế hệ trẻ không lâm vào các tệ nạn xấu thì cần phải tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên.

Không chỉ dừng lại ở đó, thấy sân bóng chưa được đẹp, mặt bằng lại gồ ghề, ông đã vận động một số hộ gia đình có điều kiện và bản thân ông đóng góp thêm hơn 20 triệu đồng để đổ bê tông cho mặt sân sạch đẹp và chất lượng hơn.


Dự kiến sang năm, ông tiếp tục đầu tư thêm một sân bóng chuyền dành cho chị em phụ nữ trong thôn, đồng thời nhằm tạo mặt bằng sạch sẽ cho người dân tổ chức các hoạt động vui chơi, cưới hỏi.

Ngoài diện tích đất gia đình ông hiến cho địa phương xây nhà văn hóa, sân bóng, trường học, ông còn dự trữ khoảng 6.000 - 8.000m2 đất phía sau nhà để sau này làm sân bóng đá và làm các công trình công cộng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người dân trong thôn.

 Trưởng thôn Điểu Kem: "Bà con thoát nghèo là niềm vui lớn nhất của mình rồi" - Ảnh 4.

Điểu Kem luôn tâm niệm: "Bà con mình thoát nghèo thì đó cũng là niềm vui của mình rồi"

Đến nay, nhà văn hóa thôn được nhà nước đầu tư xây dựng, nhưng do kinh phí ít và xuống cấp theo thời gian, cá nhân ông đã bỏ ra 50 triệu đồng để hỗ trợ xây tường và sửa chữa lại nhà văn hóa cho hoàn thiện.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, ông tự bỏ tiền túi, xe máy múc của gia đình để sửa chữa, múc cống rãnh ven đường cho bà con đi lại thuận tiện.

Ông Phạm Tấn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Long Hà, cho biết: "Ông Điểu Kem là gương điển hình trong học và làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất.

Nhiều năm qua, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền và giúp đỡ người dân tại thôn Bù Ca 2 phát triển kinh tế gia đình.

Ông Điểu Kem luôn được mọi người yêu mến. Vì vậy, ngoài đảm nhiệm vai trò trưởng thôn, ông còn được cấp ủy tin tưởng giao kiêm nghiệm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng đại biểu HĐND thôn Bù Ca 2 và thôn Phú Mang 3 của xã Long Hà".

Xuân Hiệp
Ý kiến của bạn